Tiếp tục thực hiện đổi mới toàn diện kinh tế - xã hội (1991-1996) – Kỳ 6

03:10, 19/10/2016

[links()]

(Tiếp theo)

    Năm 1992, Đảng bộ tỉnh tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chia tỉnh Hà Nam Ninh thành hai tỉnh Nam Hà và Ninh Bình. Ngày 13-1-1992, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh họp quán triệt thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chỉ thị của Trung ương và ra Nghị quyết số 32-NQ/TU về lãnh đạo chỉ đạo thực hiện Nghị quyết của Quốc hội (khoá VIII) phân vạch địa giới hành chính tỉnh Hà Nam Ninh thành hai tỉnh Nam Hà và Ninh Bình. Nghị quyết của Tỉnh ủy xác định "Việc phân vạch địa giới hành chính hai tỉnh là một chủ trương lớn phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm đột xuất của Đảng bộ". Tỉnh ủy đề ra phương châm, nguyên tắc: "khẩn trương, đoàn kết, nghiêm túc, kỷ cương, dân chủ, công khai và tiết kiệm", quan điểm chỉ đạo là làm tốt công tác tư tưởng, vừa thực hiện việc chia tách vừa phải bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo mọi hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, giữ vững ổn định kinh tế - xã hội, trước hết thực hiện tốt chương trình công tác quý I năm 1992; khẩn trương hoàn hành việc chia tỉnh trong quý I, tỉnh mới bắt đầu hoạt động từ ngày 1-4-1992.

    Ngày 10-3-1992, Bộ Chính trị ra Quyết định số 225-QĐ/TW về việc chỉ định Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Nam Hà, gồm 41 đồng chí, 10 đồng chí ủy viên Ban Thường vụ. Đồng chí Bùi Xuân Sơn - ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Ninh được chỉ định là Bí hư Tỉnh ủy Nam Hà. Ngày 23-3-1992, Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh họp lần thứ nhất, phân công trách nhiệm các đồng chí là Thường vụ và Tỉnh ủy viên, đồng chí Trần Văn Truyền là ủy viên Thường vụ - Thường trực Tỉnh ủy. Hội nghị thông qua phương hướng chủ yếu của kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1992. Về sản xuất nông nghiệp: “tập trung mọi điều kiện để sản xuất lương thực... nâng cao chất lượng hàng hoá”. Đối với sản xuất công nghiệp: “sắp xếp ổn định sản xuất công nghiệp theo hướng ưu tiên các sản phẩm có thị trường tiêu thụ, thị trường xuất khẩu". Hội nghị yêu cầu các cấp, các ngành nhanh chóng ổn định tình hình của một tỉnh mới chia tách để phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

    Sau khi tái lập tỉnh, Đảng bộ tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phát triển kinh tế - xã hội theo phương hướng, mục tiêu do Hội nghị Ban Chấp hành lâm thời lần thứ I đề ra.

    Thực hiện Chỉ thị số 59-CT/TW và Thông tri số 01-TT/TW ngày 22-7-1991 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về mở đại hội đảng bộ các cấp vòng II, chấp hành chủ trương của tỉnh, đảng bộ các huyện và thành phố và các đảng bộ trực thuộc đã tiến hành xong đại hội và bầu đại biểu đi dự Đại hội Đảng bộ tỉnh.

    Từ ngày 10 đến 12-8-1992, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Hà lần thứ VIII diễn ra tại thành phố Nam Định, 367 đại biểu tiêu biểu cho gần 12 vạn đảng viên của Đảng bộ tham dự Đại hội. Đại hội nghiêm túc đánh giá những kết quả đạt được và những thiếu sót trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, các nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh lần thứ IV. Qua phân tích tình hình quốc tế, trong nước, trong tỉnh và những yêu cầu đặt ra trong thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội VII, Đại hội đã thống nhất đề ra chủ trương và những giải pháp về kinh tế - xã hội đến năm 1995 là: Tiếp tục thực hiện đổi mới toàn diện hoạt động kinh tế - xã hội nhằm phát huy cao độ truyền thống cách mạng, đoàn kết phấn đấu tập trung khai thác tiềm năng của tỉnh, giải phóng triệt để mọi năng lực sản xuất, đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, lấy sản xuất nông nghiệp toàn diện gắn với công nghiệp chế biến là nhiệm vụ hàng đầu, làm cơ sở cho phát triển công nghiệp và xuất khẩu. Ra sức cần, kiệm, tự lực, tự cường phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu về lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu, dân số và việc làm; ổn định và từng bước cải thiện đời sống nhân dân... giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng Nam Hà thành tỉnh giàu về kinh tế, mạnh về an ninh, quốc phòng, đẹp về lối sống mới xã hội chủ nghĩa.

    Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 47 đồng chí, Ban Chấp hành bầu 13 đồng chí vào Ban Thường vụ. Đồng chí Bùi Xuân Sơn được bầu là Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Trần Văn Truyền được bầu là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, đồng chí Đặng Khôi được bầu là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

    Sau Đại hội, Tỉnh ủy khẩn trương tổ chức quán triệt sâu rộng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nghị quyết Trung ương 2, Nghị quyết Trung ương 3 trong toàn Đảng bộ, tạo sự thống nhất về quan điểm, đường lối của Đảng và yêu cầu cấp bách phải đổi mới trên tất cả các lĩnh vực.

 (Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com