Phát động toàn dân kháng chiến, tiến công giam chân địch trong thành phố Nam Định (Từ 19-12-1946 đến 3-1947) - Kỳ 4

09:02, 10/02/2015

[links()]

    Trên đà thắng lợi, Đảng bộ không ngừng giáo dục động viên nhân dân hăng hái tham gia mọi công tác kháng chiến cứu nước như đi dân công phục vụ tiền tuyến, tham gia dân quân tự vệ và bộ đội chiến đấu chống giặc, đóng góp mọi nhu cầu của kháng chiến. Tinh thần hăng hái của quần chúng đã cổ vũ quyết tâm của cả tiền tuyến lẫn hậu phương. Tết Đinh Hợi (1947), cái Tết kháng chiến đầu tiên nhân dân càng náo nức hơn. Hậu phương đã cung cấp khá đầy đủ mọi sinh hoạt vật chất và tinh thần cho tiền tuyến, mang đậm hương vị của Tết cổ truyền dân tộc, gửi thư chúc mừng, cử nhiều đoàn cổ vũ động viên các chiến sĩ nơi chiến hào, uý lạo anh chị em thương binh tại các quân y viện.

    Quân Pháp bị ta bao vây chặt, chỉ còn cố thủ ở trại Carô, Nhà máy sợi C, Nhà băng, bị thiếu thốn mọi bề. Hằng ngày, máy bay của chúng phải đến tiếp tế cả lương khô và đạn dược. Riêng vị trí Nhà băng phải tiếp tế cả nước uống. Lực lượng của ta đã tận dụng mọi cơ hội để tiêu hao sinh lực địch.

    Trên chiến trường Bắc Bộ lúc này, quân địch được tăng viện nên đã đánh chiếm Quảng Yên (6-2-1947), Cẩm Giàng (10-2-1947)... Khi mặt trận Bình Trị Thiên bị vỡ, Trung đoàn Thủ đô đã rút ra ngoài (17-2-1947). Ban chỉ huy Mặt trận Nam Định triệu tập Hội nghị quân sự mở rộng tại thôn Vĩnh Trường phổ biến và bàn bạc về tình hình nhiệm vụ mới; nhận định địch sớm muộn cũng sẽ tập trung lực lượng giải vây Nam Định; quân và dân trong tỉnh sẵn sàng đánh địch nhưng phải giữ gìn lực lượng để kháng chiến lâu dài; quyết định phải xiết chặt vòng vây, tạo điều kiện tiêu hao địch, di chuyển các cơ quan về hậu phương, đẩy mạnh tiêu thổ kháng chiến ở thành phố. Khi địch tấn công giải vây, thì chủ động rút quân ra ngoài để bảo toàn lực lượng, chỉ để lại một lực lượng nhỏ làm nhiệm vụ Quyết tử quân hoạt động nghi binh trong thành phố và một bộ phận chặn đánh yểm hộ cho đại quân rút ra ngoài.

    Thực hiện chủ trương trên, quân dân Nam Định đã xiết chặt vòng vây, tiêu hao địch. Tiểu đoàn 75 tổ chức biên chế đại đội Quyết tử quân gồm 100 đồng chí, chủ yếu là tự vệ thành chọn sang, có một phần ba quân số là Vệ quốc đoàn. Ban chỉ huy đại đội gồm: đồng chí Đặng Văn Thiết (đại đội trưởng), đồng chí Nguyễn Ngọc Lân (đại đội phó), đồng chí Nguyễn Túc (chính trị viên). Nhân dân thành phố đã chuẩn bị 350 tấm bánh chưng, 350 tấm bánh mật, 100 kg gạo nếp rang và hàng trăm lưỡi tầm sét để đại đội Quyết tử quân sử dụng. Ban chỉ huy tiêu thổ kháng chiến được tăng cường. Nhân dân trong tỉnh, nhân dân các huyện Lý Nhân, Bình Lục, Thanh Liêm (Hà Nam) và cả một số xã thuộc huyện Thư Trì (Thái Bình) đã chuyển vào thành phố hàng vạn gánh rơm, rạ phục vụ cho công tác phá hoại sau khi đại quân rút khỏi thành phố.

    Mọi việc đang được gấp rút thực hiện thì ngày 6-3-1947, địch điều 1.500 quân, 120 xe cơ giới các loại cùng một đại đội thuỷ quân lục chiến có 2 tàu chiến, 4 ca nô và máy bay yểm trợ, theo đường sông Hồng về giải vây Nam Định.

    Trên đường hành quân, địch bị quân dân Hà Nam chặn đánh liên tục ngày đêm. Mãi tới 19 giờ ngày 9-3-1947, chúng mới tiến tới Lý Nhân (Hà Nam), cách thành phố Nam Định khoảng lO km hội quân thuỷ, lục ở đây để triển khai đội hình. Sáng sớm ngày 10-3-1947, địch chia thành ba mũi tiến về thành phố Nam Định:

    - Một mũi từ sông Hồng đổ lên đê Hữu Bị, theo đường 38.

   -  Mũi thứ hai, từ sông Hồng đổ bộ lên Tân Đệ theo đường 10 và một lực lượng vẫn ở lại trên tàu xuôi sông Đào.

   -  Mũi thứ ba, từ đê sông Hồng qua Đại Hoàng (Lý Nhân) sang Bảo Lộc, Như Thức, Phú Ốc (Mỹ Lộc) theo đường 21.

