Phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước (Kỳ 2)

07:11, 25/11/2014

[links()]

    Mặc dù phát xít Nhật cố dốc sức lực để đàn áp phong trào cách mạng, song thực tế diễn ra đúng như nhận định của Thường vụ Trung ương Đảng: "Cuộc đảo chính Nhật - Pháp đã dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc". Trong khi chính quyền Pháp tan rã hoàn toàn thì chính quyền Nhật chưa đi vào ổn định. Bọn tay sai đang bàng hoàng trước cảnh thay thầy đổi chủ quá đột ngột, còn nhân dân lao động, nhất là công nhân và nông dân sống ngột ngạt, bần cùng dưới ách áp bức của Nhật lại hết sức phẫn uất, sẵn sàng vùng lên lật đổ bọn phát xít và tay sai. Nhiều nơi, quần chúng đã phá huỷ tài sản của Nhật như đốt kho xăng dầu ở bến đò Chè (thành phố Nam Định), đốt kho đay ở làng Gạo (Vụ Bản). Một số viên chức, trí thức lúc đầu bị đánh lừa bởi những trò hề bịp bợm qua thực tế đã thức tỉnh và nhận rõ chân tướng của giặc.

Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam)  thành lập ngày 22/12/1944. (Ảnh tư liệu: TTXVN)
Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) thành lập ngày 22/12/1944. 

    Nhật cùng cái thây ma chính trị do chúng dựng lên chỉ là một số ít những kẻ có nợ máu với cách mạng, quyền lợi hiện đang gắn bó với bọn xâm lược, rắp tâm cộng tác với kẻ thù của dân tộc.

    Mặc dù chưa liên lạc được với Trung ương và chưa có sự chỉ đạo thống nhất trong toàn tỉnh, nhưng nhiều đảng viên ở cơ sở đã biết đón thời cơ, chủ động đẩy mạnh các hoạt động, đưa phong trào tiến thêm một bước. Nhiều đồng chí sau khi thoát khỏi nhà tù đế quốc, chưa bắt được liên lạc đã đi lần tìm, móc nối với nhau để hoạt động. Việc các đồng chí trở về tham gia đội ngũ cách mạng đã đáp ứng kịp thời yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong tình thế hết sức cấp bách lúc bấy giờ.

    Tháng 4-1945, cơ quan lãnh đạo Tỉnh uỷ được Xứ uỷ bổ sung thêm một số đồng chí nhờ đó Ban cán sự được kiện toàn gồm đồng chí Tùng Giang, Trung Dụy, Phạm Ngọc Hồ do đồng chí Tùng Giang làm Trưởng ban. Trong cuộc họp đầu tiên, Ban cán sự đã bàn và phân công phụ trách phong trào ở các địa bàn, tìm cách chắp nối, phục hồi các cơ sở cách mạng, nhất là phong trào ở các huyện phía nam tỉnh như Trực Ninh, Nam Trực, Xuân Trường. Để chỉ đạo sát đúng phong trào địa phương, Xứ uỷ cử đồng chí Hà Kế Tấn (Xứ uỷ viên) trực tiếp phụ trách phong trào cách mạng Nam Định và Hà Nam. Tháng 5-1945, đồng chí Hà Kế Tấn về Nam Định, triệu tập Hội nghị Ban cán sự tại Quần Liêu (Nghĩa Hưng). Tại Hội nghị này, Ban cán sự tỉnh được Xứ uỷ chính thức công nhận do đồng chí Phạm Ngọc Hồ làm Trưởng ban.

    Sau khi nghiên cứu Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta và thống nhất nhận định phong trào cách mạng địa phương lúc này có nhiều điều kiện khách quan thuận lợi, kẻ địch đang trong tình trạng khủng hoảng sâu sắc. Nhân dân, đặc biệt là quần chúng lao động đang sục sôi căm thù phát xít Nhật và mong chờ cách mạng. Tuy nhiên, nạn đói cũng đang gây nhiều khó khăn cho hoạt động của quần chúng. Hội nghị cũng thảo luận khắc phục những tư tưởng hữu khuynh, không dám hoạt động mạnh, sợ địch tiếp tục khủng bố và tư tưởng thiếu tin tưởng vào quần chúng đang trong cơn đói rách. Hội nghị quyết định nhiệm vụ lúc này là phải đi sâu vào quần chúng, nhanh chóng phát triển lực lượng, phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước, đón thời cơ khởi nghĩa và đề ra một số việc cần kíp:

    1-    Phát động mạnh mẽ cao trào kháng Nhật,cứu nước.

    2-    Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, vạch trần luận điệu lừa bịp của Nhật, tố cáo tội ác của chúng, kêu gọi nhân dân vùng dậy đánh đuổi giặc Nhật, giành độc lập thật sự cho dân tộc.

    3-    Khẩn trương tiến hành vũ trang cho quần chúng cách mạng, xây dựng tự vệ chiến đấu, sắm sửa vũ khí, luyện tập quân sự.

    4-   Thành lập đội vũ trang tuyên truyền và tập trung lãnh đạo về nông thôn.

    5-   Phân công các uỷ viên Ban cán sự tỉnh phụ trách phong trào.

    Tuy Hội nghị Quần Liêu chưa chú ý một cách toàn diện đến công tác xây dựng Đảng, chưa gắn được khẩu hiệu đấu tranh kinh tế với đấu tranh chính trị, chưa đặt được vấn đề giải quyết nạn đói cho dân, nhưng Hội nghị Quần Liêu đã đánh dấu một bước quan trọng trong việc thực hiện những chủ trương, đường lối của Đảng vào hoàn cảnh cụ thể ở địa phương, đề ra được chủ trương và phương thức hoạt động thích hợp trong điều kiện tiền khởi nghĩa. Đặc biệt chủ trương tăng cường chỉ đạo, đẩy mạnh phong trào ở nông thôn đã khắc phục được những thiếu sót trước đây, tạo thế và chỗ đứng vững chắc để có thể phát triển toàn diện phong trào cách mạng trong tỉnh.

    Giữa lúc tình thế xoay chuyển nhanh chóng, có lợi cho cách mạng thì phong trào cách mạng ở Nam Định lại được tăng cường thêm lực lượng. Nhiều cán bộ, đảng viên vừa thoát khỏi nhà tù đế quốc vừa về tới địa phương đã kịp thời nắm bắt tình hình và chủ trương của Đảng đã lao ngay vào hoạt động bất chấp sự theo dõi, khống chế của kẻ thù. Đây thực sự là lực lượng quý báu, bởi các đồng chí đã qua nhiều lần tù đày, được rèn luyện về lý luận cách mạng và thực tế đấu tranh, có nhiều kinh nghiệm hoạt động, nên hết sức nhạy bén và hành động kịp thời.

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com