Khôi phục và phát triển KT-XH giai đoạn 1976-1980, tăng cường công tác quốc phòng - an ninh, góp phần bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa - Kỳ 10

07:05, 17/05/2016

[links()]

(Tiếp theo)

    Là tỉnh đông dân, đóng góp rất lớn sức người, sức của cho cuộc kháng chiến, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, vì vậy, chính sách đối với gia đình bộ đội, quân nhân phục viên, gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công trong tỉnh được đặc biệt quan tâm. Từ năm 1975 đến năm 1979, toàn tỉnh có hàng vạn con em gia đình thương binh, liệt sĩ, ngươi tàn tật, người có công được tạo điều kiện giải quyết việc làm. Hơn 4.000 người được bố trí công tác ở các xã và các hợp tác xã, 25.000 người được sắp xếp vào làm việc tại các cơ quan, xí nghiệp. Toàn tỉnh có 30 xã có nhà phụng dưỡng các mẹ liệt sĩ, những người mất sức không nơi nương tựa. Xã Đại Thắng (Vụ Bản) đã xây dựng khu vực điều dưỡng rộng 4 ha, gồm 20 gian nhà ở và khu vực tăng gia sản xuất. Các huyện Xuân Thuỷ, Ý Yên, Vụ Bản, thành phố Nam Định có nhiều cố gắng trong phong trào làm nhà, chăm sóc cho thương binh, đối tượng chính sách xã hội. Việc thực hiện chính sách thương binh, liệt sĩ, chính sách xã hội ngày càng được Đảng bộ tỉnh quan tâm. Những hoạt động đó thể hiện đạo lý cao đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Thương người như thể thương thân” của dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, phẩm chất đạo đức cho thế hệ trẻ.

    Từ sau khi đất nước được hòa bình, thống nhất, tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp.

    Thực hiện âm mưu chống phá Việt Nam, những năm cuối thập kỷ 70, các thế lực thù địch bên ngoài và những phần tử xấu trong nước đã tung tin bịa đặt, dựng lên sự kiện “nại kiều”, dụ dỗ, cưỡng ép người Hoa rời bỏ Việt Nam về nước. Trên địa bàn tỉnh, nhất là thành phố Nam Định có nhiều người Hoa cư trú lâu đời, trong số đó, nhiều gia đình, nhiều người là công nhân, thợ kỹ thuật bậc cao, có kinh nghiện trong sản xuất, kinh doanh đã rời bỏ Việt Nam. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy kịp thời thành lập Ban chỉ đạo giải quyết những vấn đề về người Hoa, chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác vận động quần chúng làm cho bà con người Hoa nhận thức đúng đắn chính sách của Đảng và Nhà nước khẳng định người Hoa ở Việt Nam được hưởng mọi quyền lợi của công dân, được đối xử bình đẳng, được giúp đỡ tạo công ăn việc làm, nhà ở và phương tiện đi lại, sống trong tinh thần đoàn kết của đại gia đình các dân tộc Việt Nam cùng phấn đấu xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, đồng thời đề cao cảnh giác, đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của kẻ thù. Đa số người Hoa đã có chuyến biến tư tưởng tốt, ngày càng nhận thức đúng đắn, tiếp tục định cư ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận người Hoa hoang mang rời bỏ Việt Nam về bên kia biên giới. Đến cuối năm 1979, tỉnh Hà Nam Ninh có 99 hộ, gồm 415 nhân khẩu người Hoa về Trung Quốc, thậm chí có một số phần tử có hành động quá khích, gây ảnh hưởng đến tình hình chính trị - xã hội trong tỉnh.

    Ở biên giới phía Tây Nam Tổ quốc, bọn phản động Pôn- pốt Iêngxary ở Campuchia  đã tiến hành các hoạt động quân sự trắng trợn xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam. Ngày 21-4-1978 Tỉnh ủy Hà Nam Ninh ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU về nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố quốc phòng vững mạnh. Nghị quyết nêu rõ: Kết hợp kinh tế với quốc phòng; tích cực xây dựng, tích luỹ tiềm lực quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh về mọi mặt, bao gồm lực lượng chính quy và dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên; thực hiện chính sách hậu phương quân đội; nâng cao cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu. Tiếp đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 21-7-1978, chỉ đạo tăng cường công tác an ninh chính trị, trật tự xã hội trong tình hình mới.

    Ngày 17-2-1979, chiến tranh nổ ra ở biên giới phía Bắc, đe dọa trực tiếp tới độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Ngày 17-3-1979, Tỉnh ủy Hà Nam Ninh ra Nghị quyết số 20-NQ/TU về công tác bảo vệ an ninh chính trị và đảm bảo trật tự an toàn xã hội, chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, chống quân xâm lược với nhiệm vụ trọng tâm là:

    - Nắm vững tình hình, chủ động tấn công và trấn áp địch trên địa bàn, củng cố quốc phòng vững chắc ở các vùng xung yếu trọng điểm.

    - Đẩy mạnh phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc ở ba khu vực, đưa phong trào ngày càng đi vào chiều sâu và có nền nếp.

    - Tăng cường công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ các lực lượng vũ trang và chuẩn bị căn cứ địa khi chiến tranh xảy ra.

    - Tăng cường bảo vệ kinh tế, giữ gìn trật tự trong tình hình mới.

    - Tăng cường xây dựng lực lượng công an nhân dân và các lực lượng bảo vệ.

    Ngày 24-4-1979, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 620-NQ/TU thành lập Đảng bộ Sư đoàn dự nhiệm của tỉnh, bao gồm những cán bộ, đảng viên hiện đang công tác ở cơ quan tỉnh, huyện, thành, các cơ sở kinh tế, văn hóa trong tỉnh, thuộc diện quân nhân dự bị động viên của tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ định 11 đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ sư đoàn, do đồng chí Nguyễn Trung Kiểu, ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Bí thư.

    Chấp hành lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước và chủ trương của Tỉnh ủy, các huyện, thành phố tích cực chủ động xây dựng lực lượng quốc phòng vững mạnh, triển khai thế trận quốc phòng toàn dân, sẵn sàng chiến đấu. Các địa phương đã thực hiện tốt công tác tiếp nhận đồng bào các tỉnh biên giới phía Bắc sơ tán về địa phương, thu xếp chỗ , đi lại, đảm bảo an toàn cho đồng bào. Trước những biến động chính trị - xã hội, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các huyện, thành tiến hành công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phổ biến, quán triệt sâu rộng các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên trong toàn thế cán bộ, đảng viên và nhân dân khơi dậy lòng yêu nước, nâng cao cảnh giác cách mạng, sẵn sàng trấn áp, đập tan các thủ đoạn phá rối của các thế lực thù địch, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu trong hoàn cảnh mới. Thực hiện chỉ thị của Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ tuyến biên phòng bờ biển, nhất là sau khi Chính phủ công bố các văn kiện về chủ quyền vùng biển của Tổ quốc, lực lượng công an nhân dân vũ trang của tỉnh đã triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bờ biển, phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nhiều điển hình tiên tiến xuất hiện trên mặt trận bảo vệ an ninh địa phương như: xã Nam Chấn (Nam Ninh) là lá cờ đầu về trị an; phong trào “ba nhanh” ở xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng); hoạt động của tổ an ninh nhân dân ở các xã Hải Thịnh, Hải Chính (Hải Hậu)... Các cơ sở đánh cá như Xí nghiệp đánh cá Ninh Cơ, các hợp tác xã Hải Thịnh (Hải Hậu), Quất Lâm (Xuân Thuỷ), Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng)... được tổ chức thành các hải đoàn, các đội dân quân mạnh.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com