Đảng bộ lãnh đạo bước đầu chuyển đổi cơ chế quản lý KT-XH, củng cố quốc phòng - an ninh (Kỳ 1)

02:06, 14/06/2016

[links()]

    Những năm 1981-1985, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều diễn biến phức tạp, thiên tai thường xuyên ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Tình hình thiếu lương thực trở nên gay gắt.

    Ngày 13-1-1981, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 28-CT/TU yêu cầu các cấp, các ngành đẩy mạnh phong  trào sản xuất, tiết kiệm, xúc tiến trồng các loại rau màu ngắn ngày để tự cứu đói; đồng thời chú trọng luân canh, tăng vụ; động viên nhân dân tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau; tổ chức khai thác, vận chuyển các nguồn lương thực do Trung ương, tỉnh bạn hỗ trợ và từ miền Nam ra để cứu đói cho dân. Các ban đời sống được củng cố kiện toàn, tích cực vận động nhân dân thực hiện tiết kiệm lương thực một cách nghiêm ngặt, không nấu rượu lậu, không dùng gạo làm bún, bánh, hoặc trao đổi và có các biện pháp để đảm bảo đời sống nhân dân.

    Xác định sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, Đảng bộ đã tập trung chỉ đạo và có nhiều biện pháp tích cực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng bộ tỉnh chỉ rõ: lấy sản xuất lương thực, thực phẩm là trọng tâm, đồng thời tăng nhanh cây công nghiệp và nông sản xuất khẩu; khuyến khích các địa phương chủ động nghiên cứu, xác định đúng cơ cấu sản xuất, bố trí cây trồng, vật nuôi và luân canh hợp lý để đạt hiệu quả cao; lấy thâm canh làm phương hướng chiến lược cả trước mắt và lâu dài. Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo về tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, vận dụng triển khai các chỉ thị, nghị quyết, chính sách mới của Đảng và Nhà nước để phát triển nông nghiệp, nhất là sản xuất lương thực. Từ huyện đến các hợp tác xã đều xây dựng kế hoạch và có biện pháp thiết thực để bảo đảm sản xuất, tự cân đối lương thực của địa phương. Diện tích trồng lúa được chỉ đạo giữ vững và mở rộng thêm; các điều kiện kỹ thuật như giống, thuỷ lợi, phân bón được chú trọng. Chính sách đầu tư được xây dựng phù hợp, ưu tiên cho các vùng lúa trọng điểm đạt năng suất cao, ổn định những hợp tác xã bình quân ruộng đất cao, có khả năng tăng nhanh lương thực hàng hoá. Phong trào tăng gia, sản xuất, tự cải thiện trong cán bộ, công nhân viên và thợ thủ công được phát động rộng rãi.

    Trong những năm trước, thực hiện chủ trương đi lên sản xuất lớn với quy mô toàn xã và trong cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, các hợp tác xã nông nghiệp đã bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập trong quản lý. Tình trạng "ron công, phóng điểm" diễn ra phổ biến ở các hợp tác xã, đội sản xuất, giá trị ngày công lao động thấp; tinh thần làm việc của xã viên vì thế kém nhiệt tình và không gắn bó với hợp tác xã. Sức sản xuất trong nông nghiệp chưa được phát huy đầy đủ, quan hệ sản xuất không phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất. Thực trạng đó đặt ra nhiều vấn đề bức xúc, đòi hỏi phải đổi mới cơ chế quản lý trong nông nghiệp để mang lại hiệu quả thiết thực. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khoá IV), ngày 13-1-1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 100-CT/TW chỉ đạo khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong các hợp tác xã nông nghiệp.

    Thực hiện Chỉ thị 100, hợp tác xã chịu trách nhiệm 5 khâu: Làm đất, tưới tiêu, bảo vệ thực vật, cung ứng vật tư; giống vốn, và bảo vệ đồng ruộng. Xã viên đảm nhận ba khâu: cấy, chăm bón và thu hoạch. Chỉ thị 100-CT/TW ra đời đã mang đến cho nông dân cả nước nói chung và nông dân Hà Nam Ninh nói riêng một cách làm mới, một hướng đi đúng; khuyến khích lợi ích chính đáng của người lao động, làm cho mọi người gắn bó với sản xuất, đem hết khả năng ra lao động sản xuất, vừa củng cố, xây dựng hợp tác xã, vừa nâng cao đời sống của bản thân người lao động, do đó đã phát huy được tính tự giác, tinh thần trách nhiệm của xã viên, phát huy được khả năng tận dụng nguồn lực để đưa sản xuất nông nghiệp phát triển, mở ra một hướng làm ăn mới trong sản xuất nông nghiệp của cả nước.

    Từ ngày 12 đến ngày 16-1-1981, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tổ chức Hội nghị lần thứ tư, bàn biện pháp thực hiện Chỉ thị 100 của Ban Bí thư, ra nghị quyết về cải tiến công tác khoán trong hợp tác xã nông nghiệp, chỉ đạo việc thực hiện khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động phù hợp với từng địa phương, đơn vị.

    Tháng 3-1981, đồng chí Trường Chinh, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch uỷ ban Thường vụ Quốc hội về thăm và khảo sát tình hình thực hiện Chỉ thị 100 ở tỉnh. Đồng chí đã đi thăm các xã Hải Trung, Hải Vân (Hải Hậu), Xuân Hồng (Xuân Thủy), làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh. Đồng chí yêu cầu phải nắm vững mục đích, nguyên tắc của việc khoán, bàn bạc dân chủ để có hình thức khoán thích hợp, không được khoán trắng và chia ruộng đất manh mún, cản trở việc sử dụng kỹ thuật; phải trên cơ sở thực tế để tổng kết kinh nghiệm, nhân rộng những điển hình như Hải Hậu ra toàn tỉnh.

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com