Những năm tháng làm việc bên anh Trường Chinh (kỳ 36)

06:02, 13/02/2018

Trần Quốc Hương

(tiếp theo)

    Theo Hiệp định sơ bộ quy định, quân Pháp chỉ được đóng trong thành và hành quân qua khu vực vườn hoa Canh Nông (bây giờ là công viên Chi Lăng ở góc đường Trần Phú - Điện Biên Phủ). Gần đến ngày Quốc khánh Pháp 14-7, Xanhtơny, ủy viên Cộng hòa Pháp, xin phép Chính phủ ta cho chúng được tổ chức cuộc duyệt binh quanh bờ hồ Hoàn Kiếm.

    Âm mưu rất thâm độc của bọn chúng là nhân lúc quân Pháp đang duyệt binh, thì bọn Đại Việt sẽ ném lựu đạn vào đơn vị quân lính da đen, gây đổ máu, lấy cớ đó, bọn Pháp vu cáo Việt Minh đánh chúng và lập tức tung quân đánh chiếm các cơ quan đầu não, bắt các cán bộ lãnh đạo cao cấp của ta; còn bọn Quốc dân Đảng dùng những cơ sở ở Hà Nội và các nơi nổi dậy, phối hợp làm cuộc đảo chính lật đổ chế độ ta.

    Anh Lê Giản (lúc đó làm Giám đốc Nha Công an), có anh Nguyễn Tạo mới ở Nam ra cộng tác, thông tin cho tôi nắm được những hoạt động và âm mưu thâm độc của chúng, qua anh Hoàng Hữu Nam báo cáo với anh Trường Chinh.

    Anh nói với tôi:

    "Tôi cùng với Thường vụ Trung ương thấy việc nghiêm trọng như thế này, ta nhất định phải xử lý. Nhưng, việc này do Chính phủ quyết định. Bác đã dặn: Những việc đối nội, đối ngoại thuộc Chính phủ thì phải báo cáo xin ý kiến cụ Huỳnh là Quyền Chủ tịch nước. Ta phải thực hiện đúng ý kiến của Bác. Anh sang nói với anh Hoàng Hữu Nam (Phan Bôi), người đồng hương với cụ Huỳnh, lúc bấy giờ làm Chánh văn phòng Chủ tịch Phủ, để anh Nam báo cáo với cụ Huỳnh".

    Tôi sang làm việc với anh Hoàng Hữu Nam. Anh hẹn tối lại nhà anh nghe kết quả. Y hẹn tôi đến, anh kể lại: Cụ bảo trước khi đi Cụ Hồ đã dặn "dĩ bất biến, ứng vạn biến", bất biến là phải giữ đoàn kết dân tộc, nhưng như thế này đoàn kết sao được. Cụ nói bọn phản quốc thì phải trị, nhưng phải có chứng cứ cụ thể.

    Các anh bên Nha Công an khẩn trương lên kế hoạch hành động, giao cho trinh sát điều tra và bao vây bắt chúng.

    Ngày 12-7-1945, thực hiện lệnh của anh Nguyễn Tạo, anh Lê Hữu Qua cho anh em từ sáng sớm tinh mơ, đột nhập trụ sở 132 phố Duyvinhô (Duvigneau - nay là Bùi Thị Xuân) của bọn Đại Việt, mặc dù chung quanh chúng đào công sự, rào kẽm gai, tổ chức canh gác cẩn thận. Ta bắt được chúng đang in truyền đơn kêu gọi lật đổ Chính phủ và lấy được đủ tài liệu gồm kế hoạch bạo động, yết thị... Tất cả chất đầy một xe mang những thứ đó lên báo cáo cụ Huỳnh. Nhìn thấy tận mắt nhũng tang vật, cụ Huỳnh nói: "Trước khi đi Cụ Hồ bảo phải chăm lo đoàn kết, nay họ làm bậy như thế này sao mà đoàn kết được, phải trị thôi. Các thầy chuẩn bị kỹ, mai tôi ra báo cáo trước Hội đồng Chính phủ, tôi sẽ có ý kiến".

