Vững vàng trong khủng bố, khôi phục lại phong trào (Kỳ 2)

04:11, 06/11/2014

[links()]

(Tiếp theo kỳ 1)

   Nhằm hoạch định phương hướng lãnh đạo phong trào cách mạng cả nước trong tình hình mới, đầu tháng 11-1939, Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 6, xác định bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không còn con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm vô luận da trắng hay da vàng; nhấn mạnh nhiệm vụ giải phóng dân tộc, coi đó là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Đông Dương trong thời kỳ chiến tranh; chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, tạm thời rút khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, trong lúc này chỉ chủ trương tịch ký ruộng đất của những địa chủ phản bội quyền lợi dân tộc, thay khẩu hiệu chính quyền công nông bằng khẩu hiệu Chính phủ Cộng hoà Dân chủ Đông Dương nhằm đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các dân tộc Đông Dương và chĩa mũi nhọn của cách mạng vào kẻ thù dân tộc là chủ nghĩa đế quốc phát xít.

    Quán triệt tinh thần Nghị quyết Trung ương lần thứ 6, Tỉnh uỷ Nam Định đã có những biện pháp gấp rút chỉ đạo chuyển hướng hoạt động, phát triển thực lực cách mạng. Tháng 11-1939, trên cơ sở các tổ chức bí mật vẫn còn được bảo toàn, Ban Tỉnh uỷ đã kiện toàn gồm các đồng chí Ngô Văn Quỳnh, Phạm Văn Ty do đồng chí Nguyễn Văn Dương làm Bí thư Tỉnh uỷ kiêm phụ trách cả Liên Tỉnh uỷ C.

    Dựa vào chủ trương của Trung ương, Tỉnh uỷ đã họp bàn quyết định ba nhiệm vụ trước mắt là:

    - Củng cố các cơ sở Đảng, tiếp tục duy trì các hội quần chúng rộng rãi chưa bị lộ, chọn một số phần tử trung kiên lập Hội Phản đế, tổ chức thêm các hội quần chúng khác.

    - Xúc tiến việc tuyên truyền, giáo dục về tình hình nhiệm vụ mới cho toàn Đảng bộ, nâng cao tinh thần quyết tâm chống đế quốc, giải phóng dân tộc.

    - Lãnh đạo quần chúng đấu tranh đòi những quyền lợi thiết thực.

Đội du kích Hồng Phong, huyện Nghĩa Hưng trong kháng chiến chống Pháp (1945 -1954)
Đội du kích Hồng Phong, huyện Nghĩa Hưng
trong kháng chiến chống Pháp (1945 -1954)

    Nhờ kiện toàn được Ban Tỉnh uỷ và có sự chỉ đạo kịp thời, phong trào cách mạng Nam Định qua đợt khủng bố ác liệt đã bắt đầu có bước chuyển biến. Công tác xây dựng Đảng được chú ý, các chi bộ cơ sở được củng cố. Những cán bộ trước đây hoạt động công khai hoặc bán công khai chưa bị lộ được rút vào hoạt động bí mật. Trên 20 đảng viên hoạt động được chắp mối liên lạc và sinh hoạt trong bảy chi bộ cơ sở: thợ máy sợi, bồi bếp (thành phố Nam Định), Địch Lễ (Nam Trực), Hào Kiệt (Vụ Bản), Lạc Nghiệp, Trà Lũ, Thọ Vực (Xuân Trường), Hà Cát (Giao Thuỷ). Số đảng viên này hầu hết là công nhân, nông dân lao động được giác ngộ trong thời kỳ Mặt trận dân chủ nên hăng hái hoạt động, tuy chưa được rèn luyện và chưa có nhiều kinh nghiệm hoạt động bí mật. Một số đảng viên hoạt động công khai thời kỳ Mặt trận dân chủ, Đảng bộ chủ trương tạm thời chưa bắt liên lạc để tránh sự theo dõi của kẻ thù. Những đảng viên bị lộ đều được điều chuyển đi nơi khác. Các tổ chức quần chúng biến tướng như hội âm nhạc, hội tương tế, hội hiếu hỷ ở Mỹ Trọng (Mỹ Lộc), Đông An, Cát Xuyên (Xuân Trường) cũng chuyển phương thức hoạt động. Những binh lính yêu nước được nhân mối của ta giác ngộ cách mạng và đưa vào tổ chức quần chúng trong trại lính khố đỏ được xây dựng dưới hình thức nhóm chơi họ, nhóm đọc báo. Tại thành phố Nam Định còn lập ra các hội tương tế thợ nề, thợ sơn, thợ máy sợi.

    Trong điều kiện hoạt động mới vô cùng khó khăn, để tạo chỗ dựa vững chắc cho phong trào quần chúng, đầu năm 1940, Đảng bộ Nam Định đã thành lập Đoàn Thanh niên Phản đế gồm 15 người, trên cơ sở lựa chọn các đoàn viên Thanh niên Dân chủ là học sinh ở thành phố, các hội viên tích cực trong các tổ chức quần chúng ở Nam Trực chuyển sang. Tổ chức Đoàn Thanh niên Phản đế đề ra phương thức hoạt động chặt chẽ, phù hợp với tình hình, đặc biệt là nguyên tắc hoạt động bí mật, quan hệ công tác.

    Trên cơ sở củng cố tổ chức, xây dựng phong trào, Đảng bộ đã tạo được điều kiện thuận lợi tổ chức các hoạt động phù hợp, tuyên truyền rộng rãi trong quần chúng cách mạng, treo cờ Đảng, phát tán truyền đơn ở những nơi trọng yếu như thành phố Nam Định, đồn binh Lạc Quần, đồn đoan Ngô Đồng, phủ lỵ Xuân Trường kêu gọi quần chúng đấu tranh chống tăng giờ làm, chống khủng bố, bắt phu, bắt lính và sung công tài sản. Tại Địch Lễ (Nam Trực), Chi bộ Đảng đã lãnh đạo quần chúng nông dân đòi chia lại ruộng công ở Đông An, đấu tranh chống hà lạm của công, lấy chữ ký đòi đổi tên Thừa phái phủ Xuân Trường khét tiếng độc ác và tham nhũng đi nơi khác, đòi bọn cưòng hào phải trả lại 66 mẫu ruộng ở bãi tân bồi. Chính quyền địa phương đã phải nhượng bộ nhân dân trước những yêu sách chính đáng đó.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com