Sáng mãi những chiến công

08:06, 30/06/2014

Ngày 1-7-1954, sau những năm tháng đấu tranh đầy cam go, quyết liệt với tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng, sự hy sinh to lớn của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và nhân dân, Thành phố Nam Định đã hoàn toàn được giải phóng. Chiến thắng đó mãi là biểu tượng của ý chí kiên cường, bất khuất; là chiến công của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, là sự mưu trí, sáng tạo, “biết đánh, quyết đánh và quyết thắng” của Đảng bộ, quân và dân thành phố.

Những chứng nhân lịch sử

Những ngày cuối tháng 6, các cựu chiến binh (CCB) Trung đoàn 46 có dịp gặp gỡ, cùng nhau ôn lại một thời “đoàn kết giương cao ngọn cờ cách mạng, anh dũng đứng lên tiến công tiêu diệt địch”, góp phần giải phóng Thành phố Nam Định. Các CCB đều đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng trong tâm thức và tình cảm của mình luôn in đậm kỷ niệm về những năm tháng chiến đấu gian khổ nhưng hào hùng, kiên cường, sẵn sàng hy sinh với tâm thế “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Nhớ về những năm tháng ấy, ông Vũ Hữu Pháo, 82 tuổi cho biết: Sau Chiến thắng Biên giới 1950, để phát triển lực lượng, đáp ứng yêu cầu chiến trường, Bộ Tổng Tư lệnh và Bộ Tư lệnh Liên khu III đã quyết định thành lập Trung đoàn 46 - đơn vị chủ lực của Liên khu III hoạt động trên vùng hữu ngạn sông Hồng (Sơn Tây, Hòa Bình, Hà Đông, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình). Ngày 29-4-1953, Trung đoàn tập kích đồn Vạn Bảo (TP Nam Định), tiêu diệt Trung tâm huấn luyện quân ngụy, xóa phiên hiệu Tiểu đoàn 116 của địch - là nơi địch huấn luyện quân bổ sung để thực hiện âm mưu “Dùng người Việt đánh người Việt”. Từ tháng 11-1953 đến tháng 2-1954, Trung đoàn đã tổ chức nhiều trận tập kích trên sông Đào, tiêu diệt các đoàn tàu vận tải tiếp tế của địch từ Thành phố Nam Định đi Phát Diệm (Ninh Bình) và các huyện phía nam tỉnh. Sau trận đánh này, Trung đoàn được mang tên Đoàn Sông Đào. CCB Nguyễn Vũ Tảo, Huy hiệu 55 tuổi Đảng, cho biết, là chiến sĩ Trung đoàn 46, mặc dù đã 60 năm trôi qua, song ông không bao giờ quên tấm lòng của nhân dân thành phố đã giúp đỡ, che chở, đùm bọc cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn và các lực lượng vũ trang vào làm nhiệm vụ vùng nội thành, nhất là trận đánh tiêu diệt Trường huấn luyện Vạn Bảo. Tại đây, địch bố trí 1 tiểu đoàn tân binh, một đại đội bảo vệ, 50 sĩ quan, quân số thường xuyên có hơn 1.000 tên. Đúng 23 giờ ngày 28-4-1953, các mũi tiến công của ta đồng loạt nổ súng, với sự chiến đấu mưu trí kiên cường, cùng với sự giúp đỡ của nhân dân chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng của ta đã chiếm được trường huấn luyện, bắt sống 503 tên địch, phá hủy 5 xe tăng, 4 xe thiết giáp, 17 ô tô, thu toàn bộ quân trang, quân dụng của địch.  

