Khôi phục và phát triển KT-XH giai đoạn 1976-1980, tăng cường công tác quốc phòng - an ninh, góp phần bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa - Kỳ 8

05:05, 10/05/2016

[links()]

(Tiếp theo)

    Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I xác định xuất khẩu là hướng mũi nhọn thúc đẩy phát triển kinh tế. Ngày 3-6-1977, Tỉnh ủy mở hội nghị chuyên đề, chủ yếu bàn về tập trung đẩy mạnh sản xuất hàng nông sản, hàng công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp phục vụ xuất khẩu. Ngày 17-8-1978, Tỉnh ủy ra Thông báo số 41-TB/TU quyết định thành lập Ban chỉ đạo công tác xuất khẩu do đồng chí phó chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban. Trong 5 năm 1976-1980, tại các huyện và thành phố thuộc khu vực Nam Định, ngoài 156 hợp tác xã đang làm xuất khẩu, có thêm 53 hợp tác xã chuyển sang làm xuất khẩu; 18 hợp tác xã có doanh số xuất khẩu từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng, 5 hợp tác xã đạt doanh thu từ 500.000 đồng trở lên. Hợp tác xã Xuân Hồng (Xuân Thuỷ) là đơn vị đạt doanh thu cao nhất (trên một triệu đồng).

    Thực hiện Nghị quyết số 251-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường đoàn kết giúp đỡ và hợp tác với cách mạng Lào, tỉnh chính thức ký kết quan hệ hợp tác với tỉnh Uđômxay của Lào. Trong hai năm 1979-1980, tỉnh đã cử đoàn cán bộ kỹ thuật gồm 21 người, 100 công nhân Công ty xây dựng số 3 sang Uđômxay giúp tỉnh bạn xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật; triển khai kế hoạch khảo sát xây dựng thị xã Mường Xây, khởi công xây dựng đập Thẩm Nương, xây nhà văn hoá, đài phát thanh... Tỉnh đã viện trợ số lượng hàng hoá trị giá 271.802 đồng; tỉnh bạn viện trợ lại số hàng trị giá 29.689 đồng. Tháng 4-1980, đoàn đại biểu Uđômxay sang thăm hữu nghị tỉnh Hà Nam Ninh. Đoàn đã đi thăm huyện Hải Hậu. Hai bên tiến hành trao đổi, phối hợp trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hoá đạt kết quả tốt. Việc thiết lập quan hệ đối tác giữa hai tỉnh Hà Nam Ninh và Uđômxay thể hiện tình đoàn kết hữu nghị tốt đẹp giữa hai dân tộc, hai quốc gia, sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau và tăng thêm điều kiện khai thác, phát huy nguồn lực, phát triển kinh tế.

    Để hoạt động tài chính, ngân hàng phát huy hiệu quả, ngày 28-6-1976, Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 19-CT/TU về lãnh đạo công tác ngân hàng phục vụ nhiệm vụ phát triển sản xuất, kinh doanh và tăng cường quản lý kinh tế tài chính. Thi hành chủ trương của Hội đồng Chính phủ về việc thống nhất lưu thông một loại tiền tệ trong cả nước, từ ngày 3 đến ngày 6-5-1978, tỉnh đã triển khai và hoàn thành công tác thu đổi tiền. Kết quả đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi hàng hoá giữa Hà Nam Ninh với các tỉnh trong cả nước. Ngành ngân hàng tích cực chủ động cho các hợp tác xã vay vốn, hỗ trợ phát triển sản xuất, thực hiện quản lý thu, chi tài chính chặt chẽ, đảm bảo tiết kiệm, an toàn, hiệu quả. Tuy nhiên, do không đảm bảo nguồn thu, trong khi nguồn chi quá lớn, nên tình hình tài chính còn gặp nhiều khó khăn. Cơ chế bao cấp tập trung làm nảy sinh tư tưởng thụ động, trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Việc huy động vốn gặp rất nhiều khó khăn, lạm phát gia tăng, giá cả đắt đỏ.

    Lĩnh vực văn hoá - xã hội luôn được Tỉnh ủy quan tâm, chỉ đạo sâu sát. Ngày 22-12-1977, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 11-NQ/TU về công tác văn hoá, văn nghệ và thông tin. Nghị quyết xác định rõ nhiệm vụ công tác văn hoá thông tin là phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhân dân; phát triển mạnh mẽ, toàn diện sự nghiệp văn hoá, góp phần phát huy những truyền thống tốt đẹp của con người Hà Nam Ninh, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, giáo dục tinh thần làm chủ tập thể, ý thức lao động và giác ngộ cách mạng; đồng thời coi trọng đào tạo và bồi dưỡng cán bộ chuyên môn văn hoá; xây dựng nền nghệ thuật dân tộc, xã hội chủ nghĩa. Phong trào xây dựng nếp sống văn hoá mới có nhiều tiến bộ. Ngành văn hoá đã chỉ đạo nhân dân tự giác thực hiện việc cưới, việc tang theo tinh thần tiết kiệm, giản dị mà vẫn giữ thuần phong mỹ tục, bài trừ mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu; tổ chức xây dựng Bảo tàng lịch sử của tỉnh, Bảo tàng huyện Hải Hậu, huyện Nam Ninh và nhà truyền thống ở một số địa phương. Hoạt động văn hoá thông tin diễn ra sôi nổi, chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, bầu cử Quốc hội thống nhất, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất, lần thứ hai... Huyện Hải Hậu được Bộ Văn hoá thông tin tặng danh hiệu “Lá cờ đầu về phong trào văn hoá thông tin cấp huyện” toàn quốc lần thứ hai. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thương binh liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-1977) và 32 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (2-9-1945 - 2-9-1977), Tỉnh ủy đã khởi công xây dựng “Ao cá Bác Hồ” và “Đồi anh hùng” trong khu công viên văn hoá Tức Mặc (thành phố Nam Định). Đây là công trình văn hoá có ý nghĩa chính trị sâu sắc nhằm giáo dục truyền thống cách mạng; thế hiện lòng biết ơn vô hạn của nhân dân đối với Bác Hồ, Đảng, Nhà nuớc và các thế hệ cha anh đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Hà Nam Ninh.

    Từ ngày 19 đến ngày 21-7-1977, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức đại hội thành công. Đội ngũ văn nghệ sĩ không ngừng sáng tác, coi trọng nâng cao chất lượng nội dung và nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhân dân.

    Nhằm tăng cường phong trào luyện tập thể dục thể thao, rèn luyện sức khoẻ cho cán bộ và nhân dân, góp phần xây dựng con người mới phát triển toàn diện, phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa và xây dựng nền quốc phòng toàn dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 13-CT/TU về công tác thể dục, thể thao trong tình hình mới. Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, công tác thể dục thể thao của tỉnh có nhiều tiến bộ. Toàn tỉnh có 130 đơn vị đạt danh hiệu tiên tiến, đơn vị điển hình là xã Nghĩa Phú (Nghĩa Hưng), Trường cấp III Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định). Tuy nhiên, công tác thể dục thể thao của tỉnh chưa trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, phát triển không đồng đều, chưa vững chắc và chất lượng chưa cao.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com