Những năm tháng làm việc bên anh Trường Chinh (kỳ 32)

05:01, 30/01/2018

Trần Quốc Hương

(tiếp theo)

    Tiếng súng kháng chiến Nam Bộ bắt đầu nổ. Trên số báo 20, ra ngày 23-9-1945, Cờ Giải Phóng lại lên tiếng cảnh báo:

    Thực dân Pháp, nhờ thế lực phái bộ Anh đã đánh úp ta ở Nam Bộ. Chúng đã chiếm Sài Gòn. Chúng giở ngay những thủ đoạn khủng bố dân ta, đàn áp những người yêu nước. Rồi đây chúng còn hoành hành nữa, nếu chúng ta không kịp đập tan lực lượng của chúng đi... Đây là lúc chúng ta cùng nhắc lại lời thề mà chúng ta đã đồng thanh phát biểu trong Ngày Độc lập... Chúng ta trên dưới một lòng, hai mươi lăm triệu người như một, quyết tâm đánh đuổi giặc Pháp!".

    Sau khi Đảng ta tuyên bố tự giải tán (thực chất là rút vào bí mật), báo của Đảng cũng phải đình bản. Trên số báo 33, ngày 18-11-1945, trong bài Mấy lời từ biệt, anh Trường Chinh viết:

    "Đảng Cộng sản Đông Dương đã tự ý giải tán. Cờ Giải Phóng, cơ quan của Đảng, từ biệt bạn đọc từ nay. Luôn bốn năm tranh đấu bí mật trong những điều kiện hết sức gian nan, Cờ Giải Phóng mới ra ánh sáng công khai được ngoài hai tháng. Trong thời gian ngắn ngủi ấy, Cờ Giải Phóng đã làm được những gì? Nó vừa kiến thiết, vừa phá hoại, vừa đề nghị vừa chỉ trích. Ráng hết sức thống nhất Mặt trận dân tộc chống Pháp xâm lược, nó bồi bổ đức tin của đồng bào đối với sự nghiệp cứu nước, và khêu gợi chí căm hờn của toàn dân đối với bọn Pháp xâm lăng. Nó kiên quyết tẩy trừ những tàn tích xấu xa của chế độ cũ, đặng gom góp một phần vào việc xây dựng chính quyền mới. Riêng về Đảng, nó vừa tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản vừa xúc tiến công việc phát triển hàng ngũ cách mạng của giai cấp vô sản - giai cấp tiên phong".

    "Ngày nay, vì mục đích tối cao của Tổ quốc, Cờ Giải Phóng phải xa các bạn. Nhưng con đường giải phóng dân tộc đã vạch rõ. Các bạn hãy dũng cảm tiến lên!".

    Thực hiện chủ trương của Thường vụ Trung ương, ngay sau khi Cờ Giải Phóng đình bản, anh Trường Chinh đã giao cho tôi và một vài anh khác chuẩn bị ra báo Sự Thật. Anh Lê Hữu Kiều được đứng tên làm đơn xin ra báo. Ngày 3-12-1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký quyết định cho phép xuất bản báo Sự Thật, cơ quan tuyên truyền cổ động của Hội nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác ở Đông Dương.

    Anh Trường Chinh vẫn trực tiếp chỉ đạo báo Sự Thật. Giúp anh Trường Chinh phụ trách tờ báo, có thêm anh Lê Văn Lương, Xứ ủy viên Xứ ủy Nam Bộ, mới ở Côn Đảo và chiến trường miền Nam ra. Số 1 Sự Thật ra ngày 5-1-1946, một ngày trước cuộc Tổng Tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với bài xã luận của anh Trường Chinh: "Tất cả hãy đến thùng phiếu!".

    Nói đến hoạt động của báo thời kỳ này, tôi thấy cần kể đến gần một tiểu đội thiếu niên được chúng tôi chọn về làm trong cơ quan báo Đảng. Các chú Gavroche của Cách mạng Tháng Tám đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ ấy đã làm giao thông, phụ việc sửa bài, chữa morát ở nhà in, làm phát hành báo, bảo vệ cơ quan và biết bao việc không tên của cơ quan báo. Anh Trường Chinh rất quan tâm đến việc dạy dỗ, dìu dắt và giúp các em làm tốt công tác.