Năm 1954, giặc Pháp thất thủ ở Điện Biên Phủ. Trung đoàn 46 được giao nhiệm vụ trở về tiếp quản, bảo vệ an ninh trật tự vùng nội thành Nam Định, bảo đảm an toàn cho nhân dân, bảo vệ các cơ sở kinh tế quan trọng. Ngày 1-7-1954, từ các cửa ô vào thành phố, các mũi quân của Trung đoàn tiến thẳng vào thành phố với lá cờ Quyết chiến Quyết thắng. Thành phố Nam Định trở thành thành phố đầu tiên của miền Bắc được hoàn toàn giải phóng! Trong đêm đầu tiên tiếp quản, Trung đoàn nhanh chóng cử lực lượng vây bắt, ngăn chặn các hành vi phá hoại của địch, các khu sản xuất Nhà máy Nước, Nhà máy Điện, Nhà máy Dệt được bảo vệ an toàn, mọi hoạt động nhanh chóng trở lại bình thường. Đồng chí Nguyễn Mạnh Quân, Trung đoàn trưởng được cử làm Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố. Với ý thức kỷ luật cao, truyền thống, kinh nghiệm được tôi luyện tại chiến trường, Trung đoàn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tiếp quản, bảo vệ thành phố.

Đồng chí Trần Văn Chung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Nam Định gặp gỡ các CCB Trung đoàn 46 nhân kỷ niệm 60 năm Giải phóng thành phố.
Đồng chí Trần Văn Chung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Nam Định gặp gỡ các CCB Trung đoàn 46 nhân kỷ niệm 60 năm Giải phóng thành phố.

Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, để có được chiến thắng đó, là sự hy sinh cống hiến của bao thế hệ cán bộ, quân và dân thành phố, nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh hoặc hiến dâng một phần xương máu của mình để giải phóng quê hương. Ông Vũ Đức Chính, phường Bà Triệu (TP Nam Định) CCB Trung đoàn 46, bị tòa án quân sự của thực dân Pháp kết án tử hình vì thực hiện kế hoạch đánh bom tàu An-tin-đúp-phê. Năm nay, gần 90 tuổi, nhưng ông vẫn tinh anh, minh mẫn khi kể về những kỷ niệm trong những năm tháng đấu tranh chống thực dân Pháp gian khổ, hiểm nguy nhưng rất hào hùng. Năm 1949, trong khi đơn vị của ông đang làm nhiệm vụ bí mật khống chế các con đường, bao vây địch ở nhà băng thì bất ngờ bị giặc đánh úp. Ông và một số đồng đội rơi vào tay địch. Suốt 3 tháng bị giam cầm tra tấn, địch không khai thác được gì, chúng chuyển ông về nhà tù Máy Chai. Ở trong tù, ông tìm cách liên hệ với tổ chức bên ngoài. Ngày 27-5-1950, qua đường dây bí mật, ông nhận được Chỉ thị của Thành uỷ Nam Định: “Đồng chí tìm mọi cách xuống tàu địch tìm thời cơ phá huỷ phương tiện chiến tranh và sinh lực của chúng”. Đó là con tàu An-tin-đúp-phê chuyên trở quân trang, lương thực từ cảng Hải Phòng về chi viện cho đội quân xâm lược thực dân Pháp đóng ở Thái Bình và mặt trận ba tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình. Qua bọn lính, ông biết sáng 31-5-1950, tàu An-tin-đúp-phê sẽ nhổ neo, ông cùng đồng đội chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch. Song trận đánh bị lộ, ông Chính bị giặc bắt, đưa vào nhà tù Hoả Lò. Ngày 31-5-1951, toà án binh của thực dân Pháp ở miền Bắc tuyên án tử hình Vũ Đức Chính về tội danh “Âm mưu đánh tàu An-tin-đúp-phê, ngoan cố không chịu khai báo”. Khi nói lời cuối cùng, ông đanh thép: “Chúng tôi không có tội! Chúng tôi chiến đấu vì Tổ quốc, vì đồng bào và nhân dân mình. Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm! Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm…!”. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Thành uỷ Hà Nội, qua đường dây bí mật đến chi bộ nhà tù Hoả Lò, kế hoạch vượt ngục được thực hiện. Cuộc vượt ngục ở nhà tù Hoả Lò đêm ngày 24-12-1951 đã làm chấn động dư luận trong nước và chính giới Pháp khi đó. Đồng chí Vũ Đức Chính, cựu chiến sĩ Trung đoàn 46 là một trong mười lăm tử tù trốn thoát trở về tiếp tục sát cánh cùng đồng đội chiến đấu giải phóng quê hương.

