Vững vàng trong khủng bố, khôi phục lại phong trào (Kỳ 6)

02:11, 19/11/2014

[links()]

    Trên cơ sở phong trào quần chúng phát triển mạnh, chi bộ Đảng ở Tiêu Bảng, Nhuộng đã lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống nộp thóc hợp đồng. Trong năm 1944, nhân dân ở đây không ai chịu nộp một hạt thóc. Tri huyện Ý Yên phải đưa lính về đốc thúc. Dưới sự chỉ đạo của chi bộ, quần chúng đã dùng đòn càn, gậy gộc để chống trả, buộc chúng phải rút lui.

    Tiếp sau đó là cuộc đấu tranh của hàng trăm quần chúng biểu tình lên huyện đòi bán diêm, muối cho dân theo giá quy định, đủ định suất.

    Ở Hoành Nha (Giao Thuỷ), Hội tương thân đã đấu tranh với cường hào, lý dịch đòi cấp lại công điền và trước sức ép mạnh mẽ của quần chúng, ngày 4-7-1943 tri huyện Giao Thuỷ đã phải chủ trì cuộc rút thăm chia lại ruộng.

    Thông qua các đồng chí Đỗ Hàm và Bùi Đức Luân, chi bộ Lạc Nghiệp bắt liên lạc được với chi bộ Nguyệt Giám (Tiền Hải - Thái Bình) đã hoạt động trở lại. Chi bộ bí mật lập tổ Việt Minh và tự vệ bán vũ trang, tổ chức quyên tiền ủng hộ quỹ Việt Minh.

    Đến giữa năm 1944, đồng chí Tùng Giang bắt liên lạc được với đồng chí Phạm Rỵ ở Lạc Nghiệp, Vũ Đức Âu ở Hoành Nha để chuyển báo Cứu quốc, Cờ giải phóng về một số cơ sở Đảng ở Xuân Trường, Giao Thuỷ. Phong trào cách mạng ở Hoành Nha, Trà Trung, Đông An, Lạc Quần, Lạc Nghiệp, Tự Lạc, Hội Khê, Hà Lạn... trở lại hoạt động với tinh thần khẩn trương, sôi nổi.

    Tháng 7-1944, đồng chí Đức trong Ban cán sự tỉnh phải đổi đi nơi khác, Xứ uỷ cử đồng chí Nguyễn Danh Địch, cán bộ Nông vận của Xứ uỷ về bổ sung cho Ban cán sự Nam Định. Phong trào ở nông thôn càng được chú trọng đúng mức. Một loạt cơ sở cách mạng ở Nam Lạng, Sa Đê (Trực Ninh), Quần Phương (Hải Hậu), Hoành Nha (Giao Thuỷ), Trà Lũ (Xuân Trường), Mỹ Lộc được chắp nối. Ngoài ra Ban cán sự còn phát triển cơ sở sang làng Chanh (Hà Nam), Nội Lãng, Đại Đông, Hiệp Hoà (Thư Trì, Thái Bình).

    Tháng 8-1944, Ban Cán sự tỉnh bắt liên lạc được với tổ chức Việt Minh ở Hào Kiệt (Vụ Bản), xây dựng được hai tổ Thanh niên Cứu quốc làm nòng cốt cho việc kêu gọi nhân dân chống sưu cao, thuế nặng, chống Nhật bắt nhổ lúa trồng đay, thu thóc tạ. Tại xóm Mai (Trung Thành) tổ chức cứu quốc tổ chức rải truyền đơn tuyên truyền đường lối của Mặt trận Việt Minh, treo cờ đỏ sao vàng ở núi Gôi, nhà ga Trình Xuyên...

