Hồ Tùng Mậu - Nhà cách mạng bản lĩnh, kiên trung

08:06, 17/06/2016

Nhà yêu nước, nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu sinh ngày 15-6-1896, tại làng Quỳnh Đôi (nay là xã Quỳnh Đôi), huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Với tên khai sinh là Hồ Bá Cự, trong quá trình hoạt động, đồng chí còn mang nhiều bí danh khác, như: Lương, Ích, Phan Tái, Hồ Mộng Tống, Hồ Quốc Đống, Hồ Tùng Tôn, Ninh Võ, Hà Quỵ, Yên Chính, Lương Gầy, Lương Tử Anh; năm 1919, đồng chí mang tên Hồ Tùng Mậu. Ông nội của Hồ Tùng Mậu là cụ Hồ Bá Ôn, tham gia chống Pháp, hy sinh khi quân Pháp tiến công thành Nam Định ngày 27-3-1883.

Thân phụ Hồ Tùng Mậu là Hồ Bá Kiện, thi đỗ cử nhân, là một chí sĩ trong phong trào Văn thân, bị nhà cầm quyền Pháp bắt đày lên giam tại nhà tù Lao Bảo và bị chúng sát hại khi vượt ngục Lao Bảo.

Hồ Tùng Mậu từng có thời gian dạy học ở các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, tỉnh Nghệ An và trở thành nhà sư phạm có uy tín trong vùng. Nhà giáo Hồ Tùng Mậu sớm tiếp thu tinh thần yêu nước của người cha, rèn nghĩa khí, nung nấu tinh thần chống thực dân Pháp xâm lược. Năm 1919, với bí danh Hồ Tùng Mậu, đồng chí cùng các nhà yêu nước Lê Hồng Sơn, Ngô Chính Học, Nguyễn Thị Tích, Đặng Quỳnh Anh, do Đặng Xuân Thanh dẫn đường, bí mật xuất dương sang Lào, rồi sang Xiêm (Thái Lan) hoạt động. Đến tháng 7-1920, Hồ Tùng Mậu cùng Lê Hồng Sơn, được cụ Đặng Thúc Hứa bố trí vượt biển sang Quảng Châu, Trung Quốc. Năm 1923, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong nhóm họp, lập ra Tâm Tâm xã (tức Tân Việt Thanh niên Đoàn) - một tổ chức của những thanh niên yêu nước Việt Nam mang tư tưởng phục quốc, hoạt động chính trị với mục đích giành độc lập cho Việt Nam thoát khỏi chế độ thực dân Pháp. Tháng 11-1924, Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô về đến Quảng Châu để chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức tiến tới thành lập đảng cách mạng ở Việt Nam. Tại Quảng Châu, Người đã sáng lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội) mà nòng cốt là Cộng sản Đoàn. Người mở lớp huấn luyện chính trị cho những thanh niên Việt Nam yêu nước sang học.

Tại Quảng Châu, lần đầu tiên Hồ Tùng Mậu được gặp Nguyễn Ái Quốc. Trước đó, đồng chí chỉ được đọc những bài báo của Nguyễn Ái Quốc viết, gửi từ Pháp về Việt Nam. Nhận thấy Hồ Tùng Mậu là một người hăng hái, có ý chí, nên Nguyễn Ái Quốc đã đào tạo, huấn luyện chính trị cho Hồ Tùng Mậu, kết nạp Hồ Tùng Mậu vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Cộng sản Đoàn. Tháng 3-1926, Nguyễn Ái Quốc giới thiệu Hồ Tùng Mậu gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong các năm 1927-1928, ông bị chính quyền Quốc dân Đảng Trung Hoa bắt giam 4 lần. Đến tháng 11-1929, sau khi ra tù, từ Quảng Châu, Hồ Tùng Mậu đến Hồng Công và gia nhập Chi bộ Hải ngoại của An Nam Cộng sản Đảng.

Đầu năm 1930, tại một hòn đảo nhỏ mang tên Cửu Long thuộc quần đảo Hương Cảng (tức Hồng Công), với danh nghĩa đại diện Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đứng ra tổ chức Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Các đồng chí: Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn dự hội nghị với tư cách cán bộ lãnh đạo ở hải ngoại của Đảng. Sau hội nghị, Hồ Tùng Mậu ở lại Hồng Công một thời gian để tiếp tục làm công tác huấn luyện chính trị cho cán bộ trong điều kiện không có mặt Nguyễn Ái Quốc và đã giúp đỡ rất nhiều cho các nhà cách mạng Việt Nam lúc ấy đang ở Hồng Công.

