Trường Chinh - Thân thế và sự nghiệp (Kỳ 14)

10:03, 02/03/2017

[links()]

HOÀNG TÙNG
Nguyên Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng

(Tiếp theo)

Người khởi xướng nhiều chủ trương rất quan trọng của công cuộc đổi mới

    Đại hội lần thứ IV của Đảng họp năm 1976 tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ và toàn bộ cuộc cách mạng dân chủ nhân dân, xác định đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa do Lê Duẩn và Bộ Chính trị chuẩn bị, được Trung ương thảo luận và thông qua để đưa ra Đại hội.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng. Ảnh tư liệu
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng. Ảnh tư liệu

    Kể từ Hội nghị thành lập Đảng năm 1930, Đại hội IV là Đại hội lớn nhất trong lịch sử Đảng ta đến lúc đó. Khi còn sống, trong dịp chuẩn bị Đại hội lần thứ II, Bác Hồ xúc động nói: lúc đầu Đảng ta chỉ có mấy người, thế mà bây giờ trong đội ngũ của mình đã có nửa triệu đảng viên. Khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, đội ngũ những người cộng sản Việt Nam đã lên đến trên một triệu, sau khi hàng chục nghìn người con ưu tú của mình đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng Tổ quốc và đồng bào. Trường Chinh, người lãnh đạo Xứ ủy Bắc Kỳ, Quyền Tổng Bí thư rồi Tổng Bí thư Trung ương Đảng từ năm 1940 đến tháng 10-1956, cùng Bác Hồ đã góp phần to lớn trong sự nghiệp đào tạo lực lượng lãnh đạo cốt cán của Đảng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, xây dựng chủ nghĩa xã hội, cùng Bác Hồ, Lê Duẩn và các đồng chí lãnh đạo khác, ông vẫn là người giáo dục, đào tạo hàng vạn cán bộ lãnh đạo các ngành, các cấp. Công lao của ông trong sự nghiệp xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, từng bước đưa Đảng lên giai đoạn trưởng thành về chính trị thật là to lớn. Công lao của ông đối với sự nghiệp xây dựng chính quyền nhà nước cách mạng, xây dựng các lực lượng vũ trang cách mạng cũng không nhỏ. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng qua đời, Trường Chinh là nguyên thủ nước ta. Ông đảm đương xuất sắc cả lĩnh vực nội chính lẫn đối ngoại.

    Tại Đại hội lần thứ IV, Trường Chinh được bầu lại là ủy viên Bộ Chính trị, Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng Bí thư, nhiều đồng chí mới được bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ban Chấp hành Trung ương tăng lên gấp đôi so với nhiệm kỳ trước. Về công tác đảng, Trường Chinh vẫn tiếp tục những công việc mà ông đã quen từ những năm 1930 - công tác tư tưởng, lý luận, giáo dục. Ông tiếp tục viết, giảng dạy; khi nào có hứng thú thì làm thơ.

    Từ cuối những năm 1970, sức khỏe của Lê Duẩn bắt đầu giảm sút do cuộc sống gian khổ, tù đầy hoạt động lâu dài ở miền Nam. Ông dốc sức chỉ đạo công cuộc xây dựng đất nước sau hai cuộc chiến tranh nặng nề, công việc của ông liên tục căng thẳng. Đầu những năm 1980, Lê Duẩn chỉ đạo việc chuẩn bị Đại hội lần thứ V của Đảng, giữa chừng do sức khỏe giảm sút đã phải sẻ bớt công việc cho Trường Chinh.

    Đại hội lần thứ V họp năm 1982, giải quyết những vấn đề cấp bách về kinh tế - xã hội đang lâm vào khủng hoảng, bầu Ban Chấp hành Trung ương mới. Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng Bí thư, song vì sức khỏe của ông giảm sút, Trung ương quyết định giảm bớt công việc hàng ngày của ông và cử Trường Chinh thay chủ trì công việc. Đầu năm 1986, Lê Duẩn đề nghị Trung ương bầu lại Trường Chinh làm Tổng Bí thư. Tháng sáu năm ấy, Lê Duẩn qua đời.

