Nam Định - Vùng đất, con người và truyền thống

05:06, 26/06/2014

[links()]

(Tiếp theo)

    Thế kỷ thứ XIX đã ghi nhận một bước phát triển đáng kể ở vùng đất Nam Định. Thủ phủ Nam Định được thiết lập trên cơ sở vùng kho lương Vỵ Hoàng trước đây. Thành Nam bắt đầu được xây dựng vào năm 1804. Thành được đắp bằng đất . Có thành thì có phố, địa chỉ, “đất hứa” được mở rộng. Dân chúng trong nội hạt và ngoại tỉnh tụ tập buôn bán, làm nghề đông đúc. Thành lại có sông Đào chảy qua rất thuận lợi thông thương trong Nam ngoài Bắc và cả với nước ngoài, cho nên Thành Nam dần dần trở thành một cảng sầm uất vào bậc nhất ở miền duyên hải Bắc Bộ (lúc ấy chưa có cảng Hải Phòng), và trở thành vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, quốc phòng và yết hầu của thành Hà Nội. Vì vậy, khi thực dân Pháp nuôi âm mưu đánh chiếm nước ta, chúng đã nhận định: “chiếm được thành Hà Nội và thành Nam Định tức là chiếm được Bắc Kỳ”

    Dưới triều Nguyễn, nhà nước đặt chức quan doanh điền sứ, tổ chức dân khai khẩn những vùng đất mới bồi đắp. Nguyễn Công Trứ là người điều khiển cuộc khai khẩn vùng biển Nam Định lập ra được hai tổng Ninh Nhất (nay là ba xã Hải An, Hải Toàn, Hải Phong huyện Hải Hậu) và Hoành Thu (nay là các xã Giao Thịnh, Giao Tân và một phần Giao Châu, huyện Giao Thủy). Doanh điền chánh sứ Nguyễn Chính và phó sứ Đỗ Tông Phát lập ra tổng Quế Hải (nay là các xã Hải Tân, Hải Quang và một phần xã Hải Đông, huyện Hải Hậu). Phạm Văn Nghị tổ chức khai thác vùng bờ biển Nghĩa Hưng lập ra tổng Sĩ Lâm (nay là các xã Nghĩa Hùng, Nghĩa Lâm).

    Qua hàng ngàn năm lịch sử, vấn đề trị thủy – khẩn hoang lấn biển đã trở thành thường trực tất yếu, một công việc có cả bề dầy kinh nghiệm của nhiều thế hệ cư dân Nam Định. Truyền thống trị thủy – khẩn hoang , quai đê, thau chua, rửa mặn giành lấy những vùng bãi ven biển không chỉ là cội rễ tự nhiên của tinh thần cố kết cộng đồng dân cư từng nhóm, từng dòng họ mà còn là cơ sở thiết yếu của việc mở rộng địa bàn cư trú, cải tạo đất canh tác, phát triển ngành nghề, đặc biệt là nghề trồng lúa nước, trồng cói, làm muối và đánh bắt thủy hải sản. Quá trình đấu tranh sinh tồn vượt qua thử thách khó khăn, người Nam Định đã tích lũy, đúc rút được nhiều kinh nghiệm cho sự mở mang miền đất lấn biển và làm cho vùng đất này ngày càng phồn thịnh.

    Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các đơn vị hành chính trong tỉnh thay đổi theo thời gian. Trong  kháng chiến chống Pháp, tỉnh Nam Định thuộc Liên khu III. Năm 1953, bảy xã phía bắc sông Đào thuộc huyện Nghĩa Hưng được cắt nhập vào huyện Ý Yên, đồng thời ba huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên nhập vào tỉnh Hà Nam, đến tháng 4-1956 lại cắt trả ba huyện trên về tỉnh Nam Định. Tháng 5-1956, tỉnh Nam Định hợp nhất với Hà Nam thành tỉnh Nam Hà. Giữa năm 1967, huyện Mỹ Lộc cắt về thành phố Nam Định tám xã, về huyện Bình Lục bảy xã.

    Ngày 22-12-1967, hai huyện Xuân Trường và Giao Thủy hợp nhất thành huyện Xuân Thủy. Ngày 26-3-1968, cắt các xã miền Trực bên hữu ngạn sông Ninh Cơ của huyện Trực Ninh vào huyện Hải Hậu và hợp nhất hai huyện Nam Trực và Trực Ninh thành huyện Nam Ninh. Năm 1975, Nam Hà nhập với Ninh Bình thành tỉnh Hà Nam Ninh. Năm 1991, tái lập tỉnh Ninh Bình và Nam Hà. Ngày 6-11-1996, tỉnh Nam Định được tái lập. Ngày 26-2-1997, các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Giao Thủy, Xuân Trường, Mỹ Lộc được tái lập. Tỉnh Nam Định bao gồm thành phố Nam Định và chín huyện như hiện nay.

Chùa Keo Hành Thiện (chùa Thần Quang) làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, xây dựng năm 1145, xây dựng lại năm 1588.
Chùa Keo Hành Thiện (chùa Thần Quang) làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, xây dựng năm 1145, xây dựng lại năm 1588. Ảnh: Internet.

