Nam Định - Vùng đất, con người và truyền thống

06:06, 19/06/2014

 LTS: Nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin về lịch sử, truyền thống Đảng bộ tỉnh Nam Định của nhân dân trong tỉnh và những người con quê hương Nam Định hiện đang sinh sống, lao động, học tập ở khắp mọi miền Tổ quốc, nhân dịp kỷ niệm 89 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925/21-6-2014) Báo Nam Định điện tử lần lượt giới thiệu cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nam Định giai đoạn 1930-1975 và Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nam Định giai đoạn 1975-2005 trên trang chủ, trong chuyên mục "Đất nước con người". Mời  các bạn đón đọc.

    Nam Định là tỉnh duyên hải ở phía nam đồng bằng Bắc Bộ, phía đông nam là biển Đông, phía đông bắc giáp tỉnh Thái Bình, phía bắc và tây bắc giáp tỉnh Hà Nam, phía tây giáp tỉnh Ninh Bình. Nam Định có diện tích tự nhiên 1.671,5 km2, bằng 6,52% diện tích toàn quốc.

    Toàn tỉnh hiện nay có 10 đơn vị hành chính gồm thành phố Nam Định và 9 huyện, tính từ bắc xuống nam là Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, với 225 xã, phường, thị trấn.

    Nam Định là vùng đất nằm giữa hạ lưu hai con sông lớn của đồng bằng Bắc Bộ là sông Hồng và sông Đáy. Sông Hồng chảy vào Nam Định từa xã Mỹ Trung huyện Mỹ Lộc qua thành phố Nam Định và các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy rồi đổ ra biển Đông ở cửa Ba Lạt, tạo thành địa giới tự nhiên phía đông bắc giữa Nam Định với tỉnh Thái Bình. Sông Đáy chảy vào địa phận Nam Định từ xã Yên Phương, huyện Ý Yên qua huyện Nghĩa Hưng rồi đổ ra biển ở cửa Đáy, trở thành địa giới tự nhiên giữa Nam Định với Ninh Bình.

    Ngoài hai con sông lớn, trong tỉnh còn có những chi lưu của sông Hồng chảy sang sông Đáy hoặc đổ ra biển. Từ bắc xuống nam có sông Đào làm địa giới quy ước cho hai vùng nam bắc tỉnh, sông Ninh Cơ đổ ra cửa Lác (thường gọi là Gót Chàng), sông Sò (còn gọi là sông Ngô Đồng) đổ ra cửa Hà Lạn.

    Nam Định có bờ biển dài 72km từ cửa Ba Lạt đến cửa Đáy. Đây là vùng có tiềm năng kinh tế, là một trong những cửa ngõ của quốc gia, một phần phên dậu của đất nước và là vị trí tiền tiêu, khu vực biên phòng bờ biển của địa phương. Không những có bờ biển dài, tỉnh Nam Định lại có hệ thống giao thông đa dạng và thuận lợi: 6.898km đường bộ , 417km đường sông và đường biển, 42 km đường sắt chạy qua (từ ga Bình Lục về Nam Định qua Trình Xuyên, Gôi, Cát Đằng đi Ninh Bình), rất thuận tiện cho giao lưu và thông thương hai miền Nam - Bắc của đất nước và khu vực.

    Tuy nằm ở khu vực đồng bằng châu thổ, song khu phía bắc và tây bắc của tỉnh còn nhiều núi, đồi đất đá xen lẫn như Bảo Đài, Ngô Xá (còn gọi là Thương Sơn, Mai Sơn – Ý Yên), Côi Sơn (còn gọi là núi Gôi), Non Côi, Hổ Sơn, Kim Bảng nay là Kim Thái, Trang Nghiêm tức núi Ngăm (Vụ Bản)... Phần lớn những đồi núi này thường kề cận những dòng sông nhỏ chảy quanh tạo ra cảnh trí đẹp, hữu tình. Non Côi – sông Vị là những danh thắng của Nam Định mà cả nước nhiều người biết đến.