*

    Cơ sở Nhà Đoan Hà Nội do tôi phụ trách ở số 8 phố Banny (Balny) (nay là phố Hàng Vôi, trụ sở của Bộ Lương thực cũ) có một kho hàng lớn. Pháp đã tích trữ ở đây 2.000 tấn muối, một số thuốc phiện, bạc trắng đầm xòe, vải vóc và thuốc tây. Ngoài kho hàng, còn một xưởng ô tô với một vài xe con và xe tải còn tốt và đầy đủ máy móc sửa chữa. Quản lý kho này của Pháp là các anh Lê Văn Đức và Phạm Ngọc Côn. Hai anh đều tham gia Việt Minh. Khi Nhật làm đảo chính lật Pháp, chúng vẫn để các anh làm việc, và không cho người đến kiểm soát gì kho hàng và nhà xưởng cả. Bởi thế, khi ta giành được chính quyền, kho Nhà Đoan trở thành tài sản của cách mạng.

    Tôi đã báo cáo đầy đủ tình hình kho Nhà Đoan với anh Trường Chinh và anh Nguyễn Lương Bằng. Anh Nguyễn Lương Bằng, phụ trách tài chính của Đảng, đã cử anh Chương, một cán bộ công vận cùng hoạt động với anh Trần Bảo ở Tổng Công đoàn, đến tiếp nhận kho Nhà Đoan. Phần lớn máy móc ở đây sau này được chuyển lên vùng Ngòi Trinh và Bến Trinh (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) là căn cứ của Ban Kinh tế Trung ương do anh cả (Nguyễn Lương Bằng) phụ trách. Anh Giám làm việc ở kho Nhà Đoan, đã từng học trường kỹ nghệ thực hành Hà Nội cùng một số anh khác được giao nhiệm vụ xây dựng Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo từ trong kháng chiến chống Pháp. Một số anh hoạt động bí mật ở kho Nhà Đoan đều trưởng thành.

    Kho Nhà Đoan còn là cơ sở của Trung ương sử dụng làm cơ quan đón tiếp anh em Hướng đạo ở miền Trung ra Hà Nội hoạt động.

    Anh Hoàng Đạo Thúy, phụ trách tổ chức Hướng đạo toàn Đông Dương, sau khi đi họp Quốc dân Đại hội Tân Trào về, có điện mời anh Tạ Quang Bửu, phụ trách Hướng đạo Trung Kỳ, ra Hà Nội. Anh Tạ Quang Bửu là một nhà khoa học lớn, đã từng du học ở Pháp và Anh, giỏi ngoại ngữ. Tuy anh Tạ Quang Bửu có tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim, nhưng Bác Hồ vẫn lấy anh Bửu về làm việc ở Văn phòng của Bác, chuyên về công tác đối ngoại. Trước ngày 2-9-1945, anh Tạ Quang Bửu, với danh nghĩa là đại diện của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp, được giao nhiệm vụ tiếp xúc với Acsimet L.A. Pátti (Archimedes L.A. Patti), sĩ quan tình báo Mỹ. Sau này, anh Tạ Quang Bửu được cử làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

    Anh Tạ Quang Bửu ra Hà Nội hoạt động đã điện gọi người em là anh Tạ Quang Đệ tức Quang Đạm ở Thanh Hóa ra. Ngày 25-8-1945, tôi đã đón anh Quang Đạm ở kho Nhà Đoan. Anh Quang Đạm trước đây cũng hoạt động trong phong trào Hướng đạo. Ra Hà Nội, anh Quang Đạm cùng với anh Hoàng Đạo Thúy giúp xây dựng Cục Thông tin của Bộ Quốc phòng. Một thời gian sau, anh Quang Đạm lại được cử làm sĩ quan liên kiểm Việt - Pháp. Tôi đã giới thiệu anh Quang Đạm với anh Trường Chinh.

    Tháng 10-1945, anh Trường Chinh bảo tôi giúp anh lập ra một tổ nghiên cứu thuộc Văn phòng Tổng Bí thư. Anh đã mời cụ Nhuận Chi, một nhà cách mạng lão thành, giỏi chữ Hán, về làm việc. Các anh Quang Đạm và Diệu Bình cũng tham gia tổ nghiên cứu này. Đến khi gần nổ ra cuộc kháng chiến chống Pháp, anh Quang Đạm lại cùng làm việc với tôi trong Ban G.L.A. (Giao thông Liên lạc An toàn khu). Tháng 5-1947, anh Quang Đạm được anh Trường Chinh chọn về làm báo Sự Thật. Tôi đã giới thiệu anh Quang Đạm vào Đảng.

(còn nữa)

[links()]

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com