TS Nguyễn Danh Tiên
Viện Lịch sử Đảng
Đồng chí Lê Đức Thọ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một cán bộ lãnh đạo giàu kinh nghiệm của Đảng và Nhà nước. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian khó nhưng vô cùng oanh liệt của mình, dù ở đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào đồng chí cũng đem hết tâm sức, tài năng và trí tuệ cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến những cống hiến xuất sắc của đồng chí Lê Đức Thọ đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của đồng bào Nam Bộ. Qua đó thấy được sự lãnh đạo kiên cường, bản lĩnh của đồng chí trong một giai đoạn quan trọng của lịch sử dân tộc.
Đồng chí Lê Đức Thọ tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam năm 1968. Ảnh: TL |
Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Từ đây, nhân dân Việt Nam lại một lần nữa phải đứng lên cầm vũ khí chiến đấu bảo vệ quyền bất khả xâm phạm của dân tộc. Hoà cùng khí thế đấu tranh của nhân dân cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân Nam Bộ nhất tề đứng dậy kháng chiến giữ đất, giữ nhà. Chính tinh thần kháng chiến anh dũng, ngoan cường của đồng bào Nam Bộ đã góp phần làm thất bại âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp, buộc chúng phải chuyển sang đánh lâu dài, căng kéo với ta.
Do nhận thức rõ vị trí đặc biệt quan trọng của Nam Bộ trong thế chiến lược chung nên Trung ương Đảng sớm có kế hoạch tăng cường lực lượng phong trào cách mạng nơi đây. Theo đó, giữa tháng 9-1948, Trung ương cử đoàn cán bộ Đảng, Chính phủ, quân đội do đồng chí Lê Đức Thọ, Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng làm trưởng đoàn, cùng bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Thứ trưởng Phủ Chủ tịch (danh nghĩa trưởng phái đoàn Chính phủ) và Thiếu tướng Dương Quốc Chính (Lê Hiến Mai) đại diện Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam vào Nam Bộ. Cùng đi với phái đoàn có khoảng 30 cán bộ chính trị, quân sự cao, trung cấp như: Lê Toàn Thư, Lưu Quý Kì, Hoàng Thế Thiện... cùng nhiều cán bộ vừa tốt nghiệp Trường Sĩ quan lục quân Trần Quốc Tuấn. Đây là quyết định mang tầm chiến lược, thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình và sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng và Bác Hồ đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ.
Đặt trọn niềm tin vào phái đoàn của Trung ương do đồng chí Lê Đức Thọ đứng đầu, ngày 23-10-1948, đồng chí Trường Chinh, ký tên Thận, thay mặt Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương gửi thư cho đồng chí Lê Duẩn và Xứ uỷ Nam Bộ về việc củng cố phong trào cách mạng ở Nam Bộ và chỉnh đốn công tác Đảng.
Mang trọng trách cao cả do Trung ương Đảng và Bác giao phó, trên cương vị là trưởng phái đoàn Trung ương vào tăng viện cho chiến trường Nam Bộ, dọc đường đi từ Bắc vào Nam, trước khi tới Đồng Tháp Mười - căn cứ của Xứ uỷ Nam Bộ, đồng chí Lê Đức Thọ tranh thủ thời gian làm việc với một số Tỉnh uỷ, Khu uỷ. Sau khi nghe báo cáo tình hình các mặt, đồng chí căn dặn: “Phải xây dựng, củng cố Đảng trong lực lượng vũ trang, trong công an, trong vùng bị địch tạm chiếm, phát triển Đảng phải luôn luôn đi đôi với củng cố Đảng, phải dìu dắt đảng viên mới trong công tác thực tế, phải mở lớp huấn luyện ngắn ngày cho họ. Phải luôn chăm lo củng cố chi bộ. Thực hiện phê bình và tự phê bình, phải luôn luôn đề cao cảnh giác, đề phòng bọn địch chui vào trong Đảng, phá hoại Đảng từ bên trong”.
