Nông nghiệp truyền thống ở Nam Định những năm đầu thế kỷ XX

08:04, 03/04/2012
Trồng trọt là ngành kinh tế chủ yếu của địa phương. Trong các loại cây trồng, lúa chiếm vị trí quan trọng nhất. Do đặc điểm đất đai nên mùa vụ ở vùng phía Bắc tỉnh có khác phần phía Nam tỉnh. Trung bình vòng quay của đất khoảng 1,6 vụ/năm.

Lúa là sản phẩm chính của sản xuất đất nông nghiệp. Dưới thời Pháp thuộc, Nam Định được coi là một vựa lúa của vùng châu  thổ sông Hồng. Diện tích gieo trồng của tỉnh có khoảng 16 vạn ha đứng thứ 3 so với các tỉnh khác trong vùng châu thổ sông Hồng. Trong những năm 1930, 1940, diện tích lúa chiêm của tỉnh khoảng 88.000 ha và sản lượng khoảng 103.000 tấn, lúa mùa khoảng 72.000 ha, sản lượng đạt gần 95.000 tấn. Năng  suất lúa đạt 13 tạ/ha. Năm 1939 - một trong 2 năm được mùa dưới thời Pháp thuộc - bình quân lương thực cho mỗi nhân khẩu là 319kg/năm, mỗi người thiếu khoảng 100kg/năm.

Nam Định là một vùng nổi tiếng trồng lúa ở châu thổ sông Hồng. Nông nghiệp nói chung và trồng lúa nước nói riêng đã trở thành một yếu tố cốt lõi trong đời sống kinh tế của nhân dân địa phương. Do phụ thuộc vào điều kiện thiên nhiên nên trước đây giống lúa ở vùng Nam Định được chia làm hai loại: một loại cho vùng chiêm trũng và loại còn lại cho vùng ruộng cạn. Ở vùng chiêm trũng lúa thường có thân cao, có khả năng chịu sâu bệnh và chịu ngập úng cao. Các giống chủ lực của vùng chiêm trũng là lúa hin, lúa hom... Khi trưởng thành, các giống này có thân cao quá đầu người, rơm và rạ cứng. Năng suất của các loại này thấp và thời gian sinh trưởng dài. Nhưng bù lại, gạo của chúng khá thơm ngon. Trong khi đó, ở vùng ruộng cạn, các giống lúa chủ lực gồm ré đẻ, ré hiên, di hương, nếp hoa vàng, tám các loại...

Nông dân thay trâu cày ruộng (trước Cách mạng Tháng 8). Ảnh: Internet
Nông dân thay trâu cày ruộng (trước Cách mạng Tháng 8). Ảnh: Internet

Nam Định còn có nhiều loại gạo ngon nổi tiếng khắp vùng thường được trồng ở các vùng phía Nam. Gạo nếp ngon phải kể trước hết giống nếp cái hoa vàng ở Quần Liêu (Nghĩa Hưng). Gạo tẻ có dự, di, dé... Gạo tám thơm -  một đặc sản cả nước biết đến -  trồng tập trung ở nhiều xã thuộc 2 huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu và xã Xuân Đài (Xuân Trường). Các giống này nhìn chung có thân cao trung bình, năng suất trung bình, gạo ngon, đặc biệt các giống di hương, nếp, tám các loại.

Sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng lúa, dựa cơ bản vào kinh nghiệm sản xuất, công cụ sản xuất lạc hậu. Tập quán sản xuất ở các địa phương thường là “cày gãi, bừa chùi, cấy chay”. Ruộng đất cày bừa không kĩ, phân bón ít nên năng suất lúa thấp.

Phương thức canh tác nói chung khép kín trong hộ gia đình: Đàn ông vỡ đất, phụ nữ đảm nhận khâu cấy và chăm sóc, trẻ con chăn nuôi trâu bò. Đến mùa thu hoạch, cả nhà ra đồng. Không ít cánh thợ gặt Nam Định sang các vùng bên gặt thuê.

Hệ thống đê kè ở địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong tỉnh. Dù ở thời phong kiến, một số đê điều được xây đắp và dù sau năm 1918, Pháp đã xây dựng thêm một số đê điều, kênh mương ở vùng phía Nam, nhưng thuỷ lợi trong suốt thời kì này chỉ đáp ứng được khoảng 20 đến 30% yêu cầu của sản xuất nông nghiệp.

Theo Bản đồ đê điều của Nam Định được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, vào những năm 1940, Nam Định được phân thành 3 vùng theo dòng chảy sông ngòi và hệ thống thuỷ nông. Vùng Nam Định Đông (từ sông Ninh Cơ ra biển) có diện tích 42.000 ha, Nam Định Nam (giữa 2 bờ sông Ninh Cơ và sông Đào) có diện tích 45.000 ha và vùng còn lại gọi là Nam Định Bắc với diện tích 90.000ha.

Theo nguồn tư liệu này, chỉ có vùng Nam Định Đông mới có hệ thống kênh mương. Hai vùng còn lại bị ngập lụt trong năm 1945 vì hệ thống đê kè yếu hoặc chưa đủ.

Trồng lúa nước là diện mạo chủ yếu của kinh tế nông thôn nói riêng và kinh tế Nam Định nói chung trong thời kì lịch sử này. Nhưng với hệ thống thuỷ nông như vậy, nên nông nghiệp nói riêng và kinh tế cả tỉnh nói chung trong thời kì này hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên. Hiện tượng “chiêm khê, mùa thối” phổ biến trong mọi thời gian, mọi địa phương, nhất là các huyện phía bắc.

Trong khoảng 100 năm, từ giữa thế kỉ XIX đến năm 1945, sản lượng lúa nói riêng và lương thực của Nam Định nói chung tăng chậm và phụ thuộc chủ yếu vào mức độ quảng canh. Diện tích canh tác trên địa bàn mở rộng theo sự tiến triển của các bãi bồi ven biển (chủ yếu vùng Giao Thuỷ và Nghĩa Hưng ngày nay, trong khi đồng ở Hải Hậu có khi bị thu hẹp vì biển tiến).

Hàng chục làng được mở rộng hoặc lập mới ở vùng đất mới ven biển trong nửa đầu thế kỉ XX. Họ đến từ nhiều vùng quê khác nhau và cũng từng kiếm sống trên đất cũ bằng nghề nghiệp khác nhau. Nhưng khi đến khai thác vùng bãi bồi mới, thay vì khai thác kinh tế biển, họ lại lập nghiệp chính bằng sản xuất nông nghiệp. Rất nhiều hộ từng là tiểu thủ công nghiệp đã trở thành hộ thuần nông. Đây là một đặc điểm xuyên suốt trong lịch sử khai thác vùng nội đồng ven biển của cư dân Nam Định.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com