Vững vàng trong khủng bố, khôi phục lại phong trào (Kỳ 3)

06:11, 11/11/2014

[links()]

    Trong hoàn cảnh Đảng phải rút vào hoạt động bí mật, một số đảng viên và quần chúng cách mạng dao động, nhất là sau đợt khủng bố ngày 29-9-1939, Đảng bộ đã có nhiều biện pháp giáo dục, nói chuyện thời sự, tiếp tục in và phát hành rộng rãi báo Tiến lên, tổ chức các lớp huấn luyện ngắn ngày về tình hình, nhiệm vụ và kinh nghiệm hoạt động bí mật tại Lạc Nghiệp (Xuân Trường) và Hào Kiệt (Vụ Bản). Một số tài liệu giải thích về tình hình thời sự thế giới, về âm mưu gây chiến của đế quốc, Hiệp ước Xô - Đức, chiến tranh Xô - Phần, liên minh Quốc - Cộng ở Trung Quốc... cũng được in và phổ biến. Ngoài ra, trong các buổi sinh hoạt của quần chúng, các đồng chí đã khéo léo phổ biến đường lối của Đảng, lấy tình hình hiện tại để phát động ý chí căm thù giặc của quần chúng.

    Sự chuyển hướng về tổ chức và sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ đã vực được phong trào sau đợt khủng bố tràn lan của kẻ thù. Hoạt động của các tổ chức quần chúng được duy trì, mở rộng. Các cấp uỷ cơ sở còn kịp thời phát hiện, uốn nắn những khuynh hướng tư tưởng sai lệch, bồi dưỡng ý chí cách mạng cho đảng viên và quần chúng.

    Phong trào toàn tỉnh đã rút vào bí mật và hoạt động có hiệu quả đang tạo đà cho phong trào tiến lên. Nhưng do còn thiếu kinh nghiệm về công tác bí mật nên vẫn để cơ quan Tỉnh uỷ đóng tại nhà số 3 ngõ Nam Xuyên (thành phố Nam Định), hoạt động lại lộ liễu, chủ quan, với nhiều cuộc hội họp đông đúc nên mật thám đã phát hiện ra cơ sở này. Chiều 21-4-1940, đúng lúc một số báo chí cách mạng vừa được chuyển tới cơ quan Tỉnh uỷ, mật thám ập vào bắt các cán bộ chủ chốt, trong đó có cả Bí thư Tỉnh uỷ và đồng chí phụ trách Đoàn Thanh niên Phản đế cùng toàn bộ tài liệu chưa kịp thủ tiêu. Địch khai thác được tình hình, ngay đêm ấy, chúng mai phục bắt tiếp đồng chí Tỉnh uỷ viên cuối cùng và sáng hôm sau kéo về vây bắt cơ quan in báo Tiến lên ở Thọ Vực, thu máy chữ, phương tiện in thạch và nhiều báo chí, tài liệu. Đồng chí Ngô Duy Phớn (Bí thư Liên Tỉnh uỷ C), Vũ Đức Mậu cùng một số đảng viên bị bắt tại chỗ. Địch đã dùng cực hình tra tấn dã man kết hợp với mua chuộc, ly gián để khai thác tổ chức cách mạng.

Giải phóng bốt Vô Tình, huyện Trực Ninh, năm 1952
Giải phóng bốt Vô Tình, huyện Trực Ninh, năm 1952

    Suốt nửa cuối năm 1940, các cuộc bắt bớ, vây ráp diễn ra liên miên ở Nam Định và cả các tỉnh trong Liên Tỉnh uỷ C. Đảng bộ Nam Định bị tổn thất nặng nề nhất, trên 80 người bị bắt (49 người bị đưa ra Toà Nam án xét xử với mức án tù từ 5 năm đến khổ sai chung thân). Riêng tại Lạc Nghiệp, địch cho binh lính vây ráp, bắt đi 17 đảng viên và quần chúng trung kiên. Sau khi Pháp đầu hàng phát xít Đức chúng lại tiếp tục bắt thêm hơn mười đảng viên, phần lớn là những đồng chí chưa bắt liên lạc được với tổ chức, đưa đi an trí.

    Những vụ khủng bố lớn kéo dài trên đã gây tổn thất nặng nề cho phong trào cách mạng Nam Định. Toàn ban lãnh đạo Tỉnh uỷ và hầu hết cán bộ, đảng viên bị bắt. Cả tỉnh chỉ còn Chi bộ Hà Cát và một số đảng viên quần chúng cách mạng ở thành phố Nam Định và Lạc Nghiệp (Xuân Trường). Các tổ chức quần chúng không có cán bộ lãnh đạo cũng tan vỡ dần. Phong trào cách mạng Nam Định tuy lắng xuống nhưng ngọn lửa cách mạng vẫn âm ỉ cháy trong lòng nhân dân, không một kẻ thù nào có thể dập tắt được.

    Tháng 9-1940, Nhật nhảy vào chiếm Đông Dương. Những tiếng súng vũ trang khởi nghĩa ở Bắc Sơn, Nam Kỳ vọng về đã thúc giục tinh thần yêu nước và cách mạng của quần chúng, báo hiệu một cao trào mới đang dâng lên trong phạm vi toàn quốc.

    Ở thành phố Nam Định, truyền đơn và áp phích chống chiến tranh, phản đốì tư bản đuổi thợ lại xuất hiện. Một số quần chúng cách mạng tự động tập hợp nhau dưới hình thức các nhóm học nghề, học văn hoá, bí mật nghiên cứu sách báo cách mạng, giữ liên lạc với nhau, tạo điều kiện tìm cách bắt mối với Đảng. Cờ Đảng lại tung bay trên cây gạo Trình Xuyên (Vụ Bản). Chi bộ Hà Cát (Giao Thuỷ) chủ động liên hệ với Đảng bộ Thái Bình để hoạt động, mở rộng cơ sở sang cả vùng Định Hải giáp Thái Bình; khôn khéo lãnh đạo nông dân đấu tranh đòi 50 mẫu ruộng bị địa chủ bao chiếm ở Hành Thiện. Chi bộ còn xây dựng đội tự vệ bán vũ trang, luyện đao kiếm, tập quân sự dưới hình thức học võ, chuẩn bị từng bước đưa phong trào cách mạng tiến lên. Vùng Nhuộng, Tiêu Bảng, Văn Xá (bắc Ý Yên) do được sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ Hà Nam đã lập được chi bộ Đảng. Khu vực phía nam Ý Yên, các đảng viên còn lại đã liên hệ bắt mối được với đồng chí Trần Trọng Hợp - cán bộ của tỉnh dạy học tại La Ngạn. Được sự chỉ dẫn, các đảng viên đã mau chóng phục hồi các cơ sở cách mạng ở Thanh Cầu, Thức Vụ, Đống Cao, Vụ Sài, Lương Xá và củng cố thêm được một chi bộ nữa. Các chi bộ ở Ý Yên, Nghĩa Hưng đã tiến hành tập hợp lực lượng quần chúng, xây dựng các đoàn thể như Thanh niên Phản đế, Thanh niên Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc tại các địa phương Ngòi, Nhuộng, Phú Khê. Trên cơ sở các tổ chức quần chúng được phục hồi và phát triển, các chi bộ tổ chức huấn luyện Chương trình Việt Minh, tuyên truyền tài liệu, sách báo bí mật như báo Cứu quốc, Độc lập, Bắc Sơn khởi nghĩa. Nhờ đó phong trào và các cơ sở chính trị được củng cố chắc chắn. Khu vực bắc Ý Yên trở thành cơ sở an toàn của Tỉnh uỷ Hà Nam.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com