Sáng mãi những chiến công

Sau Chiến dịch Đông - Xuân năm 1951-1952, tại Thành phố Nam Định cục diện chiến trường có bước thay đổi căn bản có lợi cho ta. Tuy nhiên, lực lượng của thực dân Pháp ở Thành phố Nam Định vẫn còn mạnh, địch điều về 18 tiểu đoàn, lập ra 10 đồn bốt, xây thêm 50 lô cốt, mở rộng sân bay; xây dựng trường đào tạo hạ sĩ quan, thành lập nhiều đội biệt kích và nhiều công trình quân sự khác để đánh phá các cơ sở cách mạng của ta, chúng tăng thêm lính Âu Phi, tuyển mộ ngụy binh, mở rộng mạng lưới tay sai đường phố, ngõ chợ và một số làng xã ngoại thành. Đầu năm 1954, địch gấp rút mở lớp đào tạo sĩ quan tại Thành phố Nam Định, mở các trận càn quét lớn ra ngoại thành giải tỏa các đầu mối giao thông, bắt người bổ sung vào lính, kiểm soát chặt chẽ việc ra, vào thành phố.

Để phá vỡ âm mưu "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt", lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo đẩy mạnh tác chiến tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch kết hợp đấu tranh chống bắt lính, vận động ngụy binh đào ngũ, tạo thế và lực mới, tiến lên giải phóng thành phố. Từ phương hướng chỉ đạo trên, các lực lượng nhanh chóng củng cố, chuẩn bị tiêu diệt một số đơn vị địch, đẩy mạnh đấu tranh trực tiếp với kẻ thù. Sau thất bại của địch ở Điện Biên Phủ, tinh thần sĩ quan, binh lính địch càng trở nên rệu rã, tâm lý hoang mang. Tin chiến thắng Điện Biên Phủ và các mặt trận trong cả nước đã cổ vũ mạnh mẽ quân và dân thành phố, khí thế quyết chiến, quyết thắng bừng lên ở khắp nơi. Cuối tháng 4-1953 bằng cách đánh nội công, lực lượng vũ trang thành phố đã tiêu diệt Đại đội 53 của địch, làm cho chúng thêm hoang mang, dao động. Những hoạt động đấu tranh chính trị và địch vận đã tiếp tục khoét sâu thêm chỗ yếu của địch, làm cho cơ quan đầu não của địch trong thành phố thất điên bát đảo, lâm vào bước đường cùng. Để cứu vãn đội quân viễn chinh ở Đông Dương khỏi bị tiêu diệt, từ giữa tháng 5-1954, quân Pháp quyết định rút quân khỏi nam đồng bằng Bắc Bộ và từng bước rút khỏi miền Bắc, trong đó có lực lượng tại Thành phố Nam Định. Sớm nhận biết âm mưu của chúng, lãnh đạo thành phố khẩn trương đẩy mạnh hoạt động đánh địch trên khắp địa bàn, nhằm làm suy sụp thêm tinh thần địch, ngăn cản việc tháo dỡ, vận chuyển máy móc của chủ tư bản Pháp, phá hoại các phương tiện chiến tranh của chúng. Thực hiện chủ trương của thành phố, các cơ sở Y tế, Bưu điện, Nhà máy Điện, Nhà máy Sợi đã vận động công nhân bãi công, biểu tình đấu tranh cùng với các lực lượng trong thành phố. Ngày 27-6-1954, một bộ phận quân báo của Thành đội đã đốt cháy kho xăm lốp và 2 xe quân sự của địch ở khu Máy Chiếu, làm cho tinh thần quân địch trong thành phố càng trở nên hoang mang. Đêm 29 rạng ngày 30-6-1954, quân địch ở thành phố đã rút phần lớn lực lượng bằng ô tô theo đường 21, đến 13 giờ ngày 1-7-1954, những tên lính Pháp cuối cùng đã rút khỏi thành phố, quân và dân Thành Nam hoàn toàn kiểm soát thành phố. Ngày 1-7-1954, nhân dân Thành Nam náo nức trong rừng cờ, hoa, đón mừng các đoàn quân chiến thắng trở về; một cuộc mít tinh lớn với đầy đủ các thành phần công nhân, nông dân, bộ đội, du kích, người cao tuổi, thanh, thiếu niên… được tổ chức trọng thể tại quảng trường, mừng thành phố hoàn toàn giải phóng.

