Chuyện về gia đình cao nhất Việt Nam

03:01, 26/01/2012

Trước thềm Xuân Nhâm Thìn 2012, chúng tôi về Quần Vinh, xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) thăm gia đình nghệ nhân cà kheo Nguyễn Văn Luận. Là người sáng lập ra đội cà kheo Quần Vinh xã Nghĩa Thắng, ở tuổi 90, nhưng nghệ nhân Nguyễn Văn Luận vui vẻ “đãi khách” với những tiết mục nghệ thuật “đặc sản” cà kheo do chính cụ biểu diễn. Những đôi kheo cao lênh khênh hơn 2m, mà người xem ngước nhìn cũng đến hoa mắt, chóng mặt. Vậy mà ở cái tuổi “xưa nay hiếm” lão ngư Nguyễn Văn Luận vẫn “làm xiếc” với đôi cà kheo, điều khiển những bước đi, bước nhảy, bước xiết (đổi chân) một cách linh hoạt, biến hoá tài tình. Mắt thấy, tai nghe, chúng tôi mới thấy hết nét đẹp tinh tế, sự độc đáo và dũng khí thượng võ về nghệ thuật cà kheo của những cư dân vùng chân sóng được vinh danh là nghệ sỹ “cao nhất” Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Luận biểu diễn tiết mục đi cà kheo múa gậy.
Ông Nguyễn Văn Luận biểu diễn tiết mục đi cà kheo múa gậy.

So với các bộ môn, loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc, biểu diễn cà kheo bắt nguồn từ cuộc sống lao động, sản xuất của các ngư dân ven biển. Bởi lẽ, theo nghệ nhân Nguyễn Văn Luận, đôi cà kheo đã gắn bó với người dân xứ đạo Quần Vinh như bạn tri kỷ bởi đó là một công cụ không thể thiếu với những người đi biển. Là một xã ven biển nằm trên dải đất phù sa bồi tụ gần cửa sông Ninh Cơ, Nghĩa Thắng là vùng đất trẻ. Vào những năm đầu của thế kỷ trước, vùng đất này vẫn còn là những vũng lầy, rất hoang sơ, không có ghe thuyền. Cụ Luận, quê gốc xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng) cùng một số trai tráng trong làng tìm đến vùng Quần Vinh để hội tụ, đồng lòng khai phá đất hoang, biến một vùng lau sậy, cỏ lác hoang sơ thành bờ xôi, ruộng mật. Tâm sự với chúng tôi, cụ Luận cho biết: Không thể kể hết những khó khăn của những năm đầu đặt chân đến vùng đất này; xung quanh chỉ là sóng nước, cỏ cây um tùm, năm nào cũng phải giúp nhau dựng nhà vì mưa bão, lũ lụt. Khó khăn, gian nan khiến không ít người ngã lòng trở về quê cũ hoặc chọn vùng đất phì nhiêu, mưa thuận, gió hoà để lập thân, lập nghiệp. Tuy nhiên, những người ở lại một lòng quyết chí, động viên nhau cùng chung sức, chung lòng chia sẻ khó khăn, bám trụ xây dựng quê hương mới. Niềm tin và khát vọng là sức mạnh để họ chinh phục thiên nhiên, tạo dựng xóm làng ngày càng trù phú, đông vui. Để sinh tồn, người dân ở đây đã nghĩ ra cách “nối” chân để lội xuống biển bắt cá, bắt tôm. Cà kheo giúp họ cất te, quăng chài. Cũng vì thế mà trẻ con vùng chân sóng nơi đây, từ thuở lên bảy, lên mười, là lập tức phải buộc hai thanh cà kheo vào đôi chân ngay. “Mới tập, chỉ để giữ thăng bằng thôi cũng đã ngã bổ nhào, bổ chửng; nhưng rồi lại phải vùng dậy, lại tập đi, lại ngã suốt, đến sứt đầu mẻ trán, mình mẩy đau điếng thì rồi cũng phải quen với đôi chân mới dài ngoẵng ấy. Ngày lại ngày bền gan rèn luyện như vậy nên dần dà gân cốt cứng cáp, thần kinh vững vàng, người ta sải bước trên những đôi cọc tre lênh khênh. Cà kheo với người dân xứ này là chuyện bình thường nhưng chuyện những gióng tre ấy lênh khênh bước vào đời sống tinh thần của người dân Quần Vinh thì mới là đáng nói” - cụ Luận tâm sự.

