Thương nghiệp và thủ công nghiệp Nam Định thời trung đại

08:01, 31/01/2012

Trong suốt thời trung đại, thực tế lịch sử Nam Định cho thấy do xuất phát từ chính sách kinh tế của Nhà nước, từ đặc thù của địa phương mà sắc thái kinh tế ở từng giai đoạn đó có khác nhau. Nhưng, cái làm nên sự khác nhau về sắc thái kinh tế giữa các giai đoạn đó chỉ là có hay không sự khởi sắc của kinh tế công thương nghiệp, chứ không phải là sự thay đổi về tính chất của toàn bộ nền kinh tế. Song nhìn khái quát, trước sau nó vẫn là một nền kinh tế nông nghiệp, hay trên nền tảng của kinh tế nông nghiệp.

Tính chất đa ngành và kết hợp nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp không chỉ quan sát thấy trong phạm vi không gian rộng lớn - toàn vùng - tỉnh mà còn thể hiện ở từng đơn vị kinh tế, có thể là một làng và cũng có thể là từng gia đình. Trong phạm vi không gian toàn vùng - tỉnh, trên nền tảng kinh tế nông nghiệp là chủ yếu thì đâu đâu cũng thấy thấp thoáng các hoạt động kinh tế công thương: từ trung tâm Tức Mặc, Vị Hoàng đến cả các làng xã vùng xa. Trong phạm vi không gian làng, các nhà nghiên cứu thường gọi một cách hình ảnh là biển làng nông nghiệp - thuần nông, nhưng nói “thuần nông” mà không chỉ có nghề nông, mà không nhiều thì ít, vẫn có người hay cả gia đình làm nghề thủ công hay buôn bán. Và ngược lại, ở những nơi cư dân sống chủ yếu bằng nghề thủ công hay buôn bán thì ở đó vẫn có sản xuất nông nghiệp.

Trước hết phải kể đến trung tâm Tức Mặc - Thiên Trường thời Trần và Vị Hoàng từ thế kỷ XVI về sau là các tụ điểm kinh tế công - thương của từng vùng, là các làng nghề thủ công, là các làng buôn.

Thành phố Nam Định hiện nay là một trong số ít thành phố của cả nước có lịch sử nhiều thế kỉ. Lịch sử của Thành phố được khởi đầu từ thế kỷ XIII và phát triển trực tiếp trên cơ sở trung tâm thương nghiệp - đô thị Vị Hoàng thế kỷ XVII, XVIII, XIX. Có thể coi đây là một khu vực kinh tế có bề dầy lịch sử năm bảy trăm năm, trong đó công thương nghiệp là hoạt động kinh tế quan trọng đã có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển kinh tế của cả vùng. Vị Hoàng thực sự là một cảng sông lớn, điểm trung chuyển hàng hoá của các tuyến thương mại lớn giữa nội địa với vùng ven biển, giữa bắc với nam. Thành phố dệt Nam Định sau này đã kế thừa và phát triển nhân tố đó. Điều này cho thấy tính thoáng mở của Nam Định trong mối quan hệ, giao lưu kinh tế với các vùng, miền trong cả nước.

Bên cạnh trung tâm Tức Mặc - Vị Hoàng còn phải kể đến các tụ điểm kinh tế công thương phân bố rải rác ở các phủ, huyện. Đó có thể là các phủ lỵ, huyện lỵ. Dù trước hết, đó là các trung tâm hành chính của phủ, của huyện, nhưng thường thì khi lựa chọn điểm để đặt lỵ sở, các yếu tố giao thông, kinh tế được cân nhắc và vì thế một địa điểm trở thành trung tâm hành chính phủ, huyện cũng là bước mở đầu cho sự ra đời một tụ điểm kinh tế công thương. Tuy nhiên, đáng nói hơn là các tụ điểm kinh tế công thương hình thành đơn thuần là kết quả của sự phát triển tự nhiên của nền kinh tế, mà không hề gắn với yếu tố hành chính nào, như khu vực Hành Thiện thuộc huyện Xuân Trường, khu vực Quần Anh thuộc huyện Hải Hậu... 

Thủ công nghiệp là ngành kinh tế quan trọng trong kết cấu kinh tế Nam Định truyền thống, thể hiện ở hai cấp độ khác nhau. Ở cấp độ thấp là các hoạt động thủ công nghiệp kết hợp (kết hợp với nông nghiệp với tư cách một nghề phụ trong một gia đình, cũng có khi là một ít gia đình sống bằng nghề thủ công trong một làng). Ở cấp độ cao là các làng nghề thủ công. Trong tương quan với làng nông nghiệp thì tỷ lệ làng nghề là thấp, nhưng xét về số lượng tuyệt đối thì Nam Định là một trong những địa phương có nhiều làng nghề. Các làng nghề hầu như phân rải đều trên mọi địa bàn.

Hiện tượng kinh tế - xã hội đáng chú ý là sự xuất hiện của làng buôn. Thực ra thương nghiệp là một hoạt động kinh tế phổ biến ở nông thôn Việt Nam nói chung, nông thôn vùng châu thổ sông Hồng nói riêng. Không có làng nào không có người đi buôn, nhưng hoặc đó chỉ là một số người, hoặc đối với hầu hết những người còn lại thì buôn bán chỉ là hoạt động kinh tế có tính kết hợp. Làng buôn theo nghĩa cả làng đi buôn với lịch sử có thể tính bằng thế kỷ thì rất ít. Nam Định không chỉ có làng Báo Đáp (nay thuộc xã Hồng Quang huyện Nam Trực) là một trong những làng buôn tiêu biểu nhất ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, mà còn có nhiều làng khác mà hoạt động buôn bán thu hút một khối lượng đáng kể cư dân và nghề buôn chiếm một tỷ trọng cao trong kết cấu kinh tế của làng, như Lương Kiệt (xã Liên Minh), Cao Hương (xã Liên Bảo) huyện Vụ Bản...

Nam Định là địa phương có nhiều nghề thủ công phát triển, trong đó có những nghề sử dụng nguyên liệu của nghề trồng trọt, và vì thế sự phát triển của các ngành nghề này đòi hỏi nông nghiệp ở một số nơi sớm có tính chuyên canh. Như nghề dệt chẳng hạn. Đây là nghề rất phát triển ở Nam Định, có lịch sử lâu đời. Dệt có nhiều loại, có dệt lụa gắn với nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển ở nhiều nơi, có dệt chiếu gắn với nghề trồng cói tập trung ở khu vực ven biển, và đặc biệt phát triển là nghề trồng bông, dệt vải - như ghi nhận của thư tịch cổ: người Nam Định “... trồng nó khắp ngoài đồng ngoài ruộng”. Không phải ngẫu nhiên mà sau này người Pháp lại tập trung phát triển công nghiệp dệt ở thành phố Nam Định.

Khu vực ven biển - với tính đa dạng của điều kiện tự nhiên - là cơ sở cho tính đa dạng của kinh tế nói chung và đa dạng của kinh tế nông nghiệp nói riêng. Đây là khu vực vừa có nghề trồng trọt là chủ yếu, lại vừa có nghề đánh cá, làm muối; vừa có nghề trồng lúa là chính, lại vừa có nghề trồng cói, trồng dâu; có làng nông nghiệp, thủ công nghiệp, mà cũng có vạn chài; có nông dân mà cũng có ngư dân, diêm hộ; và có cả những người như phụ nữ Quần Phương (Hải Hậu) chỉ thạo chăn tằm dệt lụa.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com