Với đồng chí Lê Đức Thọ, sự thành công hay thất bại của mọi công việc đều bắt nguồn từ chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng. Do đó, khi tới Nam Bộ (2-1949), việc làm đầu tiên của đồng chí là cùng Thường vụ Xứ uỷ rà soát lại cán bộ trong các cấp uỷ Đảng ở các Khu uỷ, Tỉnh uỷ, Đặc khu uỷ. Đây là công việc đặc biệt quan trọng. Bởi cấp uỷ Đảng các cấp là đầu não của phong trào cách mạng địa phương. Đầu não có trong sạch, vững mạnh, thì phong trào cách mạng địa phương mới vững mạnh. Sau khi rà soát lại, đồng chí Lê Đức Thọ đề nghị với Thường vụ Xứ uỷ một số biện pháp nhằm chấn chỉnh, kiện toàn một số cấp uỷ. Quyết sách này đã mang lại những kết quả tích cực, nhanh chóng khắc phục được một số tồn tại, khuyết điểm ở một số cấp uỷ địa phương. Nhờ đó, các tổ chức Đảng từ Xứ uỷ Nam Bộ tới cơ sở từng bước được củng cố, kiện toàn. Số lượng, chất lượng đảng viên có sự chuyển biến rõ rệt. Họ là những người tiên phong trong việc thực hiện chủ trương, đường lối kháng chiến của Đảng và Xứ uỷ Nam Bộ.
Khuôn viên Khu lưu niệm đồng chí Lê Đức Thọ, thôn Địch Lễ, xã Nam Vân (TP Nam Định). Ảnh: PV |
Đi đôi với việc củng cố các cấp uỷ Đảng, đồng chí Lê Đức Thọ cùng Thường vụ Xứ uỷ từng bước xây dựng, kiện toàn bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo của Xứ uỷ. Văn phòng Xứ uỷ và các ban Đảng nhanh chóng được tăng cường. Nhiều ban chuyên môn của Xứ uỷ được củng cố hoặc được thành lập mới như: Ban Dân vận, các Ban Công vận, Nông vận, Thanh vận, Tôn giáo vận...
Sau khi rời căn cứ Xứ uỷ Nam Bộ từ Đồng Tháp Mười xuống miền Tây Nam Bộ, đồng chí Lê Đức Thọ đề nghị với Thường vụ Xứ uỷ mở lớp huấn luyện để bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ Tỉnh, Khu, lấy tên là Trường Trường Chinh, biệt danh của đồng chí Tổng Bí thư Trung ương Đảng ta lúc đó. Chương trình giảng dạy được tổ chức hết sức bài bản. Đồng chí Lê Đức Thọ cùng các đồng chí lãnh đạo khác như Lê Duẩn, Nguyễn Văn Mười (Mười Cúc - Nguyễn Văn Linh)... trực tiếp giảng dạy. Trong một thời gian ngắn, trường mở được ba khoá, đã trang bị những vấn đề cơ bản về lý luận, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng cho đội ngũ cốt cán của Nam Bộ, gồm đại bộ phận cán bộ lãnh đạo Khu uỷ, Tỉnh uỷ, ban, ngành các cấp ở Nam Bộ, cán bộ chỉ huy từ cấp tiểu đoàn trở lên. Qua các lớp học, các học viên hiểu sâu sắc hơn nghị quyết của Đảng, nắm được toàn diện tình hình, các mặt công tác, chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi ngành, địa phương mình phụ trách như trước đây, nhất là được giáo dục quan điểm, lập trường giai cấp, quan điểm quần chúng.
Trải qua ba năm lăn lộn hoạt động và công tác trên chiến trường Nam Bộ (1948-1950), vượt qua bao khó khăn, gian khổ, đồng chí Lê Đức Thọ cùng tập thể Xứ uỷ Nam Bộ đã lãnh đạo nhân dân Nam Bộ vừa kháng chiến, vừa kiến quốc và đã thu được những kết quả quan trọng. Lực lượng vũ trang có bước phát triển đáng kể. Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, làm nòng cốt cho thế trận chiến tranh nhân dân. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Công tác xây dựng Đảng và các tổ chức quần chúng phát triển sâu rộng... Đặc biệt, từ thực tiễn hoạt động công tác, đồng chí Lê Đức Thọ đã đúc rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong lãnh đạo, chỉ đạo, qua đó tham mưu đúng - trúng nhiều vấn đề về chiến lược, sách lược với Trung ương Đảng, giúp Trung ương kịp thời đề ra những chủ trương, đường lối đúng đắn - sát với thực tế chiến trường Nam Bộ, làm cho phong trào kháng chiến chống Pháp của đồng bào Nam Bộ ngày càng phát triển, hoà nhịp cùng dòng chảy chung của cách mạng cả nước.
