Xóm có 2 Anh hùng

07:02, 18/02/2015

Dân tộc Việt Nam vốn giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Bất cứ nơi đâu trên mảnh đất hình chữ S này cũng có những người anh hùng xả thân vì đất nước. Nhưng ở một xóm nhỏ có tới 2 Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) thì có lẽ ít nơi có như ở xã Hải Long (Hải Hậu). Những ngày cận Tết, chúng tôi có dịp về với xóm 5, xã Hải Long, thăm các Anh hùng LLVT Lại Ngọc Ngợi và Bùi Văn Quảng. Trong không khí mùa xuân ấm áp, bên chén trà nóng, Anh hùng Lại Ngọc Ngợi trầm giọng: “Mưa bom bão đạn” nào cũng đã từng, ranh giới về sự sống và cái chết của những người lính ở chiến trường rất mong manh. Là con người, ai chẳng sợ điều đó, nhất là khi đang sống giữa tuổi thanh xuân đầy ước mơ, hoài bão. Nhưng tình yêu quê hương, đất nước, lòng mến yêu tự do đã giúp những người lính như chúng tôi vượt lên tất cả, chiến đấu và chiến thắng, làm nên mùa xuân trường tồn cho dân tộc”.

Ngày ấy…

Năm 1968 khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam đang bước vào những giai đoạn căng thẳng, ác liệt nhất, từ xóm nhỏ xã Hải Long, chàng thanh niên Lại Ngọc Ngợi tạm biệt quê hương lên đường ra chiến trận bởi lý do rất đơn giản, “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Anh tân binh trẻ Lại Ngọc Ngợi được phân về Đại đội 4, Tiểu đoàn 465, Trung đoàn 3, Sư đoàn 320B. Tháng 8-1969, anh được bổ sung về đơn vị 19 Công binh, Tỉnh Đội Quảng Nam, chuyên làm nhiệm vụ tháo gỡ bom pháo lép của địch, thông xe, thông đường để quân ta vận chuyển vũ khí, khí tài vào chiến trường miền Nam. Công việc nguy hiểm, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể gây thương vong lớn, hy sinh bất cứ lúc nào, song điều đó không hề làm các anh nản lòng. Cùng với các đồng đội của mình, anh lính Lại Ngọc Ngợi đã tháo gỡ hàng chục quả bom và cải tiến hàng chục quả pháo cối lép của địch thành bộc phá tiêu diệt quân địch. Tháng 2 đến 4-1971, tổ chiến đấu của anh nhận một nhiệm vụ nguy hiểm: phục kích một đoàn xe của Mỹ khoảng 45 chiếc chở vũ khí từ Tam Kỳ đi Tiên Phước. Đơn vị của anh đã chia thành nhiều chốt trạm, bằng sự mưu trí, dũng cảm, đơn vị liên tiếp lập nhiều chiến công, phá hủy, tiêu diệt nhiều xe và lính Mỹ. Trong đó, riêng Lại Ngọc Ngợi đã phá hủy 7 xe và tiêu diệt 32 tên Mỹ. Sau trận chiến này, anh được đơn vị tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt xe cơ giới”. Tháng 8-1972, anh cùng đơn vị nhận nhiệm vụ đánh chốt Chơm Chơm và chốt Đá Biển, trục đường 16, xã Bình Định, tiêu diệt lực lượng tiếp viện của Mỹ lên ứng cứu cho căn cứ Cấm Dơi (Quế Sơn) và hàng chục đồn, bốt khác đang bị quân ta bao vây tiêu diệt. Trong 6 ngày chiến đấu quyết liệt, đơn vị đã tiêu diệt hơn 300 tên địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất và được Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân. Cũng