Khu Di tích Lịch sử Văn hóa Đền Đình Cao

03:02, 02/02/2012

Đình Cao Đài thuộc thôn Cao Đài, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) thờ Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải và phu nhân là Phụng Dương Công chúa. Trần Quang Khải là con thứ ba của vua Trần Thái Tông, mẹ là Thuận Thiên Công chúa. Ông là người học rộng tài cao, văn võ song toàn. Trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288), ông là một trong những người đóng vai trò chủ chốt, có mặt ở những nơi quan trọng và tham gia các chiến dịch phản công lớn. Ông vừa là vị tướng cầm quân đi đánh giặc, vừa là nhà lãnh đạo chính trị kiệt xuất, nhà ngoại giao có tài. Ông luôn đề cao sức mạnh của nhân dân trong cuộc kháng chiến giữ nước. Tư tưởng đó được thể hiện trong những áng thơ văn bất hủ của ông:

“Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù
Thái Bình nên gắng sức
Non nước ấy nghìn thu”

Công chúa Phụng Dương là con gái Thái sư Trần Thủ Độ, mẹ là Tuệ Chân phu nhân. Bà là người phụ nữ đức độ, đảm đang được mọi người yêu mến, cảm phục. Văn bia tại Đình Cao Đài còn ghi lại câu nói của bà: “Người trong hoàng tộc nếu ai không có tài thì thà cho tiền của chứ không trao trọng trách”. Năm 1262, vua Trần sau khi nhường ngôi cho con đã về hương Tức Mặc, thăng Tức Mặc là phủ Thiên Trường và cho xây dựng cung điện, nhà cửa. Cùng với việc xây dựng cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa, nhà Trần còn cho xây dựng một số cung Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ và ban thái ấp cho các tướng lĩnh như thái ấp Lư Cao Mang cho nha tướng Trần Hưng Đạo, thái ấp của An Sinh vương Trần Liễu ở Bảo Lộc, thái ấp Lựu Phố của Thái sư Trần Thủ Độ, thái ấp Độc Lập của Thượng tướng Trần Quang Khải, ba đồn binh ở Trung Đông (Trực Ninh)… Ở ấp Độc Lập (nay là Đình Cao Đài), Thái sư Trần Quang Khải đã cho xây dựng bến thuyền lớn, các xưởng rèn, mộc, dệt vải, lò nung, gạch, lò sứ, gốm, trại nuôi gia súc, những bãi tập cho binh sĩ và hàng trăm mẫu đất trồng lúa nước. Thái ấp Độc Lập trở thành căn cứ địa vững chắc, có thể làm chỗ lui quân cho các cuộc rút lui chiến lược của quân ta và là nơi cung cấp nguồn lương thực, khí giới dồi dào đủ sức nuôi quân chờ thời cơ phản công. Thái ấp Độc Lập đã trở thành cứ điểm hiểm yếu trong vùng căn cứ địa Thiên Trường trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược lần thứ hai (1285). Sau khi Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải và Công chúa Phụng Dương mất, nhân dân đã xây dựng Đình Cao Đài để tưởng nhớ công lao của ông và phu nhân của ông trên phần đất trước là thái ấp.

Bên cạnh giá trị lịch sử, trong khu di tích Đình Cao Đài, ở mộ Phụng Dương Công chúa, tấm bia đá thời Trần (1293) là di vật quý. Nội dung bia cung cấp nhiều tư liệu về Công chúa Phụng Dương, về các chi tiết liên quan đến Thái sư Trần Quang Khải, trong đó có việc rút lui chiến lược của quân đội nhà Trần về cứ điểm Độc Lập trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ 2 (1285). Với ý nghĩa lịch sử quan trọng, khu di tích Đình Cao Đài đã được tiến hành đào thám sát, khai quật khảo cổ học nhiều lần. Năm 1978, các nhà khảo cổ học đã đào thám sát, phát hiện được dấu vết than xỉ của một ngôi mộ thời Trần, điều này trùng với nội dung trong văn bia, trùng với tương truyền trong nhân dân đó là mộ Phụng Dương Công chúa. Năm 1995, qua một cuộc đào thám sát các nhà khảo cổ học tìm thấy một kiến trúc bao quanh mộ với chiều dài 40x40m. Với tầm quan trọng về giá trị lịch sử, kiến trúc, trên cơ sở các tư liệu Hán Nôm và các tư liệu còn lại trong di tích, cùng với các đợt đào thám sát khảo cổ học, UBND tỉnh đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung Di tích Lịch sử - Văn hóa Đình Cao Đài vào Dự án Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa thời Trần tại Nam Định đến 2015. Ngày 29-3-2009, Sở VH, TT và DL đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành đào thám sát Đình Cao Đài. Kết quả khảo cổ học tại Đình Cao Đài góp phần làm sáng tỏ, làm phong phú hơn giá trị các di sản văn hóa thời Trần tại Nam Định./.

PV
Theo “Di tích lịch sử - văn hóa Nam Định”



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com