Thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá (1997-2000) – Kỳ 3

03:03, 16/03/2017

[links()]

(Tiếp theo)

    Trong điều kiện tách ra, tái lập, có nhiều khó khăn về ngân sách, nhưng với quyết tâm đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã thực thi nhiều biện pháp tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật, đầu tư xây dụng cơ sở hạ tầng, nhất là về hệ thống giao thông nông thôn. Nhiều công trình giao thông được khởi công và đẩy nhanh tiến độ xây dựng, như: cầu Lạc Quần, cảng Hải Thịnh, quốc lộ 21A Nam Định - Phủ Lý, đường 55, cầu Thức Hoá, đường 51B Giao Thuỷ đi Hải Hậu... Phong trào làm đường giao thông nông thôn tiếp tục được đẩy mạnh. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, toàn tỉnh có 1.251 km đường đã được nâng cấp. Kinh phí do nhân dân đóng góp chiếm tới 74% tổng giá trị đầu tư. Một số công trình xây dựng trọng điểm như: Nhà 4 tầng Bệnh viện tỉnh, bệnh viện Tình thương AGAPE, công trình cấp nước sạch do Pháp tài trợ, Dự án tiêu thoát nước, xử lý rác, nâng cấp hệ thống giao thông đô thị ở thành phố Nam Định, nhựa hoá các trục đường nội thành... được triển khai. Căn cứ Quyết định số 677/TTg về phê duyệt quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 1996-2000, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các ngành chức năng bổ sung quy hoạch thành phố Nam Định tương ứng với vị thế đô thị trung tâm của hệ thống đô thị vùng đồng bằng Sông Hồng, đáp ứng nhu cầu phát triển, hội nhập, đồng thời điều chỉnh, bổ sung xây dựng khu công nghiệp ở phía bắc thành phố (khu vực tiếp cận cầu Tân Đệ).

    Thực hiện Chỉ thị số 657-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tiến hành kê khai và đăng ký cho các hộ kinh doanh. Toàn tỉnh đã kê khai trên 19.000 hộ, đăng ký kinh doanh cho gần 11.000 hộ. Với hàng chục ngàn hộ kinh doanh cá thể đã thu hút 15.730 lao động, chiếm 3,02% tổng số lao động xã hội trong tỉnh.

    Quán triệt và triển khai Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII) về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, sự nghiệp giáo dục - đào tạo được tỉnh chỉ đạo chú trọng mở rộng về quy mô, tiếp tục nâng cao chất lượng các bậc học, ngành học. Ngành học phổ thông đã đổi mới một bước về thi cử, kết quả học sinh tốt nghiệp các bậc học đạt mức cao: tiểu học đạt 96,3%; trung học cơ sở đạt 95,6%; trung học phổ thông đạt 87%. Đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh dự thi quốc gia: khối trung học phổ thông đạt 123 giải; khối tiểu học có 26/30 học sinh dự thi đoạt giải, đặc biệt có 3 học sinh đoạt giải quốc tế và khu vực. Hệ thống giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề trong tỉnh tuy đã được mở rộng, nhưng thiếu thống nhất về mô hình. Việc quản lý đào tạo nghề tư nhân thiếu chặt chẽ nên không bảo đảm chất lượng, chưa gắn hiệu quả đào tạo với sử dụng.

    Bám sát nhiệm vụ chính trị, các hoạt động văn hoá văn nghệ, báo chí tuyên truyền đã hướng vào đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân. Phong trào xây dựng nếp sống văn hoá được mở rộng và thu được kết quả bước đầu. Phong trào tập luyện thể dục, thể thao được mở rộng cả về số người, loại hình và địa bàn dân cư. Các đội tuyển thể thao thành tích cao của tỉnh đã dự thi 8 giải quốc gia, khu vực, đoạt 41 huy chương các loại. Đội tuyển bóng đá của tỉnh sau 4 năm ở hạng A1 đã được nâng lên đội hạng Nhất quốc gia. Công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân được đảm bảo. Tỷ lệ sinh và số người sinh con thứ ba giảm dần, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,4%.

    Nam Định là tỉnh có số người hưởng chính sách xã hội, người có công nhiều thứ 3 toàn quốc, với hơn 36.000 liệt sĩ, 12.200 thương binh, 13.000 bệnh binh và hơn 200 người hoạt động Cách mạng trước Tháng 8-1945. Thực hiện Pháp lệnh người có công với cách mạng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Thông tri số 03-TT/TU về xây dựng quỹ “đền ơn, đáp nghĩa”, xác định rõ "đền ơn, đáp nghĩa" là trách nhiệm của Đảng bộ và của toàn dân, thể hiện tình cảm biết ơn sâu sắc với những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, Tỉnh ủy chỉ đạo đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng quỹ "đền ơn, đáp nghĩa" và thành lập Ban chỉ đạo cuộc vận động từ tỉnh đến cơ sở. Trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày thương binh, liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-1997), ngày 6-5-1997, tỉnh tổ chức lễ phát động xây dựng quỹ "đền ơn, đáp nghĩa" trong toàn tỉnh với sự tham dự của lãnh đạo 10 huyện, thành và 85 cơ quan của tỉnh. Toàn tỉnh thu quỹ được hơn 5 tỷ đồng, đã tặng 30 ngàn sổ “tiết kiệm tình nghĩa" trị giá 6 tỷ 815 triệu đồng giúp các gia đình liệt sĩ, thương binh khó khăn; đã xây, sửa 3.055 ngôi nhà cho các hộ chính sách, trị giá hơn 9,218 tỷ đồng. Có 98/225 xã, phường được công nhận không còn hộ gia đình thương binh, liệt sĩ nghèo, đói và không an toàn về nhà ở. Trong tổng số 886 Bà mẹ Việt Nam anh hùng của tỉnh, có 185 bà mẹ còn sống, đều được các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.

    Quán triệt Chỉ thị số 15-CT/TW, Nghị quyết số 14-NQ/TW của Bộ Chính trị về đấu tranh chống tham nhũng, Quyết định số 114-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ thị, nghị quyết của các bộ, ngành Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan chức năng trong tỉnh đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng. Kết quả đã xác minh, kết luận 332 vụ tham nhũng, gồm 519 đối tượng có liên quan đến tham nhũng; khởi tố 148 vụ, 225 bị can, xử phạt hành chính 174 vụ, 304 đối tượng, thu hồi tài sản khoảng 17 tỷ đồng.

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com