Khôi phục và phát triển KT-XH giai đoạn 1976-1980, tăng cường công tác quốc phòng - an ninh, góp phần bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa - Kỳ 9

04:05, 12/05/2016

[links()]

(Tiếp theo)

    Để không ngừng chăm lo, phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, ngày 5-9-1977, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị về tăng cường công tác giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu nguyên lý giáo dục của Đảng; đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai tốt” theo gương các điển hình tiên tiến; phát triển sự nghiệp giáo dục một cách cân đối, vững chắc, đồng bộ theo tinh thần phổ cập các ngành học, cấp học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện để đào tạo lớp người lao động mới; chuẩn bị tích cực mọi mặt cho cải cách giáo dục; hướng mọi hoạt động của nhà trường vào việc hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống mới.

Chủ tịch Trường Chinh xem sa bàn Hải Hậu kháng chiến tại Bảo tàng huyện Hải Hậu.
Chủ tịch Trường Chinh xem sa bàn Hải Hậu kháng chiến tại Bảo tàng huyện Hải Hậu. Ảnh tư liệu Bảo tàng Nam Định

    Các địa phương tập trung xây dựng trường lớp, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Năm học 1977-1978, toàn tỉnh đã làm mới 704 phòng học bằng gạch ngói và 290 phòng học bằng tre nứa, có 36 xã hoàn thành trường học cao tầng. Tỉnh cũng chú trọng đào tạo đội ngũ giáo viên, mở rộng các loại hình đào tạo, tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng. Năm học 1977-1978, toàn tỉnh có 24.645 giáo viên; số học sinh mẫu giáo là 119.769 em, đạt 118% kế hoạch; học sinh cấp I là 339.217 em, đạt 98,6% kế hoạch; học sinh cấp II là 225.827 em, đạt 95,1% kế hoạch; cấp III là 40.883 em, đạt 94,6% kế hoạch; học viên bổ túc văn hoá nông thôn là 48.825 người, đạt 80,7% kế hoạch; học viên bổ túc văn hoá thành phố là 6.830 người, đạt 89% kế hoạch. Năm 1977, tỉnh tổ chức sơ kết chiến dịch “Ánh sáng văn hoá”, xoá mù chữ cho 1.990 đoàn viên, thanh niên; triển khai phong trào vừa học, vừa làm ở 33 xã của huyện Hải Hậu và 31 xã của huyện Nam Ninh.

    Chất lượng giáo dục có nhiều tiến bộ, đặc biệt là năm học 1977-1978, tỷ lệ học sinh thi tốt nghiệp cấp I, II đạt 96%; Cấp III đạt 94%. Bốn đội tuyển tham gia thi học sinh giỏi toàn miền Bắc cấp I, cấp II đều đoạt giải, trong đó có 2 giải nhất, 1 giải nhì; ngoài ra có 22 giải cá nhân. Trường cấp III Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định), Trường cấp III Hải Hậu A; các trường cấp II Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định), trường Giao Tiến (Xuân Thuỷ), trường Nam Thái (Nam Ninh)... vẫn giữ vững vị trí lá cờ đầu trong phong trào giáo dục của tỉnh.

    Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân đạt được kết quả tốt. Tỉnh đầu tư và chỉ đạo ngành y tế xây dựng các phòng khám, trang bị phương tiện máy móc cho các bệnh viện, trạm y tế. Trong hai năm 1978-1979, tỉnh xây 16 phòng khám khu vực, 50 trạm y tế xã, mua thêm 390 giường bệnh, bình quân 16 giường bệnh/1 vạn dân. Phong trào thi đua thực hiện “5 dứt điểm” được đẩy mạnh, mạng lưới y tế cơ sở được củng cố, công tác khám chữa bệnh được bảo đảm, công tác y tế dự phòng được chú trọng, nhiều dịch bệnh được dập tắt kịp thời; nhân dân được khám chữa bệnh miễn phí. Phong trào trồng cây thuốc nam được mở rộng ở các địa phương, điển hình là huyện Vụ Bản, Hải Hậu. Các huyện và thành phố làm tốt công tác tuyên truyền, thực hiện kế hoạch hoá gia đình, nhiều cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức, xã viên hợp tác xã hưởng ứng thực hiện các biện pháp tránh thai có hiệu quả. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của tỉnh giảm từ 3,67% năm 1975 xuống 2% năm 1979. Riêng huyện Vụ Bản năm 1979 đạt chỉ tiêu tăng dân số tự nhiên dưới 1,5%. Năm 1976, ngành y tế tỉnh đã mở hội nghị tổng kết phong trào nghiên cứu khoa học 5 năm (1971-1976), có 130 đề tài khoa học được ứng dụng phục vụ chữa bệnh. Nhờ đó, sức khoẻ nhân dân được đảm bảo, không có dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng.

    Là tỉnh hợp nhất, có tới 16% số dân theo đạo Thiên Chúa, thấm nhuần quan điểm đoàn kết tôn giáo của Đảng ngày 7-1-1978, Tỉnh ủy Hà Nam Ninh ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU về công tác tôn giáo trong giai đoạn mới, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt chính sách đoàn kết tôn giáo, vận động bà con sống tốt đời đẹp đạo hướng các hoạt động tôn giáo vào việc phát triển văn hoá lành mạnh, vì lợi ích chung của toàn dân tộc. Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng được quy ước hoạt động tôn giáo trong các vùng có đông đồng bào theo đạo Phật, đạo Thiên Chúa; tuyên truyền cho bà con có đạo hiểu về đường lối, chính sách tôn giáo của Đảng, nâng cao cảnh giác cách mạng; đoàn kết các tôn giáo, tạo nên sức mạnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

    Công tác an ninh trật tự được coi trọng, phong trào xây dựng “Tổ an ninh nhân dân” phát triển mạnh mẽ. Tháng 2-1977, Ty Công an Hà Nam Ninh đã triển khai làm điểm xây dựng “Tổ an ninh nhân dân” ở xã Chính Nghĩa, huyện Nam Ninh. Sau một thời gian ngắn, xã Chính Nghĩa đã xây dựng được 156 “Tổ an ninh nhân dân”. Đến tháng 10-1977, huyện Nam Ninh đã xây dựng được 3.433 “Tổ an ninh nhân dân”. Từ kết quả, kinh nghiệm của huyện Nam Ninh, Ty Công an tiếp tục chỉ đạo nhân rộng mô hình “Tổ an ninh nhân dân” trong toàn tỉnh, mở các lớp bồi dưỡng về chức năng, nhiệm vụ cho tổ trưởng “Tổ an ninh nhân dân”. Đến tháng 11-1978, toàn tỉnh đã xây dựng được 23.345 “Tổ an ninh nhân dân”. Các “Tổ an ninh nhân dân” đã đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả tốt. Ý thức trách nhiệm của quần chúng được nâng lên. Quần chúng đã cung cấp cho cơ quan chức năng nhiều thông tin về hoạt động của bọn tội phạm để xử lý, góp phần giữ gìn tốt an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Phong trào xây dựng mô hình “Tổ an ninh nhân dân” của tỉnh được Bộ Nội vụ chỉ đạo tổng kết, nhân rộng kinh nghiệm ra toàn quốc học tập.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com