[links()]
(Tiếp theo)
Phát huy vai trò của thương nghiệp quốc doanh, tỉnh chỉ đạo tổ chức sắp xếp lại hệ thống thương nghiệp cho phù hợp với cơ chế quản lý mới, thực hiện hạch toán độc lập, có khả năng thích ứng với thị trường. Tuy còn nhiều mặt hạn chế, song thương nghiệp quốc doanh vẫn giữ vai trò chủ đạo chi phối thị trường với các mặt hàng thiết yếu và vật tư chiến lược phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân, góp phần làm cho giá cả tương đối ổn định.
Xác định xuất nhập khẩu là hướng mở ra, đi lên của nền kinh tế, là động lực thúc đẩy sản xuất phát triển, tỉnh chỉ đạo phục hồi và tiếp tục phát triển quan hệ với các thị trường truyền thống, đồng thời mở rộng quan hệ quốc tế, tìm kiếm thị trường mới. Trên cơ sở đó phát triển các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, có khối lượng và giá trị lớn. Tỉnh còn chủ trương đa dạng hoá các hình thức hoạt động kinh tế đối ngoại. Do đó, giá trị hàng xuất khẩu của địa phương tăng từ 5,5 triệu USD năm 1991 lên 15 triệu USD năm 1995.
Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh đã có nhiều chủ trương, từng bước hình thành cơ cấu kinh tế nhiều thành phần phù hợp với đặc điểm của tỉnh. Thực hiện Quyết định số 315 và Nghị định số 388 của Hội đồng Bộ trưởng, kinh tế quốc doanh được sắp xếp đăng ký lại 152 doanh nghiệp nhà nước, chiếm 53,9% số doanh nghiệp toàn tỉnh. Số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ không thành lập lại, được giải thể hoặc chuyển hình thức sở hữu. Mặc dù kinh tế quốc doanh được sắp xếp gọn lại nhưng không gây xáo trộn lớn trong xã hội. Mặt khác, tỉnh khuyên khích và tạo điều kiện cho kinh tế ngoài quốc doanh phát triển, 114 doanh nghiệp tư nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập, kinh tế tư nhân cá thể hoạt động năng động, tạo việc làm, tăng sản phẩm và tăng tỷ trọng trong GDP từ 25,5% năm 1991 lên 33% năm 1995.
Cùng với tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, tỉnh cũng quan tâm chỉ đạo sâu rộng các phong trào "xoá đói giảm nghèo", "giúp nhau làm kinh tế gia đình", "giải quyết việc làm"... nhằm cải thiện, nâng cao mức sống của nhân dân. Vì vậy, đến cuối năm 1995, đời sống nhân dân bước đầu ổn định, nhiều mặt được cải thiện, số hộ có mức sống khá trở lên đạt 33,1%, hộ nghèo giảm còn 14,26%; 100% số xã và 93,5% số hộ ở nông thôn được dùng điện; 82,5% số hộ ở nông thôn có nhà xây mái ngói, mái bằng.
Phong trào đền ơn đáp nghĩa, các hoạt động từ thiện phát triển sâu rộng. Các chính sách xã hội, chính sách về người có công với cách mạng được thực hiện tốt, 1.160 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng". Phong trào tặng sổ tiết kiệm, xây nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách được nhiều cấp, nhiều ngành hưởng ứng. Việc giúp đỡ, chăm sóc người già cô đơn, trẻ mồ côi tật nguyền, các cháu có hoàn cảnh khó khăn đều được quan tâm. Công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em chuyến biến tích cực.
Ngày 10-5-1993, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ra Nghị quyết số 03-NQ/TƯ về giáo dục đào tạo, văn hoá, văn nghệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Nghị quyết chỉ rõ: Quán triệt sự chỉ đạo của Trung ương về xây dựng, phát triển con người toàn diện, nỗ lực đẩy mạnh đổi mới sự nghiệp giáo dục, xây dựng sự nghiệp văn hoá, văn nghệ theo mục tiêu tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, thực hiện có hiệu quả chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình để không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống. Thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy, các cấp, các ngành đã xây dựng chương trình hành động thực hiện có hiệu quả các mặt công tác. Do đó, sự nghiệp giáo dục có bước phát triển mới về quy mô và chất lượng theo hướng toàn diện, đa dạng hoá các hình thức giáo dục đào tạo và thực hiện tốt mục tiêu phổ cập giáo dục. Việc xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường được các cấp, các ngành quan tâm, nhân dân tham gia tích cực.
Các chương trình chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho trẻ em được chỉ đạo sâu rộng, nhất là tiêm chủng phòng 6 bệnh cho trẻ em. Việc khắc phục sự xuống cấp của các cơ sở y tế có kết quả rõ rệt, sự kết hợp Đông - Tây y trong khám chữa bệnh được mở rộng. Tỉnh đã sản xuất và cung ứng cơ bản đủ thuốc phòng, chữa bệnh cho nhân dân. Các giải pháp thực hiện chiến lược dân số - kế hoạch hoá gia đình được triển khai theo phương châm xã hội hoá; công tác truyền thống được cấp ủy các cấp chỉ đạo đẩy mạnh bằng nhiều hình thức; đội ngũ làm công tác dân số được tăng cường và thường xuyên được bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn.
Lĩnh vực thể thao, văn học, nghệ thuật, báo chí, phát thanh, truyền hình có bước chuyển tích cực, nội dung, hình thức và phương thức hoạt động từng bước đổi mới, bám sát nhiệm vụ chính trị, thực tiễn cuộc sống, góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân.
(Còn nữa)