Đẩy mạnh cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện chống địch lấn chiếm (Từ 4-1947 đến 12-1947) Kỳ 1

06:02, 11/02/2015

[links()]

    Sau khi đã chiếm được mấy thành phố trống rỗng, thực dân Pháp tiếp tục đưa quân sang Đông Dương. Mục tiêu của chúng trong thời gian này là chiếm lấy những đưòng giao thông chính, lập vành đai bảo vệ thành phố - nơi sào huyệt của chúng, xúc tiến việc lập bộ máy bù nhìn tay sai, dụ dỗ nhân dân hồi cư, thực hiện chính sách dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh.

    Ở Nam Định chúng đã chiếm đóng thành phố, gồm các vị trí Vườn Chay, chùa Phán Chương, Lò Lợn, trại Carô, nhà thương, nhà thờ Sanhtôma, Nhà máy sợi. Thực hiện âm mưu mở rộng chiếm đóng theo chiến thuật vết dầu loang, địch đã mở nhiều cuộc càn quét xung quanh thành phố để khủng bố nhân dân, phá cơ sở, gây tâm lý cầu an, dụ dỗ, thúc ép dân hồi cư và đẩy lực lượng ta ra ngoài. Bọn phản động địa phương, nhất là bọn đội lốt Thiên Chúa giáo và một số địa chủ cường hào ngóc đầu dậy, đứng ra lập tề dõng, bắt dân nộp tô cho địch xây đồn bốt. Từ tháng 4 đến tháng 6-1947, chúng đã đóng thêm một số vị trí ngoài thành phố như Đò Quan, Vạn Diệp (Nam Phong, Nam Trực), Đệ Nhất (Mỹ Trung), Bảo Long (Mỹ Hà), Lê Xá (Mỹ Thịnh) thuộc huyện Mỹ Lộc và Xuân Mai (Bình Lục, Hà Nam). Cũng trong thời gian này địch còn tổ chức một số trận đánh ra vùng tự do (giới hạn trong phạm vi 15 km) để khủng bố tinh thần nhân dân, cướp phá lương thực, trâu bò và để quét lực lượng của ta, nhưng đều bị ta đánh trả đích đáng, chúng buộc phải rút quân về như các trận chợ Dần (Vụ Bản) ngày 31-3-1947, trận Lê Xá (Mỹ Thịnh, Mỹ Lộc), núi Găm (Vụ Bản) ngày 2-5-1947.

Ụ cản xe cơ giới của địch ở xã Tứ Mỹ, huyện Ý Yên.
Ụ cản xe cơ giới của địch ở xã Tứ Mỹ, huyện Ý Yên.

    Để ngăn chặn các cuộc hành quân càn quét của giặc, quân và dân ta tích cực chặn đánh, gây cho chúng nhiều thiệt hại, trong đó có nhiều trận chiến đấu gây tiếng vang lớn như trận Đại Đê (Vụ Bản) ngày 1-6-1947, trận Quang Sán (Mỹ Lộc) tháng 7-1947.

    Trong trận Đại Đê, địch tập trung hai đại đội có pháo binh yểm trợ, từ phía đường 10, đường 12 chia nhiều mũi tiến công vào một thôn nhỏ Đại Đê (Đại An, Vụ Bản). Tại đây ta có một trung đội thuộc Đại đội 15 (Trung đoàn 34) cùng du kích và nhân dân đã đào đắp nhiều hầm hố, giao thông hào và gài mìn chiến đấu. Từ 8 giờ sáng ngày 1-6, địch nã pháo dồn dập, sau đó tổ chức nhiều đợt tiến công song đều bị đánh bật ra khỏi làng. Cuộc chiến đấu giằng co tới chiều. Đại đội 15 điều một trung đội có một khẩu trung liên đến chi viện. Được tăng cường lực lượng, ta bất ngờ tiến công địch rồi rút về căn cứ an toàn, diệt và làm bị thương hơn 100 tên địch. Mãi tới sáng hôm sau địch mới dám vào làng, lùa hơn 100 dân làng ra đình tra tấn và xả đạn giết chết 27 cụ cao tuổi nhất để trả thù.

