Kinh tế truyền thống Nam Định thời Trần

09:01, 24/01/2012

Thời vua Đinh, vua Lê đóng đô ở Hoa Lư, Nam Định như một cửa ngõ - nhưng cũng là phên dậu cho Kinh thành. Thời Trần, Nam Định trở thành kinh đô thứ hai, hậu phương rồi chiến trường dữ dội trong cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên lần thứ hai. Từ thế kỷ XVI trở đi, Nam Định từng là vùng chiến trường ác liệt trong cuộc xung đột Nam - Bắc triều, trong chiến tranh nông dân Đàng Ngoài giữa thế kỷ XVIII, trong phong trào nông dân nửa đầu thế kỷ XIX, cũng là một trong những nơi thực dân Pháp nổ phát súng đầu tiên xâm lược Bắc Kỳ... Những biến cố lịch sử lớn của đất nước đều có sự đóng góp của vùng đất và con người Nam Định, vừa chứng tỏ vị trí quan trọng của vùng đất này, nhưng mặt khác chúng tác động không nhỏ đến chiều hướng phát triển kinh tế Nam Định.

Là một tỉnh châu thổ sông Hồng được thiên nhiên ưu đãi, Nam Định có tiềm năng đất đai lớn. Nam Định nằm gọn giữa hai cửa lớn nhất của hệ thống sông Hồng (sông Hồng và sông Đáy). Phù sa hệ thống sông Hồng lắng đọng cho biển Nam Định là chủ yếu, tuy có chia một phần cho Nam Thái Bình và Bắc Ninh Bình. Hơn thế nữa, ngay cả phù sa của hệ thống sông Thái Bình cũng một phần theo dòng hải lưu trôi vào đến biển Nam Định rồi mới lắng đọng. Với tốc độ tiến ra biển hàng trăm mét mỗi năm, Nam Định có một tiềm năng đất đai, cũng là tiềm năng cho phát triển kinh tế mà trước hết là kinh tế nông nghiệp.

Thế kỷ XI - XIV, dưới thời Lý - Trần - Hồ, nền kinh tế Đại Việt phát triển khá năng động. Điều này xuất phát trước hết từ chính sách kinh tế của Nhà nước: trong khi kinh tế nông nghiệp rất được coi trọng thì kinh tế công thương nghiệp cũng được quan tâm. Đặc biệt dưới thời Trần, với chính sách cai trị nói chung và chính sách kinh tế nói riêng thể hiện cái nhìn tương đối thoáng mở, hướng biển, đã tạo dựng một nền kinh tế phát triển đồng bộ tất cả các ngành nông - công - thương, trong đó kinh tế công thương nghiệp được tạo điều kiện phát triển và có vị trí tương xứng trong toàn bộ cơ cấu nền kinh tế đất nước. Kinh tế Nam Định thế kỷ XI - XIV cũng vì thế, và hơn thế - do vị trí chính trị đặc biệt và điều kiện tự nhiên thuận lợi của nó, mà phát triển mạnh mẽ.

Không phải ngẫu nhiên các vua Lý lập hành cung ứng Phong trên đất Nam Định ngày nay và thường xuyên lui tới thực hiện các nghi lễ nông nghiệp. Đặc biệt nhà Trần sau khi lên ngôi đã rất chú ý đến Nam Định, không chỉ vì Nam Định là nơi phát tích - đất bản bộ của dòng họ Trần, mà còn vì tầm quan trọng của vùng cửa sông - cửa biển này. Ngay năm 1230, tức chỉ bốn năm sau ngày nắm quyền cai trị đất nước, Trần Thái Tông đã về hương Tức Mặc (nay thuộc xã Lộc Vượng ngoại thành Nam Định) bái yết tổ tiên và đến năm 1239 sai Nhập nội Thái phó Phùng Tá Chu chính thức khởi công xây dựng các cung điện, đền đài. Một đô thị mới bắt đầu hình thành, vừa như là kinh đô thứ hai của nhà Trần, vừa là thủ phủ của phủ Thiên Trường rộng lớn. Như hầu hết đô thị Việt Nam khác thời trung đại, Tức Mặc - Thiên Trường trước hết là một trung tâm hành chính, nhưng rồi từ đó mà kinh tế phát triển, mà phát triển trước hết lại là kinh tế công thương. Tại Tức Mặc - Thiên Trường và các vùng phụ cận, trong hầu hết thời gian tồn tại của nhà Trần đã diễn ra các hoạt động kinh tế sôi động: những xưởng thủ công sản xuất các vật dụng phục vụ cho yêu cầu xây dựng và nhu cầu tiêu dùng của giới quý tộc, của thị dân, những chợ - bến tấp nập bán mua và cả những làng hoa, như Vỵ Khê, cũng vì thế mà ra đời và phát triển. Bên cạnh trung tâm chính trị - kinh tế Tức Mặc - Thiên Trường, kinh tế công thương Nam Định thời Lý - Trần còn thể hiện qua hoạt động sôi động của thủ công nghiệp và thương nghiệp ở các làng quê.

Thời kỳ này dù kinh tế công thương phát triển khá mạnh nhưng nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ đạo. Nhà Trần trong khi lập hành cung Tức Mặc, rồi đô thị Tức Mặc - Thiên Trường ra đời đã trực tiếp thúc đẩy kinh tế công thương Nam Định phát triển, cũng rất chú ý đến sự phát triển kinh tế nông nghiệp. Bằng hình thức khai hoang lập điền trang (ban hành năm 1266), nhiều vùng đất bãi bồi ven sông, ven biển Nam Định được khai phá. Trong số 14 điền trang lớn được biết đến ngày nay có 3 điền trang thuộc đất Nam Định. Nhưng con số chắc chắn còn lớn hơn nhiều.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com