Múa bài bông: Loại hình nghệ thuật độc đáo thời Trần

08:01, 28/01/2012

Múa bài bông hay còn gọi là bắt bài bông, là một điệu múa nằm trong hệ thống các bản múa của nghệ thuật ca trù (gồm múa bỏ bộ, múa tứ linh, múa bài bông). Điệu múa này thường được sử dụng trong các dịp đại lễ của chốn giáo phường, trong không gian uy nghi ở nơi cửa đình, hát tại các dinh quan, đám khao vọng, chúc thọ là một trong những loại hình dân ca, dân vũ độc đáo của dân tộc trên 700 tuổi, xuất hiện từ thời Trần.

Điệu múa 700 tuổi

Theo các nhà nghiên cứu, múa bài bông xuất hiện từ thời Trần. Theo sách “Việt Nam ca trù biên khảo”, điệu múa này do Trần Quang Khải dựng ra để ca múa trong ngày lễ Thái Bình diên yến do vua Trần Nhân Tông tổ chức sau khi đánh thắng quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ 3. Còn theo nhà nghiên cứu Ngô Ngọc Linh, múa bài bông do Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật dựng nên. Tuy nguồn gốc và tác giả sáng tạo ra múa bài bông đến nay vẫn chưa có sự thống nhất, nhưng qua các nguồn sử liệu có thể khẳng định, múa bài bông là một loại hình dân ca, dân vũ độc đáo của nước Đại Việt thời Trần, với trên 700 tuổi. Sách “Việt Nam Ca trù biên khảo” do 2 tác giả Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề biên soạn, xuất bản năm 1962 cũng đã khẳng định: “Múa bài bông là nhã nhạc của đế vương thịnh điển nhất trong nhạc giới”.

Theo các nhà nghiên cứu, múa bài bông gồm 9 màn, nhưng phần lớn chỉ diễn 6 màn cơ bản: màn giáo đầu, bài hát Xuân (ca ngợi cảnh sắc vui tươi của đất trời và lòng người khi vào Xuân), rồi tiếp đến là các bài Hạ, Thu, Đông. Bên cạnh đó, múa bài bông được coi là “báu vật” của giáo phường. Thông thường chỉ có giáo phường nào lớn mạnh hay được đi hát thờ ở trong mỗi dịp tế lễ đình, dinh quan, hay vào kinh hát chầu ngự vua mới có được một đội múa bài bông. Về cơ bản, một đội múa bài bông ít nhất gồm 4 người và tuỳ theo mức độ quan trọng của không gian diễn xướng mà tăng số lượng người lên gấp đôi (8 người hoặc 16 người), những dịp đại lễ có 32 người, 64 người. Về trang phục các vũ công khi múa thì mặc áo mã tiền thêu kim tuyến, chân áo đính chân chỉ hạt bột, trên mũ gắn một quả bông, hai bên vai đeo đèn hình hoa sen, tay cầm quạt tàu, lúc thì xếp quạt, lúc xòe quạt linh hoạt và trông rất vui mắt. Đi kèm với các vũ công là đội nhạc: Có quản giáp cầm trống cái giữ nhịp, người đánh đàn đáy, đàn nguyệt bốn dây (tứ đoản), đàn tam, trống mảnh, lúc tấu nhạc hợp xướng giai điệu khoan thai, thể hiện không khí vui tươi ca ngợi cảnh thái bình thịnh trị. Điệu múa bài bông còn lại cho đến ngày nay thì về phần giai điệu ảnh hưởng khá nhiều chất nhạc của tuồng trong đó, mang ý chúc thọ với các động tác thể hiện hình ảnh hiến đào, dâng tửu rất sang trọng. Điệu múa hội ngộ giữa tinh thần Việt Nam gắn liền với văn hóa Phật giáo, hòa nhập với sự phát triển của thiền phái Trúc Lâm.