    Theo kế hoạch, quân ta chủ động rút ra ngoài để bảo toàn lực lượng. Sáng sớm ngày 10-3, đại đội Quyết tử quân đã nổ pháo nghi binh và sử dụng súng trường bắn tỉa tiêu diệt địch. Buổi trưa, tiếp tục nổ pháo từ đường Đinh Tiên Hoàng tới Vị Xuyên. Sau đó, các tổ phân tán theo dõi bám đánh trả quân địch. Đêm đến, Quyết tử quân vừa chủ động tập kích các vị trí đồn trú, vừa cuốn bùi nhùi vào pháo cho nổ ầm vang ở các nơi, uy hiếp quân giặc tạo điều kiện để quân ta rút lui.

    Mờ sáng ngày 10-3, mũi quân địch theo đường 38 xuống Viềng để đánh về thành phố. Khi địch đến làng Đệ Nhất, Lưu Phố (Lộc Hạ) bị đại đội 11 (Tiểu đoàn 75) chặn đánh, chúng phải lui về Viềng.

    Trưa ngày 10-3, quân địch từ Tân Đệ tiến vào đường 10. Khi chúng đánh vào thôn Trung Trang (Mỹ Tân, Mỹ Lộc) đã vấp phải mìn của trung đội tự vệ khu phố Hồ Văn Mịch do Trung đội trưởng Tạ Quang Khả và Chính trị viên Bùi Tư Nghĩa chỉ huy, làm một số tên tử trận. Địch phải lui quân về để chuyển hướng tiến công. Sáng sớm hôm sau (11-3) chúng tăng thêm lực lượng có xe bọc thép đi kèm, vòng từ phía Hữu Bị xuống làng Trung Trang. Đợi địch đến sát bãi mìn, Tiểu đội trưởng Tạ Quang Thuấn điểm hoả và hô xung phong, nhưng mìn không nổ. Quân ta xông lên đã bị hoả lực của địch chặn lại, một số chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, trong đó có Tạ Quang Thuấn. Trước tình thế bất lợi, các chiến sĩ vừa bắn chặn địch vừa rút vào trong làng. Một số anh chị em vượt ra khỏi làng, số còn lại do trung đội trưởng chỉ huy rút vào căn nhà xây hai tầng cố thủ. Địch bao vây căn nhà, các đồng chí rút lên gác hai, tiếp tục chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Trong trận chiến đấu này, bốn anh em ruột họ Tạ Quang (Khả, Hồng, Thuấn, Đức) và bảy chiến sĩ tự vệ hy sinh anh dũng.

    Như vậy, đến trưa ngày 10-3-1947, ở phía bắc và phía đông thành phố Nam Định, sau khi các đại đội của Tiểu đoàn 75 rút đi, địch mới tiến được vào nội thành. Tại hướng tây nam, Tiểu đoàn 69 phối hợp tổ chức đánh địch đổ bộ từ sông Đào lên Lò Lợn tiếp tục bắn tỉa quấy rối kìm chân địch trong thành phố và triển khai các trận địa ở các làng xã phía đưòng 10 thuộc Vụ Bản, chờ lệnh rút quân. Ngày 13-3, Tiểu đoàn 69 đã hoàn thành nhiệm vụ ra khỏi thành phố. Trong các ngày 12, 13, 14-3 các đơn vị của Trung đoàn 34, nhất là đại đội Quyết tử quân vừa đánh vừa lui, tiếp tục tiêu hao, tiêu diệt thêm một số tên địch. Ngày 15-3, Trung đoàn 34 và các lực lượng vũ trang nhân dân thành phố đã hoàn thành nhiệm vụ bao vây tiến công quân địch đồn trú ở thành phố Nam Định.

    Sau 86 ngày đêm liên tục chiến đấu, quân dân Nam Định đã kìm chế, giam chân một lực lượng lớn quân viễn chinh Pháp; đã giết và làm bị thương hơn 400 tên, trong đó có nhiều sĩ quan và binh lính Âu Phi, bắt sống 6 tên, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng.

    Cùng với Thủ đô Hà Nội và một số thành phố, thị xã khác ở Bắc Bộ cuộc chiến đấu của quân dân Nam Định đã làm thất bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp, góp phần cùng cả nước có thêm thời gian củng cố và xây dựng lực lượng chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.

    Qua chiến đấu ác liệt, lực lượng ta vẫn được bảo toàn và ngày càng trưởng thành. Bộ đội địa phương, nhất là Trung đoàn 34 có thêm nhiều kinh nghiệm chiến đấu độc lập, hỗ trợ cho bộ đội địa phương và dân quân du kích đứng lên chủ động chiến đấu sau này.

    Có được những thắng lợi to lớn trên đây là do Đảng bộ đã thấm nhuần và vận dụng một cách sinh động đường lối cách mạng bạo lực của Đảng vào hoàn cảnh địa phương, luôn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, ra sức xây dựng lực lượng về mọi mặt, đặc biệt là lực lượng vũ trang nhân dân, chủ động đối phó với mọi tình thế có thể xảy ra khi cuộc kháng chiến bùng nổ. Đảng bộ đã nhanh chóng chớp thòi cơ, kiên quyết tấn công địch; đồng thời phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước và truyền thống đấu tranh bất khuất của nhân dân trong tỉnh, hướng dẫn, tổ chức toàn dân xông lên giết giặc lập công, tạo nên khí thế hào hùng mở đầu cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện ở địa phương.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com