trong trận chiến này, CCB Lại Ngọc Ngợi đã tiêu diệt được khoảng 70 tên địch, bắn và phá hủy hơn chục ổ đại liên và súng cối. Với những thành tích đó, anh được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba vì đã dũng cảm lập công xuất sắc. Sau chiến công này, chiến sĩ Lại Ngọc Ngợi vinh dự được kết nạp Đảng nơi chiến hào. Năm 2012, được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Anh hùng LLVT nhân dân Lại Ngọc Ngợi.
Anh hùng LLVT nhân dân Lại Ngọc Ngợi.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, Anh hùng LLVT Bùi Văn Quảng, xóm 5, xã Hải Long (Hải Hậu) hầu như không bỏ sót một chi tiết nào suốt những năm tháng trai trẻ xông pha trận mạc. “Cũng bởi, cuộc đời đẹp nhất là trên mặt trận chống quân thù. Vào sinh ra tử, dễ mấy ai quên được tháng năm đó”, người cựu binh già bộc bạch. Nhập ngũ tháng 9-1965, đến năm 1967, ông được điều động về Sư đoàn 304, Trung đoàn 24, Đại đội 16, rồi được bổ sung điều động vào Quân khu 7 với nhiệm vụ vận tải lương thực. “Mỗi xe thồ của chúng tôi lúc đó thường chở được khoảng 50kg gạo, lúc đi chở gạo, khi về làm xe cáng thương binh. Chiến tranh ngày càng ác liệt, mặt trận yêu cầu những người lính công binh như chúng tôi phải đưa được lương thực vào mặt trận sớm nhất, đưa bộ đội bị thương về tuyến sau nhanh nhất. Vì vậy, chúng tôi chỉ còn cách cải tiến phương tiện vận chuyển”, ông Quảng kể: “Cái khó ló cái khôn”, ông Quảng cùng đồng đội tìm cách lắp thêm một số “phụ kiện” cho xe. Vì vậy, công dụng vận tải cũng cao hơn, mỗi chuyến xe thồ lúc này đã chở được từ 2 tạ gạo và cáng được 2 thương binh/xe, sau đó lên 3 tạ và 3 thương binh/xe. Với những thành tích không ngừng trong sáng tạo phục vụ công tác vận tải, nhanh chóng đưa số lượng thực phẩm, đạn dược và thương binh kịp thời, chiến sĩ Bùi Văn Quảng được vinh dự được kết nạp Đảng ngay tại chiến trường, năm 1970. Tâm trí của người lính già vẫn nhớ như in thời khắc năm 1973, đại đội của ông có nhiệm vụ tải đạn ra gần khu vực sân bay Tịnh Biên để phục vụ chiến dịch Xa Mát. Lúc đó ông đã là tiểu đội trưởng dẫn đoàn xe thồ đi trước (cứ 3 người một nhóm). 4 giờ chiều, khi đoàn xe của ông đang bon bon thì bất ngờ trực thăng địch lao tới quần thảo. Rất bình tĩnh, tiểu đội trưởng Bùi Văn Quảng ra lệnh cho anh em để xe lại và nhảy vào bụi rậm, khi nào địch phát hiện, nhảy dù xuống mới được bắn. Nếu địch chỉ ném bom và bắn “tọa độ” thì phải nằm im để giữ bí mật. Trong lúc đang trú ẩn, thấy trực thăng Mỹ chỉ ném pháo, ông hạ lệnh, tuyệt đối không được bắn trả. Nếu lúc đó, không kiên quyết như vậy thì tuyến đường huyết mạch vận chuyển lương thực, thực phẩm sẽ bị lộ hoàn toàn, thương vong lớn sẽ không tránh khỏi... Với những chiến công và sự mưu trí dũng cảm trong chiến đấu, năm 1973 ông vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân khi mới 26 tuổi.