    Hôm sau, họp Chính phủ, cầm chiếc quạt thước chỉ về phía các viên Bộ trưởng do Tàu Tưởng ép ta phải cho tham gia Chính phủ (Nguyễn Tường Tam, Bộ trưởng Ngoại giao, đã bỏ trốn), cụ Huỳnh nói:

    Trước đây tôi ngỡ các ông cũng là người ái quốc, ái quần, bây giờ thì rõ các ông chỉ là lũ bán nước, hại dân. Như thế này phải trị thôi!

    Đã có lệnh của cụ Huỳnh, Nha Công an liền triển khai tiến công vào ba trụ sở của bọn phản động: một ở phố Thuyền Quang; hai ở phố Quán Thánh và ba là nhà số 7 phố Ôn Như Hầu (phố Nguyễn Gia Thiều hiện nay), ở cả ba nơi, chúng đều chống cự lại ta nhưng bị ta nhanh chóng dẹp tan. Ta thu được nhiều tài liệu chứng cứ hoạt động phản nước hại dân của chúng. Riêng ở số 7 phố Ôn Như Hầu, ta bắt được Phan Văn Kích, ủy viên Trung ương Quốc dân Đảng; trong một phòng còn hai người đang bị trói cùng nhiều dụng cụ tra tấn, trên tường dính đầy máu, ngoài vườn ta phát hiện những hố chôn nhiều người, do chúng giết và thủ tiêu...

    Cụ Huỳnh đã có công kiên quyết diệt trừ bọn phản động, góp phần ổn định tình hình nội bộ nước ta trước khi đi vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong công tác này anh Nguyễn Tạo góp nhiều công sức lớn.

    Đầu tháng 8-1946, anh Trường Chinh nói với tôi:

    Ta đã giành được chính quyền một năm rồi mà báo Đảng vẫn phải đi in thuê ở nhà in tư nhân. Điều ấy là không bình thường. Ta cần có một nhà in riêng để chủ động in báo cũng như in sách và các tài liệu của Đảng. Thường vụ Trung ương đã bàn và quyết định mua hai nhà in. Một nhà in chuyên in giấy bạc Cụ Hồ, gọi là Nhà in Tài chính. Một nhà in chuyên in sách, báo của Đảng, về nhà in giấy bạc, ta đã mua lại được Nhà in Taupin của Pháp. Còn nhà in của Đảng, chúng tôi giao cho anh cùng các anh Phạm Đức Khiêm và Phạm Văn Khoa lo liệu.

    Sau gần hai tháng đi tìm hiểu, khảo sát tình hình, chúng tôi báo cáo với anh Nguyễn Lương Bằng cho phép mua Nhà in Trung Bắc Tân Văn ở 34 - 36 phố Phùng Hưng, Hà Nội. Nhà in này là một trong những nhà in ra đời sớm nhất ở nước ta. Chủ nhân đầu tiên của nó là Nguyễn Văn Vĩnh, một nhà báo và nhà văn được nhiều người biết tiếng ở Hà Nội. Ta mua nhà in này của ông Nguyễn Văn Luận, bạn của ông Nguyễn Văn Vĩnh. Tuy có nhỏ hơn đôi chút so với Nhà in Lê Văn Tân và Nhà in Minh Sang, nhưng Nhà in Trung Bắc Tân Văn cũng đáp ứng được yêu cầu in báo Sự Thật trước mắt và suốt trong cuộc kháng chiến chống Pháp sau này.

    Nhà in được vinh dự Tổng Bí thư Trường Chinh đặt tên cho là Nhà in Tiến Bộ. Báo Sự Thật, từ số 53, ra ngày 13-9-1946, đã in ở Nhà in Tiến Bộ. Nhưng bắt đầu từ ngày 8-9-1946, Nhà in Tiến Bộ chính thức đi vào sản xuất. Cuốn sách đầu tiên của Nhà in Tiến Bộ in vào tháng 9-1946 là cuốn Cách mạng Tháng Tám của Trường Chinh, của Nhà xuất bản Sự Thật. Đây là một tác phẩm quan trọng của Tổng Bí thư Trường Chinh viết về cuộc Cách mạng Tháng Tám.

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com