Sự trưởng thành của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung được đánh dấu bằng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương (2-1951). Đại hội tổng kết và hoàn thiện đường lối cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân; quyết định nhiều vấn đề quan trọng, trong đó chủ trương “tổ chức các Cục Trung ương để chỉ đạo các địa phương xa”. Thực hiện nghị quyết này, vào trung tuần tháng 3-1951, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất (khoá II) quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam gồm các Uỷ viên Trung ương hoạt động ở Nam Bộ để “căn cứ các nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị mà cụ thể chỉ đạo công tác cho Nam Bộ và bộ phận Đảng Lao động Việt Nam ở Cao Miên”.
Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ Lê Duẩn được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II bầu vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư, được điều động ra Trung ương công tác. Tuy nhiên, do yêu cầu của chiến trường nên đến giữa năm 1952, đồng chí Lê Duẩn mới lên đường ra Chiến khu Việt Bắc. Do đó, Bí thư Trung ương Cục miền Nam đầu tiên là Lê Duẩn; Lê Đức Thọ làm Phó Bí thư. Sau khi đồng chí Lê Duẩn ra Bắc, Lê Đức Thọ làm Bí thư. Từ đây, trên cương vị là Phó Bí thư rồi sau này là Bí thư Trung ương Cục, đồng chí Lê Đức Thọ ngày càng có nhiều đóng góp cho cách mạng miền Nam.
Nhằm tạo cho mỗi tỉnh có một vùng căn cứ đứng chân và bàn đạp tương đối rộng, có hành lang liên hoàn có thể cơ động được lực lượng, đồng thời tạo điều kiện giành lại thế chủ động cho từng khu cũng như cả Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo Uỷ ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ giải thể và sáp nhập một số đơn vị hành chính cho phù hợp với tình hình mới. Trên tinh thần đó, Uỷ ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ ra Nghị định số 252/NĐ-51 giải thể ba Khu 7, 8 và 9, sáp nhập 20 tỉnh của Nam Bộ thành 11 tỉnh ghép, chia Nam Bộ thành hai Phân liên khu (lấy sông Tiền làm ranh giới) và Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn.
Từ sự thay đổi trên, tổ chức Đảng, quân, chính có sự sắp xếp lại:
Ở Nam Bộ, giải thể bộ máy Bộ Tư lệnh Nam Bộ, chỉ duy trì Ban Nghiên cứu - Tổng kết (giữ danh nghĩa Bộ Tư lệnh Nam Bộ trong các báo cáo tổng kết hoặc trong truyền đạt mệnh lệnh của Trung ương Cục) để giúp Trung ương Cục thống nhất chỉ đạo các vấn đề quân sự trên toàn chiến trường.
Ở cấp các Phân liên khu, bố trí các chức danh lãnh đạo chủ chốt: Ở Phân liên khu miền Đông: Lê Duẩn, sau đó là Phạm Hùng. Ở Phân liên khu miền Tây là Lê Đức Thọ. Ở Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn là Nguyễn Văn Cúc (Nguyễn Văn Linh).
Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Lê Đức Thọ, phong trào kháng chiến ở Phân liên khu miền Tây có bước phát triển mới. Trong nửa đầu năm 1951, Bộ Tư lệnh Khu 9 mở liên tiếp hai chiến dịch Long Châu Hà II và Sóc Trăng II. Kết quả, hai chiến dịch đã tạo được khí thế mạnh mẽ, củng cố lòng tin trong quần chúng nhân dân, gây dựng được cơ sở trong vùng đồng bào Khmer Nam Bộ.
Như vậy, cùng với Phân liên khu miền Đông và Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, ở Phân liên khu miền Tây, mặc dù bị địch đẩy mạnh lấn chiếm, nhưng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Lê Đức Thọ, phong trào kháng chiến ở các địa phương vẫn được giữ vững và từng bước phát triển vững chắc. Đi đôi với hoạt động kháng chiến, dưới sự chỉ đạo sâu sát của đồng chí Lê Đức Thọ, các mặt hoạt động khác trong toàn Phân liên khu miền Tây cũng được chú trọng. Các hoạt động xây dựng, củng cố các cấp uỷ, tổ chức cơ sở Đảng được triển khai một cách sâu rộng, do đó các nghị quyết, chỉ thị kháng chiến của Đảng luôn được phổ biến kịp thời, giúp nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến. Điểm đáng chú ý là, trong gian khổ, khó khăn, hình ảnh của người lãnh đạo Lê Đức Thọ giản dị, mẫu mực và luôn tận tuỵ với công việc ngày càng in đậm trong lòng đồng chí, đồng bào. Đó là động lực quan trọng giúp đồng chí Lê Đức Thọ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và Bác giao phó.