    Với đặc điểm hình thành đất đai, vùng đất Nam Định thường xuyên chứa đựng cả những yếu tố thuận lợi và khó khăn. Song với xu hướng phát triển của lịch sử, con người luôn luôn tiến từ vùng núi cao xuống vùng đất thấp, từ vùng núi xuống đồng bằng. Những đợt di dân đó diễn ra hàng ngàn năm nay bất chấp sự đe dọa, thử thách của bão tố, ngập lụt, nắng hạn, sự giận dữ của trời biển . Dấu tích về sự có mặt của con người đến đây khai thác mà người ta mới tìm thấy ở núi Lê (Kim Thái, Vụ Bản) thuộc hậu kỳ đồ đá mới hoặc sơ kỳ đồ đồng, cách ngày nay khoảng 5000 năm. Ngoài việc thu lượm những sản vật sẵn có trong thiên nhiên, người nguyên thủy ở đây đã biết sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi.

    Theo các truyền thuyết, cổ tích, thần tích, thần phả, văn bia, thư tịch cổ còn lưu giữ ở Nam Định cho thấy, người Việt cổ đã di dân từ miền đất trung du xuống định cư ở vùng hạ lưu ven sông biển Nam Định ngay từ thời vua Hùng dựng nước Văn Lang. Những trống đồng, mũi tên đồng, nhíp gặt lúa, những mảnh gốm nung thô sơ tìm thấy ở Vụ Bản, Nam Trực, Ý Yên là dấu tích của người Lạc Việt sinh sống trên đất Nam Định.

    Trải qua những biến thiên của lịch sử, vùng đất này ngày càng hướng về phía đông - đông nam do phù sa bồi đắp và biển lùi ra xa, do đó, có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với người tứ xứ: xứ Bắc (Hà Bắc), xứ Đông (Hải Dương), xứ Đoài (Hà Tây), xứ Thanh (Thanh Hóa). Họ mang theo cả những tập quán sản xuất thành thục, những truyền thống văn hóa lâu đời đến vùng đất này và nhanh chóng hòa nhập với sự phát triển chung của nền văn minh Sông Hồng; đồng thời cũng chung đúc, hình thành nên cốt cách riêng của địa phương. Đến nay ở Nam Định có trên 50 dòng họ, chiếm 80% số họ của cả nước. Cư dân hầu hết là người Kinh. Tuy vậy trong lịch sử, đất Nam Định đã có người Mường sinh sống, sau đó cũng có một số ít người của các dân tộc khác đến cư trú, như thời Bắc thuộc có người Hán mà di tích là những ngôi mộ Hán cổ đã được khai quật. Trước năm 1945, thành phố Nam Định còn có Hoa kiều, Pháp kiều và Ấn kiều làm ăn sinh sống.

    Ngay từ thưở sơ khai mở đất dựng nghiệp, những người dân đến đây đã chiếm lĩnh khu đất cao làm nhà ở, quần tụ bên nhau để bảo vệ cuộc sống. Thời cổ làng được gọi là kẻ như Kẻ Giầy, Kẻ Kho, Kẻ Gạo... được phiên âm Hán Việt trong văn tự như Kẻ Sĩ thành Cổ Sư, Kẻ Hầu thành Hào Kiệt, Kẻ Kho thành Khố Thôn. Có nhiều làng có tên Nôm được chuyển thành Hán Việt như làng Sộp thành Động Phấn, làng Lúa thành Phong Cốc, làng Hè thành Hạ Xá, làng Môi thành Mai Xá, làng Găm thành Nghiêm Trang, làng Ngói thành Ngõa Thôn. Muộn hơn một chút và lui dần về phía nam, tên làng đều có chữ Cổ: Cổ Chử, Cổ Lung, Cổ Ra. Một số làng lại có từ An kèm theo như An Cự, An Thứ, An Lá, An Nhân... Trong nhân dân lưu truyền Thiên Bản lục An, Nam Chân thất Cổ (Thiên Bản có sáu làng An, Nam Chân có bảy làng Cổ). Tất cả chỉ rõ người Việt đã có nhiều đợt di cư từ đất trung du xuống miền hạ Nam Định. Ở đây có những xóm làng bố trí thành những dãy dài tỏa theo hình nan quạt trên các cồn cát. Tên gọi đứng đầu bằng chữ Quần – phản ánh bóng dáng xa xưa của các cồn cát duyên hải nhưng nay đã nằm sâu trong đất liền như : Chợ Cồn (Văn Lý), Cồn Vành, Cồn Tròn, và bị san phẳng đến mức không còn nhận ra hình dạng của cồn cát.

    Trải qua các triều đại phong kiến Việt Nam, những chính sách khuyến nông và cả những cuộc nội chiến kéo dài đã thúc đẩy quá trình khai hoang lấn biển diễn ra với nhịp độ nhanh hơn, lập nên nhiều vùng quê mới. Ruộng vườn cứ mở rộng mãi, con người càng sinh sôi phát triển và ý thức về cội nguồn, về cuộc sống lao động, chiến đấu ngày càng trở nên sâu sắc.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com