    Trong cuộc đời làm Tổng Bí thư, Trường Chinh phải thực hiện hai cuộc chuyển hướng lớn về chiến lược cách mạng. Lần thứ nhất, năm 1941, có sự chỉ đạo của Bác Hồ. Lần thứ hai ông là người lãnh đạo cao nhất. Tình hình kinh tế, xã hội hết sức phức tạp đã xuất hiện từ năm 1976. Ta không còn nhận được viện trợ của các nước anh em, lại bắt đầu phải vay nợ, trả nợ. Sản xuất nông nghiệp và công nghiệp giảm sút nghiêm trọng, người không đủ ăn, nhà máy thiếu nguyên liệu, năng lượng, nông nghiệp thiếu phân bón. Số người thất nghiệp ngày càng tăng, đồng tiền mất giá nhanh chóng, giá cả tăng vọt. Các nước cùng phe với Mỹ thực hiện chính sách cấm vận đối với nước ta. Một cuộc chiến tranh mới tuy ta đã thấy lởn vởn ở chân trời, không ngờ ập đến quá nhanh và phải tiếp tục chống cuộc chiến tranh ấy mười năm nữa vì nghĩa vụ quốc tế và sự an toàn của chính nước ta. Khủng hoảng kinh tế là tiền đề của khủng hoảng xã hội và mang tính chính trị.

    Ngay từ năm 1960, khi chuẩn bị Đại hội lần thứ III, Lê Duấn đã suy nghĩ nhiều về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, không thể bắt chước những mô hình sẵn có vì nước ta là một nước tiểu nông đi lên, phải lấy việc phát triển lực lượng sản xuất, cách mạng kỹ thuật làm trung tâm nhằm từng bước chuyển nền sản xuất tiểu nông, thủ công thành một nền sản xuất lớn cơ khí hóa. Vả lại, những mô hình đã có cũng chưa hay lắm. Song sự tiếp cận chưa sâu sắc, những vấn đề lý luận nêu lên vẫn còn nhiều điều chưa chín. Rốt cuộc, trong thực tế, ta vẫn theo con đường đã có ở một số nước. Nhờ có viện trợ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc, những điều không ổn chưa bộc lộ. Sai lầm lớn của các nước xây dựng chủ nghĩa xã hội đi trước, nói chung, đều là những nước chậm phát triển, bắt đầu từ nền kinh tế nông nghiệp còn ở giai đoạn tự cấp tự túc đã muốn xông thẳng đến chủ nghĩa cộng sản. Điều này, Lênin đã tự phê bình và chuyển hướng chiến lược từ năm 1921, nhưng sau khi ông qua đời, người ta lại trở lại con đường qua ba năm thử thách đã bùng nổ thành một cuộc khủng hoảng lớn - Chủ nghĩa cộng sản thời chiến. Công hữu hóa cực đoan toàn bộ tư liệu sản xuất, Nhà nước nắm trọn quyền quản lý sản xuất, phân phối, bãi bỏ kinh tế thị trường, xây dựng một nền kinh tế đóng kín với thế giới làm triệt tiêu các động lực, tinh thần sáng tạo của người lao động. Bất chấp các quy luật kinh tế, kéo dài nền sản xuất ngày càng kém hiệu quả. Nền kinh tế thiếu hụt kéo dài dẫn đến trì trệ, khủng hoảng.

    Sau khi hoàn thành các nhiệm vụ của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, nước nhà chuyển sang cuộc cách mạng thứ hai, ta cố gắng xác định nền tảng lý luận của cuộc cách mạng xã hội phù hợp với tình hình nước ta và tình hình thế giới. Vì muốn bỏ qua những bước đi, giai đoạn quá độ cần thiết, nóng vội xây dựng một nền sản xuất lớn, kỹ thuật cao trong điều kiện nền kinh tế chưa có tích lũy, thì không thể tránh được một cuộc khủng hoảng.

