Khôi phục và phát triển KT-XH giai đoạn 1976-1980, tăng cường công tác quốc phòng - an ninh, góp phần bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa - Kỳ 11

05:05, 19/05/2016

[links()]

(Tiếp theo)

    Song song với việc lãnh đạo thực hiện phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, Tỉnh ủy chỉ đạo Đảng ủy quân sự tỉnh tập trung xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh toàn diện, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; chỉ đạo các địa phương, đơn vị tổ chức huấn luyện, diễn tập các phương án phù hợp với tình hình địa phương, bảo đảm chủ động sẵn sàng chiến đấu khi có tình huống xảy ra; duy trì nghiêm chế độ tuần tra canh gác, kịp thời phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả các âm mưu chống phá của các thế lực thù địch trên địa bàn.

    Công tác tuyển quân được thực hiện tốt, luôn đảm bảo 100% chỉ tiêu quân số được giao. Năm 1979, tỉnh tiến hành ba đợt tuyển quân đạt 100,85% chỉ tiêu kế hoạch. Nhiều cán bộ, hạ sĩ quan chuyển ngành và phục viên về địa phương đã được động viên trở lại quân đội. Tỉnh ủy chỉ đạo mỗi huyện xây dựng một trung đoàn dự nhiệm, mỗi hợp tác xã xây dựng từ 1 trung đội đến 3 đại đội dân quân. Lực lượng dự nhiệm, xung kích và dân quân được tổ chức luyện tập sát với yêu cầu thực tế. Các đơn vị phòng không trong tỉnh được tăng cường trang bị các loại pháo 37 mm, 57 mm, 100 mm và cối 82 mm.

    Nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ về tư tưởng và tổ chức trong lực lượng vũ trang, Tỉnh ủy đã phát động cuộc vận động “Phát huy bản chất tốt đẹp, nâng cao sức chiến đấu” của các lực lượng vũ trang nhân dân trong 3 năm (1978-1980). Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã tập trung chỉ đạo điểm ở E.182 và huyện Hải Hậu. Tỉnh đã tổ chức sơ kết cuộc vận động tại hai điểm, rút ra kinh nghiệm bước đầu để chỉ đạo chung, đưa cuộc vận động lên một bước mới.

    Cùng với xây dựng lực lượng vũ trang, công tác chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu được tăng cường. Đến tháng 11-1979 toàn tỉnh đã đào đắp được 176.782 hố cá nhân, 41.872 hầm kèo, 317 hầm thương binh, 108 đài quan sát, 298.773m giao thông hào, 2.813 công sự chiến đấu, 207 trận địa pháo 12,7 mm; 71 trận địa pháo 14,5 mm; 504 trận địa cối 82, 37 trận địa cối ĐKZ; 96 trận địa 37 mm và 122 mm, 554 hầm đạn, làm 4.000 bàn chông. Thực hiện nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu, năm 1978, lực lượng vũ trang toàn tỉnh đã sản xuất, thu hoạch 350 tấn gạo 30 tấn thịt, 20 tấn cá, 300 tấn rau xanh, đảm bảo nuôi quân và phục vụ chi viện sẵn sàng chiến đấu.

    Đồng thời với việc xây dựng lực lượng, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu tại địa phương, Tỉnh ủy đã chỉ đạo tích cực chi viện cho các tỉnh biên giới. Từ ngày 17-2 đến 1-4-1979 toàn tỉnh chi viện 16 tiểu đoàn bộ binh, trong đó có 7 tiểu đoàn tân binh và 9 tiểu đoàn cán bộ, chiến sĩ dự bị động viên, gần 200 cán bộ, chiến sĩ công an. Ngoài ra, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã tổ chức 5 trung đoàn tự vệ gồm 1 vạn người đi xây dựng các công trình quốc phòng ở tỉnh Lạng Sơn. Hưởng ứng cuộc vận động ủng hộ đồng bào các tỉnh biên giới phía Bắc, nhiều cơ quan, xí nghiệp, trường học trong tỉnh đã ra sức sản xuất và tiết kiệm, dành tiền và hiện vật gửi về Ban vận động để chuyển lên biên giới. Với tình cảm hướng về đồng bào biên giới phía Bắc, phong trào ủng hộ của nhân dân trong tỉnh đã đạt kết quả tốt. Tiêu biểu như Xí nghiệp cơ khí Hà Nam Ninh có 460 cán bộ công nhân đã lao động thêm ngày chủ nhật, thu được 1.175 đồng góp vào quỹ ủng hộ đồng bào biên giới. Đến thời điểm ngày 30-3-1979, có 18 trong số 24 trường cấp I và cấp II ở thành phố Nam Định gửi về Ban vận động 7.000 cuốn sách giáo khoa, 500 thếp giấy, 1.000 quyển vở, 8.000 bút chì, hàng trăm bút máy, bút bi, hàng ngàn êke, thước kẻ. Những hành động đó thể hiện nghĩa cử cao đẹp, tinh thần đoàn kết sẵn sàng chia lửa của nhân dân trong tỉnh đối với đồng bào biên giới.

    Thực hiện Nghị quyết số 33-CP của Hội đồng Chính phủ về xây dựng cấp huyện thành một cấp hành chính, một đơn vị kinh tế, một cấp kế hoạch, ngày 11-01-1978, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Thông báo số 02-TB/TU về một số vấn đề xây dựng huyện và kiện toàn cấp huyện. Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo các ngành giúp các huyện tiến hành xây dựng quy hoạch tổng thể và kế hoạch cụ thể của huyện. Đến đầu năm 1978 đã có 8 huyện xây dựng xong quy hoạch tống thể được tỉnh duyệt. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tiến hành sơ kết công tác này ở huyện điểm Nam Ninh, quyết định phân cấp các ngành, các cơ sở kinh tế cho huyện. Để đảm bảo cho bộ máy huyện Nam Ninh hoạt động bình thường sau khi phân cấp, Tỉnh ủy đã tăng cường 607 cán bộ về huyện, trong đó có 229 cán bộ các ngành của tỉnh và 378 cán bộ quân đội chuyển ngành.

    Quá trình thực hiện phân cấp quản lý ở huyện Nam Ninh đã đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng do sự chỉ đạo thiếu tập trung, nhận thức của các ngành chưa đầy đủ, còn tư tưởng chần chừ chưa muốn phân cấp quản lý cho huyện nên công tác phân cấp còn chậm. Tuy nhiên, kết quả làm điểm ở huyện Nam Ninh đã giúp Tỉnh ủy có thêm kinh nghiệm chỉ đạo triển khai trên địa bàn các huyện.

    Qua kinh nghiệm hai năm thực hiện phân cấp quản lý (1976-1977), uỷ ban nhân dân tỉnh đã quy định rõ chế độ công tác và sinh hoạt, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn  và tổ chức bộ máy các ban chuyên môn của uỷ ban nhân dân huyện. Tỉnh tiến hành phân cấp, giao cho huyện quản lý một số cơ sở kinh tế, văn hoá: Trạm máy kéo và cơ khí, các công ty quản lý thuỷ nông, trạm, trại phục vụ nông nghiệp; các xí nghiệp xây dựng và sản xuất gạch ngói, hợp tác xã mua bán, đài phát thanh.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com