Thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá (1997-2000) - Kỳ 1

03:03, 09/03/2017

    Đầu năm 1997, tỉnh hoạt động theo đơn vị hành chính mới. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, Đảng bộ tỉnh Nam Định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Nghị định số 190/NĐ/CP của Chính phủ về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Nam Định và một số huyện; gồm: điều chỉnh địa giới thành phố Nam Định, huyện Hải Hậu; chia tách các huyện Xuân Thuỷ thành Xuân Trường, Giao Thuỷ; huyện Nam Ninh thành Trực Ninh, Nam Trực và tái lập huyện Mỹ Lộc. Đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân các địa phương, đơn vị được chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính và tái lập đều phấn khởi, quyết tâm phấn đấu phát huy tốt khả năng, thế mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng địa phương trong thời kỳ mới.

    Sau khi tái lập, toàn tỉnh Nam Định có diện tích tự nhiên 1671,6 km2, dân số 1.907.200 người, mật độ dân số 1.141 người/km2. Toàn tỉnh có 9 huyện, 1 thành phố, 201 xã, 15 phường, 9 thị trấn. Đảng bộ tỉnh có 14 đảng bộ trực thuộc (gồm 10 đảng bộ huyện, thành phố và 4 đảng bộ trực thuộc), 850 tổ chức cơ sở đảng, 4.819 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, với 82.874 đảng viên.

Cần Đò Quan khánh thành năm 1998.
Cần Đò Quan khánh thành năm 1998.

    Cùng với sự phát triển của cả nước, tình hình kinh tế xã hội của tỉnh có những chuyển biến tích cực. Nền kinh tế có tốc độ phát triển cao hơn các năm trước, chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ. Kinh tế nhiều thành phần đã hình thành, sản xuất nông nghiệp phát triển, có những tiến bộ vượt bậc, liên tục giành những đỉnh cao mới về năng suất và tổng sản lượng, sản xuất công nghiệp bước đầu vượt qua sa sút và có tăng trưởng. Hệ thống đường giao thông, nhất là giao thông nông thôn, hệ thống điện, đường, thủy lợi, thông tin liên lạc và kết cấu hạ tầng văn hóa - xã hội, phúc lợi công cộng được chú trọng đầu tư, nâng cấp. Đó là những tiền đề vật chất quan trọng để tỉnh tiếp tục đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội trong những năm sau.

    Song thực trạng kinh tế - xã hội của tỉnh cũng còn nhiều khó khăn. Điểm xuất phát của nền kinh tế thấp so với cả nước và khu vực. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm kinh tế chủ yếu vẫn mang tính chất thuần nông, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có quy mô nhỏ, đang xây dựng ngành công nghiệp mũi nhọn. Thu ngân sách trên địa bàn thấp, chưa xây dựng được các dự án kinh tế trọng điểm để thu hút vốn đầu tư và khai thác tiềm năng tại chỗ. Trật tự xã hội còn diễn biến phức tạp, kết quả công tác đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại và các loại tội phạm chưa cao, nhất là tội phạm ma túy. Những mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện trong nhân dân ở một số nơi chưa được giải quyết kịp thời, triệt để, còn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định xã hội.

    Từ thực tế tình hình sau khi tái lập tỉnh, ngày 7-5-1997, Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh tiến hành Hội nghị mở rộng tới lãnh đạo các sở, ban, ngành ở tỉnh và thường trực cấp ủy, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố để thảo luận, đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, ra nghị quyết về định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2000 và những năm tiếp theo; chỉ đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá X và bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 1994-1999. Trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, tập trung vào các vấn đề, nội dung sau:

    Sớm bổ sung, hoàn chỉnh chiến lược kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2010 và những năm tiếp theo, dồn sức đưa nền kinh tế phát triển với tốc độ tăng trưởng cao hơn các năm trước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, của từng ngành, từng địa phương. Chú trọng phát triển các ngành then chốt, các sản phẩm trọng yếu và các sản phẩm có nguồn thu lớn cho ngân sách, đáp ứng nhu cầu trong tỉnh và tăng khả năng xuất khẩu.

    Toàn tỉnh chia làm hai vùng và một trung tâm công nghiệp dịch vụ: Vùng ven biển, đất đai phì nhiêu có khả năng phát triển thành vùng kinh tế tổng hợp, trù phú với quy mô lớn về thủy, hải sản, muối, dịch vụ, tàu biển. Vùng đồng bằng có diện tích lớn, có khả năng thâm canh, phát triển nông nghiệp hàng hoá, đa dạng sản phẩm. Trung tâm công nghiệp dịch vụ thành phố Nam Định có công nghiệp dệt, may, cơ khí, điện tử, chế biến nông sản thương mại, dịch vụ.

    Huy động mọi khả năng, tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng để mở rộng quy mô đầu tư toàn xã hội, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, tăng vốn đầu tư để tạo cơ cấu hợp lý theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VIII đã đề ra.

    Tập trung chỉ đạo phát triển công nghiệp, đổi mới cơ cấu sản xuất, nâng cao trình độ công nghệ, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá, khuyến khích sản xuất hàng xuất khẩu. Phát triển các ngành nghề truyền thống, mở rộng làng nghề, tạo nhiều việc làm cho người lao động.

    Tiếp tục đẩy mạnh phong trào làm đường giao thông đẩy nhanh tiến độ thi công đường 21A; cầu Lạc Quần cảng Hải Thịnh, thành lập doanh nghiệp quản lý khai thác cảng. Phối hợp với tỉnh Thái Bình chuẩn bị các điều kiện và thủ tục để xin khởi công xây dựng cầu Tân Đệ. Hoàn thành các thủ tục và có cơ chế kêu gọi đầu tư xây dựng khu công nghiệp tập trung phía tây bắc thành phố Nam Định.

    Đi đôi với phát triển lực lượng sản xuất, tập trung chỉ đạo củng cố quan hệ sản xuất, bao gồm sắp xếp, củng cố các doanh nghiệp nhà nước, triển khai thực hiện Luật hợp tác xã đối với tất cả các loại hình hợp tác xã ở các ngành kinh tế; củng cố và chấn chỉnh hoạt động của các công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân.

    Thực hiện tốt Luật ngân sách, khuyến khích tăng thu và chống thất thu để tăng nhanh nguồn thu ngân sách cho tỉnh, giảm dần mức mất cân đối thu - chi ngân sách, góp phần cùng cả nước kiềm chế và kiểm soát lạm phát.

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com