    Cũng từ giữa năm 1944, nhiều cơ sở cách mạng được xây dựng ở khu vực nông thôn Nam Định do nhiều nguồn và nhiều cách khác nhau. Cùng với sự xuất hiện của các tổ chức Công nhân Cứu quốc, lực lượng tự vệ trong công nhân cũng hình thành. Lúc đầu lực lượng tự vệ do những công nhân thất nghiệp sống ở ngoài nhà máy đã cùng với nông dân, nhân dân đường phố lập ra mà tiêu biểu là các đội tự vệ công nhân ở các thôn Mai Xá, Mỹ Trọng, An Duyên (Mỹ Lộc). Lại có nhiều công nhân, đảng viên lập nghiệp ở tỉnh ngoài trở về quê Nam Định, chủ động đứng ra tổ chức quần chúng rồi liên lạc với Ban Cán sự như Nam Lạng, Sa Đê (Trực Ninh), Quần Phương (Hải Hậu), Hoành Nha (Giao Thuỷ). Cũng có nơi như ở Xuân Trường, Mỹ Lộc được Ban cán sự chắp mối lại. Ngoài ra, một số vùng như Chanh (Lý Nhân, Hà Nam), Nội Lãng, Mỹ Lộc, Đại Đồng, Hiệp Hoà (Thư Trì, Thái Bình) được Ban Cán sự phát triển và xây dựng cơ sở cách mạng.

    Phong trào cách mạng Nam Định đang trên hướng phát triển thuận lợi thì địch lại tập trung khủng bố. Suốt sáu tháng cuối năm 1944, địch đã tổ chức năm lần vây ráp, chúng đã bắt được hai đồng chí uỷ viên Ban cán sự và trên 20 đảng viên, quần chúng cách mạng đưa đi cầm tù; chỉ còn đồng chí Tùng Giang nhưng cũng mất liên lạc với cấp trên. Cơ sở Đảng ở thành phố và cả ở Nhuộng cũng bị triệt phá.

    Một số Cơ sở ở thành phố và vùng nông thôn tuy còn tiếp tục hoạt động nhưng cũng chỉ đơn lẻ. Liên lạc giữa Xứ uỷ với Nam Định bị gián đoạn.

    Gần sáu năm (1939-1945), thực hiện sự chỉ đạo chuyển hướng chiến lược, tích cực tích luỹ, xây dựng lực lượng cho cách mạng là quá trình Đảng bộ và nhân dân Nam Định kiên cường đấu tranh chống những cuộc khủng bố diễn ra liên tiếp của địch. Có những đợt kéo dài hàng nửa năm trời khiến cho phong trào địa phương vô cùng khó khăn, gặp những tổn thất nặng nề. Gần hai trăm cán bộ, đảng viên bị bắt và cầm tù. Ba năm liền cơ quan lãnh đạo của Đảng bộ không xây dựng lại được. Nhưng với truyền thống yêu nước đã được rèn luyện qua nhiều thử thách, với lòng tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, vào cách mạng, mặc dù thiếu cấp uỷ lãnh đạo, một số đảng viên vẫn tự xây dựng cơ sở, giữ vững tinh thần, hướng dẫn quần chúng đấu tranh và lòng dân vẫn như bếp lửa than hồng hướng đợi luồng gió cách mạng. Nhờ vậy, từ khi Đảng bộ được khôi phục, phong trào đã nhanh chóng phát triển. Đặc biệt, nhiều cơ sở, địa phương bị chà đi xát lại nhiều lần nhưng vẫn đứng vững và trở thành cơ sở vững chắc của Xứ uỷ và Liên Tỉnh uỷ C.

    Từ mọi mưu đồ triệt phá của kẻ thù, Đảng bộ Nam Định đã đào luyện được đội ngũ cán bộ, đảng viên ưu tú, vững vàng về quan điểm lập trường cách mạng, trung thành vô hạn với lý tưởng của Đảng, luôn luôn chủ động sáng tạo, trong mọi tình huống, sẵn sàng hiến dâng thân mình cho mục tiêu giành độc lập, tự do cho dân tộc. Tinh thần chiến đấu, sự hy sinh lớn lao đó của những người cộng sản đã khiến kẻ thù phải kính nể, nhân dân ngưõng mộ, tin yêu, sẵn sàng đùm bọc, che chở và giúp đỡ cách mạng. Một đội ngũ cán bộ, đảng viên tận tuỵ, một lớp quần chúng trung kiên đã được thử thách, rèn luyện. Những nhân tố đó là tiền đề vật chất mà Đảng bộ đã dày công chuẩn bị trước khi bước vào cao trào cách mạng mạnh mẽ của cả dân tộc.

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com