Những dấu mốc quyết định của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975

09:05, 01/05/2015

Sau 10 ngày họp và thảo luận (từ 30-9 đến 8-10-1974), Bộ Chính trị hạ quyết tâm: “Động viên nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền mở cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa cuối cùng, đưa chiến tranh cách mạng phát triển đến mức cao nhất, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân nguỵ, đánh chiếm Sài Gòn, sào huyệt trung tâm của địch cũng như tất cả các thành thị khác. Đánh đổ nguỵ quyền Trung ương và các cấp, giành toàn bộ miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, tiến tới thống nhất nước nhà. Ngay từ bây giờ, phải tiến hành mọi công việc chuẩn bị thật khẩn trương, tạo điều kiện và cơ sở vật chất để đánh mạnh, đánh nhanh, thắng gọn và thắng triệt để trong thời gian hai năm 1975-1976. Thời cơ này không cho phép lừng chừng, do dự”.

Ngày 8-1-1975, Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng kết luận: “Chúng ta đứng trước thời cơ chiến lược mới, chưa bao giờ ta có đầy đủ điều kiện về quân sự, chính trị như hiện nay để hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới hoà bình, thống nhất Tổ quốc”, đồng thời dự kiến: “Nếu có thời cơ đầu hoặc cuối 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.

Ngày 5-2-1975: Đoàn A.75 (Bí danh của đoàn công tác gồm các đồng chí: Văn Tiến Dũng (Tổng Tham mưu trưởng), Đinh Đức Thiện (Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần), Lê Ngọc Hiền (Phó tổng Tham mưu trưởng) và một số cán bộ, tổ chức thành một bộ phận đại diện Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh ở chiến trường miền Nam) lên đường đi Tây Nguyên.

Ngày 4-3-1975: Ta mở Chiến dịch Tây Nguyên sau một số trận đánh tạo thế và nghi binh chiến dịch.

Ngày 10-3-1975: Ta tiến công bằng sức mạnh binh chủng hợp thành giải phóng Thị xã Buôn Ma Thuật. Đây là trận đánh then chốt của Chiến dịch Tây Nguyên. Điểm đúng huyệt, làm rối loạn sự chỉ đạo chiến lược, đảo lộn thế phòng thủ của địch. Mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Ngày 18-3-1975: Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương họp. Quân uỷ Trung ương đề nghị Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975, không chờ đến năm 1976 và đã được thông qua.

Ngày 19-3-1975: Quân ta tiến công giải phóng thị xã và toàn bộ tỉnh Quảng Trị. Địch co về giữ phòng tuyến sông Mỹ Chánh. Ta hạ quyết tâm mở trận tiến công lớn, tiêu diệt tập đoàn phòng ngự Thừa Thiên - Huế. Ngày 26-3, ta giải phóng Thừa Thiên - Huế. Địch co cụm về Đà Nẵng.

Ngày 29-3-1975: Đoàn tiến công thứ hai hoàn thành xuất sắc, chỉ mất ba ngày ta đã giải phóng Đà Nẵng. Tiếp đó là bán đảo Sơn Trà và Hội An. Khí thế chiến thắng trào dâng từ Bắc chí Nam. Ta giải phóng “cuốn chiếu” trên đường tiến quân về cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn. Trong quá trình đó, giải phóng các tỉnh ven biển, Hải quân ta giải phóng Trường Sa từ tay Quân đội Sài Gòn.

Ngày 14-4-1975: Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh với tinh thần: “Thần tốc - táo bạo - bất ngờ - chắc thắng” tiến về Sài Gòn. Ngày 18-4, Tổng thống Mỹ ra lệnh “di tản” người Mỹ. Ba ngày sau, ngày 21-4, Mỹ buộc Nguyễn Văn Thiệu từ chức tổng thống và đưa Trần Văn Hương lên thay.

Ngày 26-4-1975: Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Quân ta tiến công Sài Gòn từ 5 hướng: Tây Bắc, Bắc - Đông Bắc, Đông - Đông Nam, Tây và Tây Nam. Năm mục tiêu chủ yếu được lựa chọn là: Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Sài Gòn, dinh Tổng thống, Biệt khu Thủ đô và Tổng nha Cảnh sát.

Ngày 28-4-1975: Hồi 17 giờ, máy bay A37 ta thu được của Mỹ do Phi đội Quyết Thắng lái ném bom, làm tê liệt sân bay Tân Sơn Nhất. Bộ đội ta trên các hướng cơ bản thực hiện được kế hoạch tấn công. Lực lượng vũ trang và nhân dân vùng ven Sài Gòn phối hợp với bộ đội chủ lực tiến công và nổi dậy, giải phóng các căn cứ của địch ở xung quanh thành phố. Hệ thống chỉ huy của địch từ Bộ Tổng tham mưu đến các quân đoàn đều rối ren. Địch hoang mang cao độ, tan rã, rút chạy, đầu hàng từng bộ phận. Tướng tá tranh nhau di tản. Trần Văn Hương buộc phải từ chức để Dương Văn Minh lên thay.

Ngày 30-4-1975: Một ngày lịch sử khi các lực lượng hỗn hợp của Quân đoàn 2 chiếm Dinh Độc Lập, bắt sống nội các chính quyền Sài Gòn. Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng./.

PV
Theo “Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổng tập”



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com