Đền Ngọc Chấn

07:06, 12/06/2014

    Đền Ngọc Chấn thuộc xã Yên Trị, cách trung tâm huyện Ý Yên khoảng hơn 10km về phía nam. Đứng trên đê sông Đáy nhìn xuống, đền Ngọc Chấn ẩn hòa dưới bóng cây cổ thụ trong một khuôn viên rộng thoáng đãng, xa khu dân cư và quay mặt hướng ra dòng sông Đáy.

    Đền Ngọc Chấn thờ danh tướng Đặng Dung, người có công giúp nhân dân trong vùng đắp đê chống lụt và tái lập làng xã. Vào đầu thế kỷ XV cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh do vương triều Hồ lãnh đạo đã bị thất bại. Trong lúc đó phong trào đấu tranh của nhân dân ta vẫn dấy lên mạnh mẽ, tiêu biểu nhất là khởi nghĩa do hai vị quý tộc nhà Trần là Trần Ngỗi, Trần Quý Khoáng lãnh đạo. Trên thực tế linh hồn của phong trào đó là hai cha con Đặng Tất và Đặng Dung. Tướng quân Đặng Dung quê ở Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Cha ông là Đặng Tất từng giữ chức Quốc công và là trụ cột của cuộc kháng chiến do Trần Ngỗi lãnh đạo (1407-1409). Khi thân phụ của mình bị sát hại, tướng Đặng Dung cùng Nguyễn Cảnh Dị tôn Trần Quý Khoáng làm minh chủ, tiếp tục lãnh đạo nhân dân chống lại quân Minh xâm lược. Đặng Dung là một vị tướng tài ba quả cảm và đầy khí tiết, đã từng chỉ huy binh sĩ đánh cho quân Minh những trận “thất điên bát đảo”. Ông không chỉ là một vị tướng tài ba quả cảm có công đánh giặc bảo vệ đất nước mà còn là người rất quan tâm đến đời sống nhân dân. Sử cũ và thần tích ở đền chép: “Vào tháng 7 năm Tân Mão (1441) nước sông Đáy lên cao khiến đê Kim Tống bị vỡ, nhà cửa ruộng vườn đều bị nước cuốn trôi. Tướng quân Đặng Dung đã chỉ huy quân sĩ đắp đê ngăn nước cứu dân, ông còn tổ chức cấp lương thực cho dân làng, khuyên mọi người giúp đỡ nhau trong tình cảm làng quê gần gũi”. Với công lao to lớn nên dân làng Ngọc Chấn đã lập sinh từ thờ Đặng Dung ngay khi ông còn sống để ghi nhớ công ơn. Sau khi tướng quân Đặng Dung qua đời, dân làng đã lập đền thờ phụng bày tỏ lòng thành kính ngưỡng vọng.

    Đền Ngọc Chấn xây dựng theo kiểu chữ đinhh gồm hai tòa tiền đường và cung cấm. Tòa tiền đường có 5 gian, là công trình mang đậm phong cách kiến trúc thời Nguyễn (thế kỷ XIX) với bộ mái phẳng phiu lợp ngói nam, bộ khung thiết kế kiểu giá chiêng kẻ chuyền, bẩy tiền bẩy hậu. Ba gian hậu cung xây cách tòa tiền đường qua một sân nhỏ theo phong cách tiền đao hậu đốc. Nét đặc biệt trong kiến trúc của tòa cung cấm là từ cột, xà, đấu, trụ đều được chế tác từ đá và nhấn tỉa cân đối, trang trí hoa văn một cách hài hòa, do vậy đã góp phần nâng cao giá trị nghệ thuật tạo hình cho công trình kiến trúc.

    Hàng năm vào tháng 3 âm lịch, dân làng Ngọc Chấn lại tưng bừng tổ chức lễ hội, đây là dịp để nhân dân tưởng nhớ lại công lao to lớn của tướng quân Đặng Dung trong việc đắp đê chống lụt bảo vệ mùa màng. Trong ngày hội làng diễn ra nhiều trò chơi nhưng nổi tiếng, có ý nghĩa nhất vẫn là cuộc thi bơi chải được chuẩn bị hết sức công phu. Toàn thôn Ngọc Chấn chia làm hai đội bơi, một của thôn Thượng, một của thôn Hạ - thuyền bơi được làm bằng gỗ dổi có chiều dài 15,5m rộng 1,20m phân thành 8 phách, tổng cộng có 19 người gồm 16 người bơi, một người chấp hiệu, một cầm lái, một tát nước. Đúng ngày chính kỵ (12 tháng 3 âm lịch) dân làng Ngọc Chấn cùng dân chài lưới khắp nơi kéo về bãi bơi dự hội. Trước khi vào thi tài, các giai hàng thuyền ăn mặc chỉnh tề, vai vác dầm bơi đi hàng đôi làm lễ thánh. Khi đã làm lễ xong, một hồi kèn nổi lên, hai thuyền bơi lao nhanh xuống dòng nước. Cuộc thi bơi chải tại đền không giống như các cuộc thi bơi khác, ngoài yêu cầu nhanh mạnh còn phải khéo léo, nếu có hiện tượng đắm thuyền thì thuyền đối phương phải chờ mọi người lên hết thuyền rồi tiếp tục đua. Trong cuộc đua dưới thuyền mọi người tập trung chú ý theo sự chỉ huy của ông lái, trên bờ người xem cổ vũ nồng nhiệt thúc đẩy sự quyết tâm của các tay bơi. Cứ như thế cuộc đua diễn ra trong  ba vòng, mỗi vòng 2km, kết thúc cuộc đua là lễ trao giải động viên tinh thần các đội bơi.

    Thi bơi chải trong lễ hội truyền thống tại đền Ngọc Chấn là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo mang nhiều ý nghĩa. Thông qua tổ chức thi bơi chải, dân làng có dịp tưởng nhớ công lao của tướng quân Đặng Dung, được hòa mình, tưởng nhớ một thời kỳ hào hùng chống giặc ngoại xâm, trân trọng những giá trị, thành quả mà cha ông để lại góp phần tích cực vào việc giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước. Lễ hội đền Ngọc Chấn sẽ mãi là nét đẹp văn hóa của một miền quê vùng đồng bằng sông Hồng.

Theo: Di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Nam Định

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com