Chế độ Ruộng đất ở Nam Định những năm đầu thế kỷ XIX

07:04, 17/04/2012

Vào đầu thế kỷ XIX tỷ lệ ruộng đất công tư trên toàn quốc là 82,92% (ruộng tư) và 17,08% (ruộng công). Cũng thời điểm đó, theo nhận xét của Phan Huy Chú, nước ta “... duy chỉ có trấn Sơn Nam Hạ là còn nhiều ruộng đất công, đất bãi công... Còn các xứ khác thì các hạng ruộng công không có mấy”. Sơn Nam Hạ (trong đó có Nam Định) “còn nhiều ruộng đất công, đất bãi công”, nhưng tác giả không cho biết cụ thể về tỷ lệ ruộng đất công tư ở đây.

Tại Nam Định, kết quả khảo sát địa bạ 100 xã, thôn thuộc 5 huyện Mỹ Lộc, Thượng Nguyên, Nam Chân, Thiên Bản, Vọng Doanh (tức khu vực phía bắc và đông bắc Nam Định ngày nay), tỷ lệ công điền chiếm 40,50% tổng diện tích, tư điền chiếm 35,83%, các loại ruộng đất khác chiếm 23,67%. Mặc dù chưa phải là những thống kê đầy đủ, nhưng qua các số liệu trên cũng đã khẳng định tính xác thực trong các nhận xét của Phan Huy Chú. Việc vùng Sơn Nam Hạ nói chung, thuộc tỉnh Nam Định ngày nay nói riêng cho đến đầu thế kỷ XIX công điền thổ được duy trì tỷ lệ lớn chứng tỏ ruộng đất công vẫn còn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống nhân dân nơi đây.

Tuy nhiên tỷ lệ các loại ruộng đất trên phân bố không đều giữa các vùng. Trong khi huyện Thiên Bản (Vụ Bản) tỷ lệ ruộng công chỉ còn 17,40% thì ở huyện Mỹ Lộc (khu vực huyện Mỹ Lộc và thành phố Nam Định ngày nay) tỷ lệ đó là 46,20% và đặc biệt ở huyện Nam Chân (khu vực các huyện Nam Trực, Trực Ninh và một phần Hải Hậu ngày nay) tỷ lệ công điền còn được duy trì tới 73,30%. Phủ Xuân Trường (các huyện Xuân Trường và Giao Thuỷ ngày nay) vào đầu thế kỷ XX tỷ lệ ruộng công vẫn còn duy trì tới 74,5%. Như vậy, khu vực phía đông Nam Định, cho đến đầu thế kỷ XIX, thậm chí cho đến đầu thế kỷ XX, ruộng công chiếm tỷ lệ ưu thế. Càng dịch xuống phía nam càng thể hiện rõ điều này.

(Đơn vị: mẫu, sào, thước, tấc, phân)

TT

Huyện

Công điền thổ

Tư điền thổ

Các loại khác

Diện tích

Tỷ lệ

Diện tích

Tỷ lệ

Diện tích

Tỷ lệ

1

Mỹ Lộc

3014.0.3.7.9

46,20

2067.8.4.1.8

31,70

1442.0.8.1

22,10

2

Nam Chân

10421.0.6.9.5

73,30

1935.7.12.4

13,70

1860.1.0.6

13,00

3

Thiên Bản

2942.3.8.5.2

17,40

9889.5.2.1

58,60

3943.8.0.4

24,00

Tình hình phân bố ruộng đất ở một số huyện

Nhưng sự phân bố không đều ruộng đất công không chỉ xảy ra giữa các huyện, mà trong các làng cũng có sự phân bố không đều. Nhìn chung hầu hết các làng đều còn công điền, nhưng mức độ thì không giống nhau. Huyện Thiên Bản, dù tỷ lệ công điền toàn huyện chỉ còn 17,4%, nhưng trong đó có làng công điền vẫn chiếm ưu thế, chẳng hạn như làng An Triền tổng An Cự: 65,50%, làng Bất Di tổng Bảo Ngũ: 51,49%... Huyện Mỹ Lộc, bên cạnh những làng công điền hoàn toàn chiếm ưu thế (như Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ, Lựu Viên... thuộc tổng Đệ Nhất; Kim Hưng, Tường Loan thuộc tổng Ngũ Trang...) và mặc dầu tỷ lệ công điền toàn huyện vẫn còn duy trì tới 46,20% nhưng vẫn có làng tỷ lệ ruộng công không đáng kể (như làng Mỹ Lộc thuộc tổng Như Thức: 11,50%). Huyện Nam Chân tỷ lệ công điền lên tới 73,30% nhưng toàn bộ vùng Quần Anh (tây bắc huyện Hải Hậu ngày nay) công điền chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.

Sự phân bố không đều công điền giữa các vùng, thậm chí giữa các làng với nhau cho thấy vai trò của công điền ở từng vùng, từng làng cụ thể không giống nhau.

Sự phân bố không đều vừa nêu ở trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Vùng có tỷ lệ ruộng đất công cao nằm ở phía đông (nay là thành phố Nam Định, các huyện Mỹ Lộc, Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng). Khu vực này có ba điểm cần chú ý:

Thứ nhất, vùng này được bao bọc bởi các con sông lớn, nhất là sông Hồng (sông Hồng ôm mặt tây thành phố Nam Định, các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thuỷ; sông Ninh Cơ chảy qua các huyện Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Hải Hậu). Có rất nhiều làng xã nằm ven các con sông này. Một đặc điểm của làng ven sông (không phải chỉ riêng ở Nam Định mà nhiều nơi thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng cũng thế) là diện tích công châu thổ (đất bãi ven sông) chiếm một tỷ lệ đáng kể trong cơ cấu đất đai, đồng thời - vì tính không ổn định của đất đai do sông có thể đổi dòng bất kỳ khi nào nên tư hữu hoá cũng vì thế mà kém phát triển.

