Tiếp tục thực hiện đổi mới toàn diện kinh tế - xã hội (1991-1996) - Kỳ 8

02:10, 25/10/2016

[links()]

(Tiếp theo)

    Đối với vùng kinh tế ven biển, ngày 22-6-1995, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Thông báo số 253-TB/TU thành lập Tiểu ban nghiên cứu kinh tế biển. Tiểu ban có nhiệm vụ xây dựng chương trình nghiên cứu toàn diện tiềm năng kinh tế biển để phát triển vùng kinh tế biển của tỉnh. Do đó, việc khai thác thuỷ hải sản ở vùng ven biển được đầu tư mạnh hơn, mở rộng diện tích nuôi tôm và các hải sản bán thâm canh, sản lượng cá biển năm 1995 đạt 9.350 tấn, tôm đông lạnh xuất khẩu đạt 508 tấn. Nghề muối được chỉ đạo duy trì và phát triển, sản lượng có năm đạt 100.000 tấn; việc chế biến muối tinh chế, muôi trộn iốt ngày càng phát triển.

    Quá trình thực hiện cơ chế quản lý mới và Nghị quyết Trung ương 5 bước đầu tạo được sự chuyển biến tích cực trong nông nghiệp, nông thôn. Tỉnh đã chú trọng đưa khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp để đạt hiệu quả cao; đồng thời, đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ nông thôn, từng bước phân công lại lao động trong nông thôn.

    Bằng giải pháp sắp xếp lại sản xuất, đổi mới quản lý, đổi mới kỹ thuật và công nghệ, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ngày càng đi dần vào thế ổn định và có bước phát triển. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp bình quân 5 năm 1991-1995, mỗi năm tăng 5%, vượt chỉ tiêu Đại hội VIII đề ra. Năm 1992, giá trị tổng sản lượng sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt gần 165,9 tỷ đồng, tăng 2,4%; trong đó, công nghiệp quốc doanh đạt 54,8 tỷ đồng, tăng 2%; công nghiệp ngoài quốc doanh đạt 111,1 tỷ đồng, tăng 3%. Đã có 10/15 ngành công nghiệp địa phương và 26/52 sản phẩm chủ yếu có giá trị sản lượng đều tăng, 5 ngành giảm nhiều là mặt hàng da và giả da giảm 33%, tôm đông lạnh giảm 11,1%, xe đạp hoàn chỉnh giảm 70%, dệt giảm 10%. Đến năm 1993, giá trị công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa phương tăng 9,4% so với năm 1992 (quốc doanh tăng 6,5%, ngoài quốc doanh tăng 10,8%), trong khi công nghiệp Trung ương trên địa bàn giảm 10,8% (do ngành dệt gặp khó khăn). Số ngành nghề và sản phẩm mới tăng, cơ cấu ngành nghề có sự chuyển đổi. Các làng nghề và nghề thủ công truyền thông có bước phát triển mới.

    Trong hai năm 1994-1995, tỉnh chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp hàng tiêu dùng và xuất khẩu, tập trung xây dựng ba vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh; mở mang ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn; phát triển công nghiệp chế biến, phục hồi và phát triển các làng nghề; xây dựng các doanh nghiệp nhỏ nhằm thu hút lao động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân nông thôn. Giá trị sản lượng (chưa kể công nghiệp Trung ương) bình quân mỗi năm đạt 200 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân 8-10%/năm. Sự phát triển của ba khu vực kinh tế góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

    Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật để đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được Tỉnh ủy và các cấp ủy tập trung chỉ đạo theo hướng khai thác các nguồn vốn, tập trung đầu tư theo ba khu vực kinh tế trọng điểm trên cơ sở lựa chọn phương án đầu tư, bước đi phù hợp. Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm", tỉnh huy động mọi nguồn lực để xây dựng các công trình hạ tầng ở nông thôn, hình thành các thị trấn, thị tứ, tụ điểm công, thương nghiệp, chợ nông thôn, đặc biệt là xây dựng đường giao thông, trường học, bệnh viện, hệ thống điện. Cùng với việc huy động nhân dân tham gia đóng góp vào việc xây dựng kết cấu hạ tầng, tỉnh tranh thủ nguồn vốn của nước ngoài để cải tạo cơ sở nhà máy nước, các cơ sở y tế, thuỷ lợi và xây dựng trường tiểu học... Do đó, cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng những năm 1991-1995 tăng thêm đáng kể, trực tiếp tạo tiền đề vật chất thúc đẩy sản xuất phát triển và cải thiện đời sống nhân dân.

    Các hoạt động tài chính, tín dụng được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thích nghi dần với cơ chế mới. Các cấp chính quyền tích cực khai thác các nguồn thu bảo đảm chi thường xuyên và đột xuất. Tỉnh đã chỉ đạo chú trọng xây dựng ngân sách xã, do đó ngân sách xã ngày càng tăng, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Hệ thống ngân hàng hoạt động có hiệu quả. Đến năm 1995 có 41 xã thành lập quỹ tín dụng nhân dân góp phần phát triển kinh tế gia đình, khắc phục dần tệ cho vay nặng lãi ở nông thôn.

    Ngày 26-9-1996, Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quán triệt Nghị quyết số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị, đánh giá tình hình hoạt động thương nghiệp của tỉnh và ra chỉ thị về triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động thương nghiệp, phát triển thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu việc quán triệt nghị quyết phải đảm bảo làm cho mọi người nhận thức đầy đủ vai trò của thương nghiệp đối với sản xuất và đời sống trong cơ chế thị trường, sự cần thiết phải đổi mới tổ chức và hoạt động thương nghiệp phát triển thị trường, mở rộng giao lưu hàng hoá nhằm đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

 (Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com