Cần những phương án khôi phục và bảo tồn

Trải qua quá trình biến thiên của lịch sử, so với một số các bộ môn nghệ thuật dân tộc khác, múa bài bông bị thất truyền. Tư liệu còn để lại cho thấy vào dịp tứ tuần đại khánh (mừng thọ 40 tuổi) của vua Khải Định (năm 1924) thì đoàn ca công ở Thanh Hóa đã đưa điệu múa này vào trong Huế để biểu diễn chúc thọ vua. Tiếp đó là hai tấm ảnh về một đội múa bài bông của bác sĩ Charles-Edouard Hocquard, một vị bác sĩ quân y đã theo đoàn viễn chinh Pháp sang Việt Nam đầu thế kỷ XX. Năm 1945, giới nghệ sĩ Hà Nội đã tổ chức một buổi diễn tại Nhà hát lớn nhằm quyên góp ủng hộ Chính phủ trong tuần lễ vàng và lấy tiền cứu đói. Trong đó những nghệ sĩ như Quách Thị Hồ, Chu Thị Năm... diễn vở Lưu Bình - Dương Lễ; cụ Quản ca giáo phường Khâm Thiên lúc bấy giờ là cụ Phó Đình Ổn thì dựng múa bài bông, họa sĩ dựng sân khấu bấy giờ là ông Lưu Văn Sìn. Đến ngày 9-12-2007, nghệ sĩ Phó Thị Kim Đức (Hà Nội) là con gái cụ Phó Đình Ổn được cha dạy lại điệu múa đã phục dựng và chính thức ra mắt tại chùa Trình, Yên Tử (Quảng Ninh). Một điệu múa cổ gần 700 năm tuổi lại xuất hiện tại khu danh thắng ghi những dấu ấn văn hóa, tâm linh quan trọng nhất của triều đại nhà Trần - đây là một trong những việc làm cần thiết trong nỗ lực khôi phục và phát huy những giá trị văn hoá đẹp cổ truyền của dân tộc.

Múa bài bông cùng rất nhiều điệu múa và những phong tục tập quán cổ truyền của dân tộc hiện đang được tiến hành phục dựng. Kịch bản kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định do tác giả Nguyễn Khắc Phục viết được xây dựng trên ý đồ của một chương trình văn hóa - nghệ thuật tái hiện lại lịch sử hình thành và xây dựng trong suốt 750 năm của mảnh đất Thiên Trường xưa và Nam Định nay. Theo dự kiến, chương trình văn hoá - nghệ thuật đặc biệt này sẽ do nhà văn Nguyễn Khắc Phục làm tổng đạo diễn và bao gồm 3 phần chính; trong đó, có phần phục dựng và trình diễn nghệ thuật múa bài bông, cùng với các loại hình nghệ thuật dân ca, dân vũ đặc sắc của quê hương Nam Định như hát chầu văn, chèo, ca trù, múa rối nước, cà kheo. Tuy nhiên, vẫn còn đó rất nhiều thách thức cũng như vướng mắc trong quá trình phục dựng. Việc tìm lại những nhân chứng, những tài liệu nguyên bản ghi lại các điệu múa hay phong tục tập quán từ xa xưa của dân tộc là vô cùng khó khăn. Nhà văn Nguyễn Khắc Phục cho biết: Múa bài bông tuy đơn giản về động tác, nhưng đòi hỏi người múa phải thuộc lời hát để khớp đúng động tác với từng câu hát, rất khác so với múa thông thường khi vũ công chỉ cần nghe nhạc là có thể múa được. Lời bài hát xưa được viết bằng chữ Hán, rất khó học thuộc. Để phục dựng thành công điệu múa 700 năm tuổi trong lễ kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định, thời gian qua, nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã phối hợp với Hội Nghệ sĩ múa đi tìm hiểu, khảo sát nghiên cứu nghệ thuật múa bài bông ở các tỉnh Quảng Ninh, Hà Nội, Nam Định. Đây là một trong những loại hình dân ca, dân vũ nguyên thể mang tính chất “đặc sản”, độc đáo trong di sản văn hóa phi vật thể của vùng đất Thiên Trường xưa, Nam Định nay./.

Việt Thắng
(Ảnh trong bài: Internet)


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com