Tiếp tục thực hiện đổi mới toàn diện kinh tế - xã hội (1991-1996) - Kỳ 7

02:10, 20/10/2016

[links()]

(Tiếp theo)

    Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội, Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh họp ngày 10-9-1992 đã quyết định về chương trình toàn khoá. Ban Chấp hành đã giao cho các ban của Tỉnh ủy chuẩn bị một số chuyên đề, là: “Đề án về đổi mới và chỉnh đốn các tổ chức cơ sở đảng"; "Đề án về công tác cán bộ" và kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư về tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VII); kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 về công tác tư tưởng và khoa giáo; đề án về soát xét, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch kinh tế - xã hội tổng thể của tỉnh Nam Hà mới tái lập, bố trí lại cơ cấu sản xuất từng vùng kinh tế (đồng bằng, ven biển, vùng đồi núi). Đồng thời, tỉnh chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 8B (khoá VI) về công tác vận động quần chúng; Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác dân tộc.

    Căn cứ hướng dẫn của Trung ương, từ ngày 26 đến 28-3-1994, Đảng bộ tỉnh đã tổ chức Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ (khoá VIII) nhằm tập trung nghiên cứu, quán triệt và tiếp thu Nghị quyết Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ; kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá VIII, đề ra chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp trong những năm còn lại của nhiệm kỳ Đại hội VIII. Hội nghị đã bầu bổ sung 3 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá VIII.

Tổng Bí thư Đỗ Mười trồng cây lưu niệm tại Khu Di tích  Đền Trần.
Đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười trồng cây lưu niệm tại Khu Di tích Đền Trần.

    Nhân dịp mừng xuân mới Giáp Tuất, từ ngày 16 đến ngày 17-2-1994, đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười đã về thăm và làm việc với cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh. Đồng chí Tổng Bí thư chỉ rõ: "Khắc phục nghèo nàn và lạc hậu là cuộc cách mạng rộng lớn, hết sức khó khăn và phức tạp. Vì vậy phải động viên và tổ chức toàn Đảng, toàn dân nhiệt tình và hăng hái tham gia công cuộc đổi mới. Phải chuyển đổi cơ cấu kinh tế... Khắc phục nghèo nàn, lạc hậu cần được thực hiện bằng nhiều biện pháp đồng bộ, nhưng biện pháp quan trọng hàng đầu là chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nâng cao dân trí, bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ... Nam Hà là đất văn hiến, vì vậy, tiềm năng, thế mạnh to lớn nhất của Nam Hà là con người, con người Nam Hà cần có cuộc sống no đủ, được nâng cao trình độ văn hoá, được đào tạo nghề nghiệp và phải có trí tuệ cao để nối tiếp truyền thống của tổ tiên và xứng đáng là quê hương của cố Tổng Bí thư Trường Chinh". Ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười đã được Tỉnh ủy tiếp thu, quán triệt sâu sắc để tổ chức thực hiện có hiệu quả.

    Tổ chức triển khai đề án "về rà soát điều chỉnh, bổ sung, bố trí lại cơ cấu sản xuất từng vùng kinh tế trong tỉnh", tỉnh xác định có ba vùng kinh tế: vùng đồng bằng, vùng ven biển và vùng đồi núi để từ đó có những chủ trương chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với đặc điểm từng vùng.

    Quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII, tỉnh tiếp tục khẳng định sản xuất nông nghiệp là mặt trận hàng đầu và ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp phát triển. Với tinh thần đó, Đảng bộ tỉnh chú trọng cải tiến công tác quản lý để tạo động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, chỉ đạo làm thí điểm cải tiến quản lý hợp tác xã theo 5 nội dung, lấy việc giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài cho hộ xã viên làm nhiệm vụ chính. Tới Hội nghị giữa nhiệm kỳ (tháng 3-1994), Tỉnh ủy lại khẳng định: Tiếp tục tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá thâm canh, phát triển toàn diện; đẩy nhanh tốc độ phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; mở rộng ngành nghề dịch vụ và xuất khẩu..., chuyển dịch cơ cấu kinh tế: nông nghiệp chiếm khoảng 45% cơ cấu kinh tế, công nghiệp xây dựng chiếm khoảng 20%, dịch vụ xuất khẩu chiếm khoảng 35%.

    Thực hiện chủ trương trên, tỉnh đã tập trung tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp, đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, bảo đảm các dịch vụ thiết yếu; tổ chức thực hiện đổi mới công tác quản lý hợp tác xã nông nghiệp và đề án phát triển kinh tế - xã hội nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5. Những năm 1994-1995, Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo đổi mới quản lý nông nghiệp, phát huy quyền tự chủ của hộ nông dân, tăng thêm cơ sở vật chất kỹ thuật cho nông nghiệp.

    Qua 5 năm tổ chức chỉ đạo thực hiện, các mục tiêu về phát triển nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả mới: Sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp có bước phát triển, sản xuất lương thực và thực phẩm giành thắng lợi lớn, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, tốc độ phát triển nông nghiệp bình quân tăng từ 4,7% thời kỳ 1986-1990 lên 8% thời kỳ 1991-1995. Sản xuất lương thực có tốc độ tăng trương cao nhất từ trước đến nay. Tổng sản lượng lương thực quy thóc bình quân đạt 1.063.200 tấn/năm, tăng 39,5% so với thời kỳ 1986-1990. Năm 1992, lần đầu tiên tỉnh có nguồn lương thực để xuất khẩu và Nam Hà cũng là tỉnh đầu tiên thí điểm việc giao ruộng đất ổn định lâu dài cho nông dân theo Quyết định số 115/QĐUB ngày 15-2-1991 của ủy ban nhân dân tỉnh. Riêng năm 1995, tổng sản lượng lương thực đạt 1.264.000 tấn, bình quân đầu người đạt 408kg/người, tăng 27% so với nhiệm kỳ trước, cao hơn bình quân chung cả nước. Năng suất lúa luôn đạt những đỉnh cao mới (năm 1995 đạt 100,19 tạ/ha). Các hợp tác xã nông nghiệp đã tiến hành củng cố, đổi mới tổ chức quản lý, hoàn thiện cơ chế khoán. Theo Quyết định số 115/QĐUB của ủy ban nhân dân tỉnh, đã có 99,4% số hợp tác xã giao ruộng đất ổn định lâu dài cho nông dân, giúp kinh tế hộ có thêm động lực phát triển. Trong chăn nuôi, các cấp, các ngành chỉ đạo sử dụng giống lai, giống ngoại, chăn nuôi theo phương pháp công nghiệp được khuyến khích mở rộng trong nhân dân, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng năm 1995 toàn tỉnh đạt 49.800 tấn.

 (Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com