    Trở lại làm Tổng Bí thư trong tình hình ấy, Trường Chinh phải để hết tâm lực tìm lối thoát. Do cuộc sống đòi hỏi, cán bộ cấp dưới, công nhân, nông dân thay đổi chính sách, luật lệ áp đặt từ bên trên, không phù hợp cuộc sống. Nhiều nơi phá rào, làm chui để duy trì sản xuất và đời sống, bất chấp các chỉ tiêu, kế hoạch vì không có điều kiện thực hiện, họ tự mình xoay sở, tìm kiếm nguyên liệu cho nhà máy, giao ruộng cho xã viên làm khoán để cứu đói. Trước tình hình ấy, Trường Chinh thấy cần phải thay đổi. Trung ương quyết định triệu tập Đại hội lần thứ VI của Đảng. Là Tổng Bí thư, Trường Chinh phải soạn thảo Báo cáo chính trị. Trở lại tư tưởng kinh tế của Hồ Chí Minh đề xuất từ năm 1927 trong Đường cách mệnh, chỉ rõ rằng, sau khi hoàn thành cuộc cách mạng thứ nhất, nước nhà sẽ bước vào cuộc cách mạng thứ hai phát triển kinh tế theo tinh thần Chính sách kinh tế mới của Lênin; Chính sách ấy ông đã cùng Bác Hồ xác định trong Cương lĩnh Việt Minh khuyến khích sự phát triển các thành phần kinh tế, bảo đảm lợi ích của các giai cấp lao động, các nhà công nghiệp, thương nghiệp dân tộc, làm cho dân giàu, nước mạnh. Chính sách ấy đã được Nhà nước ta thực hiện từ cuối năm 1945 đến năm 1953, ngay trong hoàn cảnh chiến tranh, mang lại hiệu quả rõ rệt.

    Tư tưởng trung tâm trong văn kiện chính trị do Trường Chinh chỉ đạo việc soạn thảo là đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế nhằm mục đích khắc phục cuộc khủng hoảng đang diễn ra gay gắt. Ông kiên trì đấu tranh chống tư duy cũ, cho rằng sự thay đổi do ông đề nghị là đưa nền kinh tế nước ta đi vào nền kinh tế thị trường, là theo chủ nghĩa xã hội thị trường kiểu Ôtagih của Tiệp Khắc. Người ta nói với ông rằng, chủ nghĩa xã hội là thủy điện sông Đà, không phải chợ Đồng Xuân, kinh tế xã hội chủ nghĩa không chấp nhận quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh của chủ nghĩa tư bản. Tại một hội nghị cán bộ của Hà Nội, ông trình bày phương hướng, nội dung công cuộc đổi mới, và quả quyết trong lúc này, chúng ta chỉ có hai khả năng lựa chọn: đổi mới để tiến lên hay đi theo con đường cũ để chết. Chúng ta phải dứt khoát đổi mới. Đại hội các cấp và Đại hội toàn Đảng nhất trí thông qua Báo cáo chính trị. Nghị quyết được nhân dân hưởng ứng nhiệt liệt và đi vào cuộc sống rất nhanh.

    Vì đã ngoài 80 tuổi, Trường Chinh xin không ứng cử vào Ban Chấp hành Trung ương. Ông được mời làm Cố vấn và chỉ đạo việc soạn thảo cương lĩnh mới của Đảng. Công việc này ông đang làm dở, chẳng may bị vấp ngã, ông qua đời ngày 30-9-1988.

    Trường Chinh và Lê Duẩn thay nhau làm Tổng Bí thư của Đảng ta từ năm 1940 đến năm 1986. Trường Chinh, hai lần từ năm 1940 đến năm 1956, và năm 1986. Lê Duẩn từ năm 1957 đến năm 1986. Sự nghiệp của hai ông gắn liền với hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Tên tuổi của Trường Chinh gắn liền với tên tuổi của Bác Hồ trong cuộc Tổng khởi nghĩa năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com