    Tại Quang Sán, Đại đội 37 (tức Đại đội 15) do đồng chí Trần Văn Nghiêm làm đại đội trưởng, đồng chí Hoàng Cao là chính trị viên đã vận động 3 km từ Bảo Long (Mỹ Lộc) đến tập kích một trung đội địch từ thành phố Nam Định đang tiến vào làng. Quân ta chia làm ba mũi, bất ngờ tiến công vào đội hình địch, làm nhiều tên chết ngay tại chỗ. Địch bị đẩy ra khỏi làng. Ta truy kích, diệt 22 tên địch, bắt sống 5 tên, thu 3 trung liên, trên 20 súng trường, súng lục và 1 máy bộ đàm. Liên lạc viên Lê Văn Thực 13 tuổi đã dùng lựu đạn doạ và bắt sống một lính người Phi to lớn, thu một cácbin. Hành động dũng cảm đó đã được Hồ Chủ tịch gửi thư khen.

    Sau trận này, đồng chí Vương Thừa Vũ - Khu phó khu II đã xuống Trung đoàn nghe báo cáo diễn biến trận đánh và kết luận: "Đây là trận tiêu diệt chiến kiểu mẫu ở Bắc Bộ".

    Song song với hoạt động lấn chiếm, mở rộng vành đai thành phố, thực dân Pháp còn tiến hành lập bộ máy cai trị để đàn áp nhân dân. Bên cạnh Toà đại sứ chúng thành lập các toà Đốc lý, Sở cẩm, sở mật thám Liên bang (phụ trách bốn tỉnh Hà - Nam - Ninh - Thái), kho bạc, công chính. Chúng còn tăng cường tuyên truyền lôi kéo nhân dân hồi cư. Đến hết tháng 9-1947, số dân trong thành phố Nam Định đã có khoảng 1.000 người và 870 Hoa kiều. Ngày 11-9-1947, chúng mở lại chợ Rồng nhưng việc mua bán còn lẻ tẻ thưa thớt.

    Trước tình hình đó, căn cứ vào các nhiệm vụ cần kíp trước mắt về quân sự, chính trị, dân vận và công tác xây dựng Đảng do Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ hai (họp từ ngày 3 đến ngày 6-4-1947) đề ra, Tỉnh uỷ đã xác định trách nhiệm của toàn Đảng bộ và nhân dân Nam Định, nhằm đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thu nhiều thắng lợi hơn nữa. Nội dung cơ bản là:

- Phát triển chiến tranh du kích, kiềm chế tiêu hao địch, chống địch lấn chiếm, phục hồi cơ sở vùng địch hậu.

- Mở rộng khối đoàn kết toàn dân, tranh thủ giáo dân, trấn áp bọn phản cách mạng.

- Ra sức xây dựng cơ quan quân sự và lực lượng vũ trang địa phương.

- Xây dựng hậu phương, quan tâm đến đời sống quần chúng, đẩy mạnh sản xuất, thực hiện nền kinh tế tự cấp tự túc.

- Ra sức phát triển Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trên mọi lĩnh vực công tác.

    Để thích ứng với hoàn cảnh chiến tranh và sự cần thiết cho chỉ đạo kháng chiến, thi hành chỉ thị của trên, Tỉnh uỷ Nam Định quyết định cắt năm xã: Mỹ Hào, Mỹ Toàn, Mỹ An, Mỹ Lộc, Mỹ Đồng của huyện Mỹ Lộc ở bên kia sông Đào sáp nhập vào huyện Nam Trực; tám xã phía tây bắc của huyện Mỹ Lộc sáp nhập vào huyện Vụ Bản. Số xã còn lại của huyện Mỹ Lộc sáp nhập với thành phố Nam Định và đổi tên là huyện Thành Mỹ; đồng thời hợp nhất uỷ ban kháng chiến với uỷ ban hành chính thành uỷ ban kháng chiến hành chính.

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com