Bốn bố con ông Nguyễn Văn Luận biểu diễn cà kheo.
Bốn bố con ông Nguyễn Văn Luận biểu diễn cà kheo.

Không phải ngẫu nhiên mà từ công cụ gắn liền với cuộc sống đánh bắt cá, cà kheo đã trở thành một bộ môn nghệ thuật trong đời sống của các ngư dân ven biển. Rót nước mời khách, cụ Luận sang sảng, nhiệt tình giải thích: “Đi kheo trên biển, nhiều người biết. Nhưng để biết đấu vật, đá bóng, lên xà đơn… trên kheo thì đòi hỏi phải có sự khổ công luyện tập, lòng yêu nghề và một chút năng khiếu”. Ông Nguyễn Văn Ngự, 63 tuổi, con trai nghệ nhân Nguyễn Văn Luận và cũng là thành viên của đội cà kheo Quần Vinh có hơn 30 năm gắn bó với nghệ thuật cà kheo, cho biết: “Khác với cà kheo của người K’Ho Lạch (Lâm Đồng) và cà kheo của đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk, để tránh đất cát vào nhà trong những ngày mưa lũ, họ dùng cà kheo để bước lên nhà thay vì bước lên theo cầu thang. Thế nên, cà kheo của họ có thể làm bằng tre, trúc, thậm chí làm bằng gỗ và chỉ cao chừng 1,5m. Nhưng với kheo đi biển và dùng để biểu diễn nghệ thuật thì lại khác. Đôi kheo phải đạt các tiêu chuẩn nghiêm ngặt như: thẳng, đều, dẻo dai, chịu lực. Để có được đôi kheo như vậy, ngư dân Quần Vinh phải ươm tre từ khi tre còn là những búp măng non và có chế độ chăm bón phù hợp. Khi tre lớn đủ tầm, to đủ cỡ, ngư dân chặt về đem hong lửa, uốn nắn và chọn kích cỡ. Để không bị ải, mục, họ lại ngâm xuống ao, phủ lên chúng lớp bùn hoa. Khoảng 2 tháng sau, tre được vớt lên và gác lên sàn bếp. Khi bồ hóng đã ngấm đều thân tre, cật tre nhẵn bóng, vàng ươm, lấy ngón tay búng vào thân tre nghe tiếng giòn, đanh là tre đủ tiêu chuẩn làm kheo.