Tháng 6-1931, Hồ Tùng Mậu bị mật thám Pháp bắt khi vừa đặt chân đến Thượng Hải; tiếp đó đồng chí bị tuyên án tử hình tại phiên tòa ngày 6-12-1931 ở Nghệ An; sau đó, chúng giảm xuống thành án chung thân khổ sai. Đồng chí bị giam tại các nhà lao: Vinh, Lao Bảo, nhà đày Kon Tum, Buôn Ma Thuột, ngục Trà Khê. Đến đầu tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, Hồ Tùng Mậu cùng các tù nhân chính trị vượt ngục Trà Khê, trở về quê nhà tiếp tục hoạt động cách mạng tại Quỳnh Lưu, Nghệ An.  

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Hồ Tùng Mậu được lãnh tụ Hồ Chí Minh - Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa mời ra Hà Nội để nhận trọng trách của Đảng và Chính phủ giao phó. Đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao các trọng trách: Chính ủy kiêm Khu trưởng khu 4, Giám đốc kiêm Chính ủy Trường Quân chính Nhượng Bạn, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Liên khu IV, đồng thời là Ủy viên Thường vụ Liên khu ủy IV. Ngày 18-12-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Ban Thanh tra Chính phủ và cử Hồ Tùng Mậu giữ chức vụ Tổng Thanh tra. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai Đảng Cộng sản Đông Dương (họp từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951, tại huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang), Hồ Tùng Mậu được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ngày 23-7-1951, đồng chí Hồ Tùng Mậu hy sinh trên đường đi công tác tại Liên khu IV (do bị máy bay Pháp oanh tạc tại địa bàn huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa). Năm ấy, ông 55 tuổi.

Được tin đồng chí Hồ Tùng Mậu hy sinh, ngày 1-8-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài điếu, mở đầu bằng những dòng hết sức cảm động:

“Chú Tùng Mậu ơi!
Lòng ta rất đau xót, linh hồn chú biết chăng?

Về tình nghĩa riêng: Tôi với chú là đồng chí, lại là thân thiết hơn anh em ruột. Khi hoạt động ở đất khách quê người, khi bị giam ở lao tù đế quốc, khi đấu tranh ở nước nhà, hơn 25 năm, đã bao phen chúng ta đồng cam cộng khổ, như tay với chân.

Về công việc chung: Từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền nhân dân thành lập, đến thời kỳ kháng chiến cứu nước, tôi đã thay mặt Chính phủ và đoàn thể, giao phó cho chú những trách nhiệm nặng nề. Khi lãnh đạo Liên khu IV, khi giữ chức Tổng thanh tra và kiêm Hội trưởng Hội Việt - Hoa hữu nghị, chú không quản khó nhọc, luôn luôn vui vẻ làm tròn nhiệm vụ…”(1)

Công lao và cuộc đời hoạt động của nhà yêu nước và cách mạng Hồ Tùng Mậu đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao trong lời điếu. Đồng chí Hồ Tùng Mậu là một nhà yêu nước và cách mạng bản lĩnh, kiên cường; một nhà lãnh đạo tận tụy, một cán bộ tận trung với nước, tận hiếu với dân.

Bản lĩnh của nhà yêu nước và cách mạng Hồ Tùng Mậu được thể hiện rõ nét. Trước hết, đồng chí luôn trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp giải phóng dân tộc, kiên cường đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; luôn thể hiện rõ là một nhà yêu nước và cách mạng chân chính. Từ tinh thần yêu nước, đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng, đi theo cách mạng và thực hiện xuất sắc mọi nhiệm vụ mà cách mạng giao phó, quyết tâm làm cách mạng đến cùng. Đồng chí là một chiến sĩ cách mạng bất khuất trước kẻ thù; nhiều lần bị thực dân Pháp bắt, hai lần lĩnh án tử hình, bị giam cầm ở nhiều nhà tù của đế quốc thực dân; bị tra tấn hành hạ, phải chịu đựng đói khát, đau đớn tới mức nghiệt ngã, nhưng đồng chí không hề nao núng tinh thần, trái lại, càng mài sắc ý chí chiến đấu, vì lý tưởng cách mạng cao cả.

Hồ Tùng Mậu là một nhà yêu nước và cách mạng trí thức bản lĩnh, người học trò trung thành và xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Gần như cả cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí đều gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; suốt đời đi theo tư tưởng của Người là độc lập và tự do cho Tổ quốc; dân tộc gắn với giai cấp và thời đại; độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. 31 năm hoạt động cách mạng, trong đó 14 năm trong lao tù đế quốc, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã thể hiện rõ là người cộng sản tiền bối, kiên trung, thực sự hòa mình vào quần chúng, cống hiến trọn đời cho Tổ quốc, cho nhân dân, góp phần làm rạng danh quê hương xứ Nghệ. Tên tuổi và những cống hiến của đồng chí Hồ Tùng Mậu đã đi vào lịch sử của cách mạng Việt Nam./.

PGS, TS ĐÀM ĐỨC VƯỢNG
Nguyên Phó viện trưởng Viện Hồ Chí Minh
và các lãnh tụ của Đảng

-------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 7, tr.148

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com