Trước sự thay đổi mau lẹ của tình hình cách mạng, cuối tháng 9, đầu tháng 10-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Định Hoá, Thái Nguyên. Hội nghị quyết định lấy Tây Bắc làm hướng tiến công chính trong Đông Xuân 1953-1954, các chiến trường khác là hướng phối hợp.
“Đối với chiến trường Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ thì nhiệm vụ là đẩy mạnh chiến tranh du kích, lợi dụng điều kiện thuận lợi mới do quân địch phải tập trung nhiều lực lượng đi các hướng khác mà tăng cường hoạt động đánh nhỏ ăn chắc, tiêu hao và tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, đẩy mạnh nguỵ vận, mở rộng các căn cứ du kích và khu du kích”.
Quán triệt sự chỉ đạo của Trung ương, Trung ương Cục miền Nam họp và nhận định: Càng thất bại ở chiến trường chính Bắc Bộ, Pháp càng ra sức càn quét bình định Nam Bộ để vơ vét sức người, sức của ở đây phục vụ cho chiến tranh, đồng thời biến nơi đây làm hang ổ cuối cùng của chúng. Do đó, Trung ương Cục miền Nam đề ra ba nhiệm vụ của Nam Bộ trong Đông Xuân 1953-1954 là:
“1. Giữ vững và đẩy mạnh chiến tranh du kích;
2. Củng cố và mở rộng căn cứ;
3. Đẩy mạnh công tác nguỵ vận”.
Thực hiện chủ trương trên, Trung ương Cục tổ chức Hội nghị địch ngụy vận toàn Nam Bộ. Hội nghị chỉ ra những khuyết, nhược điểm trong công tác địch nguỵ vận từ ngày đầu kháng chiến, trên cơ sở đó, đề ra phương châm và kế hoạch cụ thể nhằm đẩy mạnh công tác địch nguỵ vận trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh phương châm “tất cả phải lấy dân làm gốc”, quyết định mở chiến dịch địch nguỵ vận trên toàn chiến trường Nam Bộ từ tháng 10-1953, xem đó là công tác trung tâm ở vùng du kích và vùng tạm chiếm...
Do có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Trung ương Cục đứng đầu là đồng chí Lê Đức Thọ, quân dân Nam Bộ đã thực hiện xuất sắc mọi nhiệm vụ trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, góp phần cùng quân dân cả nước làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954) - lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Từ mảnh đất Nam Định giàu truyền thống văn hoá, văn hiến và đấu tranh cách mạng, với lòng yêu nước nồng nàn và chí căm thù giặc sâu sắc, trước cảnh đất nước, quê hương bị kẻ thù giày xéo, đồng chí Lê Đức Thọ đã sớm giác ngộ và nguyện đi theo con đường cách mạng của Đảng để cứu nước, cứu dân. Trên bất cứ cương vị nào, bằng bản lĩnh và trí tuệ của mình, đồng chí Lê Đức Thọ cũng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Trong những năm lãnh đạo nhân dân Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí đã chứng tỏ được sự lãnh đạo kiên cường và bản lĩnh cách mạng. Những cống hiến to lớn của đồng chí Lê Đức Thọ cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc trong các giai đoạn lịch sử là minh chứng hùng hồn về tấm gương sáng ngời đạo đức cách mạng, suốt đời phấn đấu hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Dù đồng chí đã đi xa, nhưng cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, tấm gương kiên trung, bất khuất của đồng chí Lê Đức Thọ trở thành một trong những di sản quý báu của dân tộc Việt Nam. Nó không chỉ được lưu giữ trong lịch sử, mà còn trở thành tên phố, tên đường, tên phường, tên trường học... vô cùng thân yêu, gần gũi ở nhiều địa phương trên đất nước ta, có sức lay động, thôi thúc các thế hệ người Việt Nam hôm nay vươn lên xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Với đồng bào Nam Bộ, đồng chí Lê Đức Thọ mãi là người lãnh đạo kiên cường - bản lĩnh, là người con ưu tú của mảnh đất thành đồng Tổ quốc./.