Có đôi kheo tốt, nhưng không phải trai tráng nào cũng có thể trở thành nghệ sỹ, điều khiển kheo như đôi chân của chính mình. Cà kheo lên bờ khó đi hơn ở dưới nước; nền đất cứng, độ nguy hiểm lớn hơn, đòi hỏi phải khổ công tập luyện. Để trở thành một nghệ sỹ biểu diễn cà kheo trên cạn, ban đầu là “tập chay”, không kheo, không trống. Khi đã thuần thục động tác mới tiến hành khớp trống, khớp nhạc. Rồi bước vào tập kheo, những kỹ thuật động tác thu chân, nhảy cò, múa, rung sư tử, đánh vật… Mức kheo cũng được nâng lên từ 0,5m rồi 1m, 2m, 3m… người thuần thục có thể lên đến 5m mà vẫn vững vàng thực hiện các động tác múa lân, đá bóng, múa sư tử, đấu vật. Ông Nguyễn Văn Ngự, cho biết: “Dưới mặt đất, nếu các động tác mình thể hiện được 100% thì trên đôi cà kheo, các thao tác ấy chỉ chính xác được tới 70% là cùng. Chính vì thế mà chúng tôi phải tập hàng chục lần mới mong thuần thục”.
Câu chuyện về đội cà kheo xã Nghĩa Thắng và gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Luận được vinh danh “cao nhất” Việt Nam cũng rất thú vị. “Năm 1961, khi huyện Nghĩa Hưng vinh dự được rước huân chương thủy nông của Nhà nước trao tặng, già Riển và tôi thấy cần có một chút cây nhà lá vườn góp vui cho ngày hội nên đã vận động anh em trong đội trống của giáo xứ Quần Vinh thành lập đội cà kheo gồm 20 người tham gia đoàn diễu hành cho xôm trò. Ai ngờ được bà con nhiệt liệt tán thưởng” - cụ Nguyễn Văn Luận kể. Đến nay, đội cà kheo Quần Vinh, xã Nghĩa Thắng có gần 30 hội viên với trên 20 tiết mục, trò diễn. Gia đình cụ Nguyễn Văn Luận có 12 người tham gia, trong đó có 5 người con trai của cụ đều là những nghệ sỹ trụ cột trong đội cà kheo. Như vậy, gắn liền với nền văn hóa ngư nghiệp, những ngư dân nơi đây đã sáng tạo ra những con trò ngộ nghĩnh mang tính sáng tạo và tâm hồn mang đậm phong cách đặc trưng vùng miền, thể hiện nét tài hoa và tinh thần kiên cường của người dân vùng chân sóng. Đồng hành cùng thời gian, người Quần Vinh góp tiền, góp của từ cây tre để chế kheo và mang cả tâm hồn, trí óc điều khiển đôi kheo dài đến 5m theo những tích diễn mang giá trị nghệ thuật độc đáo, đặc sắc. Sau những giờ vất vả mưu sinh, các thành viên trong đội cà kheo Quần Vinh, xã Nghĩa Thắng lại tụ họp trên bãi biển để cùng tập luyện, sáng tạo ra những trò mới, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa mang đến niềm vui cho mọi người.

Thế rồi, nghệ thuật cà kheo thôn Quần Vinh, xã Nghĩa Thắng đã vượt qua khỏi lũy tre làng, có mặt trên mọi miền đất nước, được nhân dân yêu thích, trân trọng, tạo nên một sản phẩm nghệ thuật truyền thống độc đáo của quê hương và dân tộc. Đặc biệt, đội đã tham dự các sự kiện văn hóa lớn như: Liên hoan du lịch quốc tế Hà Nội năm 2001, Lễ hội dân ca, dân vũ Thành phố Hồ Chí Minh năm 2003, Liên hoan du lịch Tuần Châu - Quảng Ninh năm 2004, Lễ khai mạc SEA Games 22, Liên hoan du lịch quốc tế Hà Nội năm 2005. Trên đôi chân dài 3-5m, các nghệ sỹ điêu luyện biểu diễn các tích trò, các môn thể thao như đánh cầu lông, đánh đu, đá bóng, hát quan họ, hát chèo, đấu kiếm, chơi xà đơn xà kép. Trải nghiệm rồi chiêm nghiệm, nghệ nhân Nguyễn Văn Luận tâm sự: “Mỗi làng nghề là một di sản văn hóa độc đáo của dân tộc. Hiện nay, so với nghề đúc đồng, nghề gốm, nghề mộc, nghề trồng hoa, cây cảnh, thì cà kheo nước chưa thể mang đến cho người dân Quần Vinh cuộc sống sung túc, có “bát ăn, bát để” như các làng “tỷ phú” Tống Xá, Điền Xá, La Xuyên. Song, sự “giàu có” của người dân Quần Vinh không phải là vật chất, mà chính là sự nâng niu, trân trọng vẻ đẹp tinh túy của nghệ thuật cà kheo; các nghệ sỹ vùng chân sóng chúng tôi luôn đau đáu tấm lòng bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống của quê hương”.

Như vậy, từ một công cụ phục vụ lao động sản xuất, đồng hành cùng thời gian, cà kheo đã trở thành một bộ môn nghệ thuật đặc sắc, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa tinh thần ngày một phát triển, cần được nhân rộng./.

Bài và ảnh: Việt Thắng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com