... Bây giờ

Bà con nhân dân xóm 5, Hải Long tự hào vì xóm có đến 2 Anh hùng LLVT. Trở về với cuộc sống đời thường, những người lính năm xưa vẫn luôn phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” nỗ lực góp công sức vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xuất ngũ về quê năm 1984, trong lúc kinh tế gia đình hết sức khó khăn. Các con còn nhỏ, đang tuổi ăn tuổi học. Nghề nghiệp, vốn liếng không có, mày mò thử làm đủ nghề, CCB Lại Ngọc Ngợi vẫn cứ thấy cái đói, cái nghèo bám lấy gia đình. “Nhưng tinh thần của người lính không cho phép tôi đầu hàng. Giặc nước đuổi xong rồi, chẳng lẽ giờ bó tay với giặc nghèo. Nghĩ ngợi, tính toán nhiều đêm liền, tôi hạ quyết tâm phải tìm ra lời giải cho bài toán kinh tế để xóa nghèo, làm giàu cho gia đình". Ông Ngợi chia sẻ. Động lực đó thôi thúc ông đến với ý tưởng phát triển kinh tế gia trại. Nghĩ là làm, người cựu binh không ngần ngại vay mượn ngược xuôi, xây thêm chuồng trại trên diện tích đất vườn 100m2 để phát triển chăn nuôi. Rảnh ra chút nào là ông khăn gói đi tham quan học tập các mô hình trang trại làm ăn hiệu quả ở các địa phương, tìm hiểu các tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào việc chăn nuôi, phát triển mô hình VAC. Từ đó CCB Lại Ngọc Ngợi đã dần dần vực dậy kinh tế gia đình, nuôi con cái học hành giỏi giang, thành đạt. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông còn nhiệt tình tham gia vào các hoạt động của địa phương. Hiện, ông là ủy viên BCH Hội CCB xã, chi ủy viên Chi bộ xóm 5, Hội Khuyến học dòng họ… Công việc nào ông cũng làm với tinh thần trách nhiệm cao. Ông còn dành nhiều thời gian tham gia các buổi nói chuyện truyền thống, nhằm khơi gợi niềm tự hào, tinh thần yêu nước của thế hệ trẻ. Anh hùng Lại Ngọc Ngợi chia sẻ: “Là một người lính, dù ở bất cứ đâu, trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ cho được phẩm chất của người lính. Đó là ý chí chịu đựng gian khổ, sự tận tâm với nhiệm vụ, công việc được giao”.

Anh hùng LLVT nhân dân Bùi Văn Quảng.
Anh hùng LLVT nhân dân Bùi Văn Quảng.

Gần 40 năm trong quân ngũ, dấu chân Anh hùng Bùi Văn Quảng in khắp các chiến trường Quảng Trị, Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào... Đó là những năm tháng không thể nào quên trong tâm trí của ông. Trở về quê hương năm 1983, được giao trọng trách làm Phó CHQS huyện Hải Hậu rồi thường trực Hội CCB huyện. Ông nói: “Xác định là người đảng viên, người lính, tôi chỉ mong được cống hiến đến hơi thở cuối cùng”. Vì thế, ở bất kỳ cương vị nào, ông cũng luôn nhiệt tình, tâm huyết. Trong công tác Hội, ông chủ động đưa ra nhiều giải pháp cùng Hội chăm lo đời sống cả vật chất lẫn tinh thần cho hội viên như: cho hội viên nghèo vay vốn để làm kinh tế, động viên anh em CCB xây dựng “Quỹ vì đồng đội”, tích cực tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, ủng hộ đồng bào lũ lụt, xây nhà đồng đội… Cảm thông với những khó khăn, vất vả của đồng đội, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của các CCB, ông đã chủ động phối hợp với cơ quan hữu quan, làm hết sức mình để thực hiện chế độ chính sách cho các CCB, cựu quân nhân. Nhờ thế, nhiều CCB tham gia chiến trường trước năm 1975, chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam được hưởng chế độ, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Sau khi về nghỉ hưu, ông Quảng tiếp tục tham gia công tác tại địa phương, có đóng góp tích cực trong phong trào Hội CCB xã. Dường như nhiệt huyết trong người CCB, Anh hùng LLVT Bùi Văn Quảng chưa bao giờ ngừng nghỉ. Hầu hết các phong trào của Hội ông đều tham gia đầy đủ, từ việc tuyên truyền, vận động thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự, đến chăm lo phát triển kinh tế cho hội viên… nhiệm vụ nào ông cũng làm bằng cả tấm lòng.

Xã Hải Long hôm nay đang từng ngày đổi mới, đời sống người dân từng bước được cải thiện, đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch sẽ. Đó là kết quả của sự đồng lòng, nhất trí của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của những người lính trở về từ sau cuộc chiến tranh như ông Ngợi, ông Quảng, làm nên những mùa xuân tươi đẹp trên quê hương./.

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com