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, nhân dân thành phố cùng lực lượng vũ trang đã đoàn kết, giương cao ngọn cờ cách mạng, anh dũng đứng lên tiến công tiêu diệt địch, trong đó đã đánh trên 200 trận lớn, nhỏ; tiêu diệt, bắt sống trên 7.000 tên địch, phá hủy nhiều xe tăng, xe quân sự, thu hàng nghìn súng các loại và nhiều trang bị, phương tiện chiến tranh của địch. Ngày 1-7-1954, Thành phố Nam Định là thành phố đầu tiên của miền Bắc được hoàn toàn giải phóng trước khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đánh dấu mốc son chói lọi vào lịch sử của Đảng bộ, quân và dân Thành Nam trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Ghi nhận những thành tích trong sản xuất và chiến đấu, năm 1978 thành phố vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; hơn 24 nghìn người con quê hương được tặng thưởng huân, huy chương các loại trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

1- Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân và lực lượng vũ trang thành phố đã chiến đấu trên 200 trận lớn nhỏ; tiêu diệt hơn 40 đồn bốt của địch, phá hủy nhiều xe tăng, xe quân sự, thu hàng nghìn súng các loại và nhiều trang bị, phương tiện chiến tranh của địch; tiêu diệt và bắt sống trên 7.000 tên địch. Ngày 1-7-1954, Thành phố Nam Định là thành phố đầu tiên của miền Bắc được giải phóng trước khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đánh dấu một mốc son lịch sử của Đảng bộ, quân và dân thành phố trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

2- Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, gần 2 vạn con em Thành Nam đã lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả. Lực lượng vũ trang và nhân dân thành phố đã bắn rơi 54 máy bay các loại, chi viện hàng chục vạn tấn lương thực, thực phẩm, hàng chục triệu mét vải cho miền Nam ruột thịt.

3- Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hơn 24 nghìn người được tặng thưởng huân chương, huy chương các loại; có 21.608 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó, 2.906 người đã anh dũng hy sinh, 2.662 người là thương, bệnh binh. Năm 1978, thành phố vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. 

4- Năm 1998, Thành phố Nam Định được công nhận là đô thị loại II. Năm 2011 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2106/QĐ-TTg công nhận Thành phố Nam Định là đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

5- Từ năm 2008 đến 2013, thành phố duy trì tốc độ phát triển kinh tế đạt bình quân trên 14%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Năm 2013 thu 1.313,2 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người là 39,450 triệu đồng/người tương đương 1.900 USD/người. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 theo tiêu chí mới toàn thành phố là 3,82% đến năm 2013 còn 3,1%.

6- Thành phố Nam Định phấn đấu đến năm 2015: Tổng sản phẩm GDP trên địa bàn tăng bình quân 13,5-14,5%/năm trở lên; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 24-25%/năm. Tổng giá trị xuất khẩu đến năm 2015 đạt 200-250 triệu USD; các ngành dịch vụ tăng 26-27%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt từ 40-45 triệu đồng/năm; thu ngân sách tăng bình quân 22-25%/năm. Thành phố đẩy mạnh thực hiện chương trình giảm nghèo, hằng năm giảm 15-20% số hộ nghèo; mỗi năm giải quyết việc làm cho 4.000-5.000 lao động, phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2015 đạt 80%./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com