Đảng bộ lãnh đạo bước đầu chuyển đổi cơ chế quản lý KT-XH, củng cố quốc phòng - an ninh (Kỳ 2)

03:06, 16/06/2016

[links()]

(Tiếp theo)

    Sau khi chỉ đạo điểm, Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng chỉ đạo các hợp tác xã trong toàn tỉnh tiến hành triển khai khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động. Vụ chiêm năm 1981, toàn tỉnh có 521/594 hợp tác xã nông nghiệp áp dụng khoán, chiếm 87,7% số hợp tác xã và diện tích khoán chiếm 85% tổng diện tích. Đến vụ mùa năm 1981 chỉ còn 3 hợp tác xã thực hiện khoán việc. Cơ chế khoán mới đã thực sự làm cho quần chúng phấn khởi, hăng hái lao động, tích cực thâm canh, chủ động đầu tư công sức, tiền vốn, mua thêm vật tư, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để phát triển sản xuất. Nhiều nơi thiếu sức kéo, nông dân đã dùng cả sức người để cày, bừa, cào ruộng. Vì thế, ngay từ năm 1981, việc gieo cấy đã tương đối nhanh gọn. Hầu hết các diện tích đều được gieo trồng trong thời vụ tốt nhất. Đất đai từng bước được tận dụng tốt hơn, nhân dân đã tổ chức san ghềnh, lấp trũng, cải tạo mặt bằng, đắp bờ giữ nước để mở rộng diện tích gieo trồng.

    Việc thực hiện Chỉ thị 100 đã đem lại hiệu quả thiết thực, sản xuất nông nghiệp có bước phát triển mới. Năm 1981, tổng diện tích gieo trồng tăng 12%; năng suất lúa bình quân cả năm của toàn tỉnh đạt 46,96 tạ/ha, tăng 19,64%; tổng sản lượng cả năm đạt 797.100 tấn, tăng 31,7% so với năm 1980. Nhiều hợp tác xã yếu kém đã vươn lên khá. Toàn tỉnh có 5 huyện và 165 hợp tác xã đạt năng suất 5 tấn/ha hai vụ trở lên; 5 hợp tác xã đạt trên 9 tấn/ha, riêng hợp tác xã Xuân Tiến (Xuân Thuỷ) đạt 9,715 tấn/ha. Đặc biệt, việc thực hiện tốt Chỉ thị 100 đã gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhất là phát triển ngành nghề trong nông nghiệp, tạo điều kiện quan trọng cho việc đổi mới cơ chế quản lý trong nông nghiệp.

    Nhằm áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nông, công nghiệp của tỉnh, ngày 22-6-1982, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 27-NQ/TU chỉ đạo đẩy mạnh công tác nghiên cứu và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Thực hiện nghị quyết, từ tỉnh tới huyện, hợp tác xã đều thành lập Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo của tỉnh do đồng chí Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp làm Trưởng ban.

    Thông qua công tác chọn lọc, tỉnh đã tạo ra những giống lúa tốt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; từng bước xây dựng và điều chỉnh cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ hợp lý cho từng vùng sản xuất. Cơ cấu giống lúa xuân sớm ở vụ chiêm xuân tăng từ 8,22% năm 1980 lên 43,7% năm 1985. Các khâu kỹ thuật về thời vụ, gieo mạ, cấy lúa, chăm sóc, thu hoạch, chọn và bảo quản giống cũng được chỉ đạo thực hiện nghiêm ngặt. Hiện tượng mạ chết hàng loạt, cấy sâu, cấy muộn, lúa cấy không trổ bông, lúa mộng hầu như không còn xảy ra. Các biện pháp kỹ thuật trong thâm canh tổng hợp được nhiều cơ sở xây dựng thành quy trình, chỉ tiêu kỹ thuật và thực hiện nghiêm túc. Do đó, trong nhiều năm, thời tiết diễn biến hết sức phức tạp, song 85% đến 90% diện tích vẫn được cấy bằng mạ dược ở thời vụ tốt nhất. Có hợp tác xã chỉ cấy gọn trong thời gian 10 ngày đối với vụ mùa, 15 ngày đối với vụ chiêm xuân. Các nguồn phân bón hữu cơ được tận dụng tốt hơn, trung bình từ 6 - 7 tấn/ha/vụ năm 1981 lên 7-8,5 tấn/ha/vụ năm 1985. Phân vô cơ được sử dụng ngày càng hiệu quả. Lực lượng bảo vệ thực vật, thú y chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, kịp thời tới cơ sở. Sâu bệnh trên cây trồng và dịch bệnh trên đàn gia súc tuy diễn biến phức tạp nhưng đều được phát hiện, dập tắt kịp thời.

    Ngày 13-8-1981, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 18-NQ/TU, chỉ đạo các cấp ủy cơ sở quan tâm làm tốt công tác thuỷ lợi nội đồng; thường xuyên chỉ đạo các hợp tác xã nạo vét, tu bổ sông ngòi, kênh, mương đảm bảo việc tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp có hiệu quả. Bình quân mỗi năm toàn tỉnh đào đắp hàng vạn mét khối đất. Các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp được chú trọng. Khâu làm đất được tổ chức tốt hơn, có sự kết hợp giữa máy móc và sức người nên nhanh gọn, đảm bảo thời gian. Các công cụ sản xuất được các gia đình và hợp tác xã tích cực mua sắm, số lượng ngày càng tăng.

    Để cải tiến công tác tổ chức, đổi mới quản lý, đưa các hợp tác xã nông nghiệp làm ăn có hiệu quả, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổ chức nhiều hội nghị bàn về công tác quản lý hợp tác xã, hoàn chỉnh khoán sản phẩm và đẩy mạnh xây dựng hợp tác xã. Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, quy mô hợp tác xã lớn tiếp tục được điều chỉnh theo mô  hình vừa, số lượng từ 606 hợp tác xã năm 1981 lên 686 hợp tác xã năm 1985. Các đội sản xuất cũng được điêù chỉnh lại quy mô cho phù hợp.

 (còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com