    Dưới chân các núi thường là những cánh đồng thoải dần. Các dải bãi phù sa ven sông Hồng, sông Đáy phần lớn là những dải võng, trũng sâu, mùa mưa ngập lụt, ngày xưa chỉ cấy được một vụ, thường được gọi là đồng chiêm nước đọng hay vùng chiêm trũng là do quá trình và hệ quả của sự cấu tạo địa hình đặc biệt ở đây. Hàng triệu năm trước, hầu hết vùng đất Nam Định còn chìm dưới biển. Do ảnh hưởng của sự chuyển động tạo sơn, nổi lên những dãy núi đá vôi chạy suốt từ Vân Nam (Trung Quốc)ra đến biển Đông và dãy núi đó liền một dải ở phía tây bắc Nam Định là vạt diềm ngoài của dải Trường Sơn... Sự chuyển động đã làm sụt lún phần còn lại và tạo thành những vùng võng. Tiếp đó là biển tiến rất mạnh đến sát vùng núi đá.

    Hàng triệu năm tiếp theo, một đợt chuyển động tạo sơn mới đã nâng ghềnh phía hạ lưu sông Hồng lên. Biển lùi dần và vùng châu thổ sông Hồng dần dần hình thành trong đó có vùng đất Nam Định. Cho đến bây giờ, phía chân các dãy núi đá vôi vẫn còn dấu vết những vệt đá bị sóng biển xô vào bào mòn theo từng đợt biển rút. Còn dưới chân các quả đồi, dải núi chơ vơ giữa đồng ruộng vẫn còn dấu tích các loài động vật, thực vật chỉ sống ở vùng biển như sò, ốc, hến, rong tảo đã hóa thạch. Đây là thời kỳ biển lùi còn tiếp diễn cho đến tận ngày nay. Có thể thấy rằng, đây là vùng đất được bồi đắp của sông Hồng từ triệu năm này đến triệu năm khác và con người đã đến chinh phục nơi đây qua biết bao thế hệ.

    So với lịch sử kiến tạo địa hình vùng châu thổ sông Hồng, thì Nam Định là một vùng đất tương đối trẻ, trừ một số núi, đồi đất đứng xen trên những cánh đồng của hai huyện Vụ Bản và Ý Yên.

    Địa hình Nam Định chia làm hai vùng tự nhiên. Phía bắc là vùng bị bào mòn, bồi tụ phù sa cổ, đất thấp, có những dải võng tạo thành địa hình ô trũng (Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc). Đất đai ở đây do bị ngập nước lâu ngày nên độ phì kém, độ PH cao, dần dần về sau được tiếp nhận phù sa của sông Hồng, sông Đáy nên màu đất thường nâu tươi, độ phì cao. Tuy nhiên, nằm sâu trong đất liền ở những huyện trên vẫn còn những lòng chảo trũng, do biển lùi nhanh, các núi đồi chung quanh và đê điều che chắn kín sóng, nước phù sa ít có dịp tràn vào cho nên những vùng đất này bị ngập úng triền miên, gây nhiều khó khăn, vất vả cho cư dân trước đây.

    Ở phía nam tỉnh kiến tạo địa hình khác với phía bắc, đất đai ở đây đều do phù sa sông Hồng và sông Đáy bồi đắp, hằng năm thường lấn ra biển hàng chục mét. Đất vùng này tương đối bằng phẳng , màu mỡ. Song để có thể nuôi sống con người, người dân nơi đây đã tiến hành công cuộc khai khẩn lấn biển qua nhiều thế hệ, đắp đê ngăn mặn, đào ngòi tiêu nước thau chua rửa mặn cải tạo đồng ruộng: “làm như Nam hạ bốc đất”, câu ngạn ngữ ấy chỉ khái quát được một phần nào hình ảnh người dân nơi đây và tình hình khẩn hoang ở vùng biển Nam Định xa xưa. Cuộc chiến đấu chinh phục và chiến thắng thiên nhiên ở vùng đất này là bản anh hùng ca của nhiều thế hệ con người. Vùng đất này ngày càng mở rộng bao nhiêu thì càng thu hút người nơi khác đến sinh cơ lập nghiệp bấy nhiêu. Họ đã hình thành một cộng đồng đòan kết, gắn bó keo sơn, hợp sức nhau lại giành giật với đất đai, trời biển những sản phẩm nuôi sống mình để tồn tại và phát triển. Sự đoàn kết này còn tạo thành và làm phong phú thêm nét đẹp truyền thống văn hóa làng xã bình dị nhưng giàu tính nhân văn.

                                                                               (Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com