Thứ hai, trường hợp huyện Mỹ Lộc xưa (nay là đất huyện Mỹ Lộc và thành phố Nam Định) và rộng ra cả huyện Thượng Nguyên nữa (nay là một phần đất thành phố Nam Định và các huyện Mỹ Lộc, Nam Trực) nằm trong vùng ảnh hưởng của trung tâm chính trị Tức Mặc - Thiên Trường trong suốt hai thế kỷ XIII, XIV dưới thời Trần. Thực tế lịch sử Việt Nam cho thấy trong một số trường hợp càng gần các trung tâm chính trị thì tư hữu hoá ruộng đất càng kém phát triển. Hoàn toàn không ngẫu nhiên khi hầu hết các làng thuộc tổng Đệ Nhất, tức một phần trung tâm chính trị Tức Mặc dưới thời Trần, ruộng đất công hoặc chiếm ưu thế tuyệt đối, hoặc chiếm với một tỷ lệ lớn.

Thứ ba, với các huyện phía nam như Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng làng xã nơi đây hình thành chủ yếu do kết quả khai hoang. Xuất phát từ nhiều nguyên nhân (chính sách Nhà nước hoặc yêu cầu liên kết - cộng đồng trong quá trình khai phá đất đai...) mà trong nhiều trường hợp kết quả diện tích khai hoang trở thành sở hữu công cộng.

Thực trạng bức tranh ruộng đất ở Nam Định đầu thế kỷ XIX cho thấy quá trình tư hữu hoá rất hạn chế. Không rõ vào đầu thế kỷ XIX tỷ lệ ruộng công ở huyện Giao Thuỷ là bao nhiêu, nhưng đến đầu thế kỷ XX vẫn duy trì với mức 74,5% chứng tỏ rất rõ điều này, thậm chí cả khi đã trải qua một thời gian dài dưới tác động của chủ nghĩa tư bản Pháp. Ruộng công được duy trì với tỷ lệ cao không chỉ tác động đến tình hình kinh tế nông nghiệp mà còn ảnh hưởng đến nhiều mặt khác trong đời sống xã hội - văn hoá của cư dân.

Dịch về khu vực phía tây (ở đây mới chỉ có số liệu huyện Thiên Bản) tình hình dường như ngược lại. Với 58,60% tư điền thổ so với 17,40% công điền thổ đã chứng tỏ ưu thế của sở hữu tư nhân so với sở hữu công cộng. Đặc biệt, dù sở hữu tư nhân ở đây chưa phải đã chiếm vị trí áp đảo (nói cách khác quá trình tư hữu hóa diễn ra chưa triệt để), nhưng đã diễn ra hiện tượng phân hoá và tập trung ruộng đất khá sâu sắc (trong tương quan với các địa phương khác khu vực đồng bằng Bắc Bộ). Mới chỉ tính diện tích trung bình thửa ruộng ở một số xã cũng đã thấy rõ điều này.  Thậm chí, có những chủ ruộng chiếm hữu cả một vùng rộng lớn, như Nguyễn Như Khuê người làng Cảo Linh tổng Trình Xuyên có ruộng xâm canh ở làng An Nhân cùng tổng là 31 mẫu 1 thước 6 tấc, Nguyễn Hữu Ích ở làng Nguyệt Mai có một thửa ruộng tới 68 mẫu 2 sào...

Tại khu vực các huyện có tỷ lệ ruộng công cao trong khi bộ phận tư điền ít ỏi (nếu có), dường như ruộng đất manh mún hơn. Có thể thấy điều này qua một số trường hợp thuộc tổng Đệ Nhất huyện Mỹ Lộc. Nhưng cũng ngay tại đây vẫn thấy có sự phân hoá. Rộng xuống khu vực phía nam, mặc dù vùng này công điền chiếm tỷ lệ lớn, nhưng ở làng tư điền chiếm ưu thế, sự phân hoá khá mạnh. Như trường hợp ở Quần Anh chẳng hạn, chủ ruộng Trần Mãn (xã Quần Anh Thượng) vào giữa thế kỷ XIX có tới 696 mẫu 7 thước 5 tấc ruộng tư (1869). Đó là một đại địa chủ thực sự.

Nhìn một cách tổng quát, ruộng đất Nam Định đầu thế kỷ XIX công điền vẫn chiếm ưu thế, nhưng tập trung chủ yếu ở khu vực phía đông và phía nam. Đồng thời với thực tế đó, ở những nơi tư hữu hoá phát triển (Vụ Bản) và cả những nơi ruộng công còn nhiều, quá trình phân hoá và tập trung ruộng đất đã diễn ra. Phần lớn nông dân Nam Định hoặc cày cấy ruộng công, hoặc lĩnh canh ruộng đất của địa chủ, nghĩa là tư hữu hoá chậm nhưng phân hoá lại nhanh. Điều này làm nên đặc thù của chế độ ruộng đất Nam Định.

Theo: Địa chí Nam Định

 

 

 

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com