Nguồn nhân lực của Nam Định

04:01, 19/01/2012

Theo các kết quả điều tra, Nam Định là tỉnh có dân số đông và lực lượng lao động khá lớn. Tỷ lệ lao động và cư dân cao hơn nhiều so với tỷ lệ trong cả nước với mức dao động khoảng 2,7%, đứng thứ 6 trong toàn quốc, nhưng  lao động thiếu việc làm lại chiếm tỷ lệ lớn 33,2% so với 25,2% trong cả nước và 33,6% ở đồng bằng sông Hồng. Trên thực tế số lao động không có việc làm vẫn có các hoạt động để tạo thu nhập nhưng thấp và không thường xuyên. Trong thời kỳ đổi mới, với sự hỗ trợ của nhà nước, chính quyền địa phương đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm tạo công ăn việc làm, kể cả đội ngũ công nhân vốn gặp không ít khó khăn trong thời kỳ "hậu bao cấp'' và triển khai đưa dân đi vùng kinh tế mới (nhưng hiệu quả thấp). Cùng với quá trình tăng trưởng dân số, hàng năm dân số lao động được bổ sung vào lực lượng lao động xã hội, chủ yếu là lao động trẻ khá cao. Thời kỳ 1991-1996 số người có khả năng lao động đã được bổ sung thêm 85.000 người.

Trong tổng số lao đông, tỷ lệ giới (nam) thấp hơn so với nữ, nhưng ngược lại tỷ lệ lao động nữ không có chuyên môn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số lao động và so với nam giới. Cơ cấu lao động xã hội ở Nam Định, lao động nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ lớn gần 80% và nếu tính nhóm ngành nông nghiệp thì tỷ lệ này chiếm trên 80% (1996), cao hơn so với năm 1991 (trên 74%).

Trong tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam, vùng Sơn Nam Hạ, trong đó có Nam Định sau này không chỉ là miền đất trọng yếu về quân sự mà còn là nơi cung cấp nhân lực, vật lực cho đất nước ngay từ thời kỳ đầu dựng nước, cho đến thời kỳ Đại Việt, Đại Nam và cho đến sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam mới dưới sự tổ chức và lãnh đạo của Đảng sau này.

Hiện nay, với số dân trên 1,8 triệu người, vốn cần cù thông minh, giàu tài năng, nhưng GDP bình quân đầu người vẫn thấp so với các tỉnh trong khu vực và trong cả nước. Tỷ trọng nông nghiệp trong GDP vẫn chiếm trên 40%. Trong thời gian tới, nông nghiệp ở Nam Định vẫn đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm và quyết định mức thu nhập của nhiều hộ gia đình nông dân.

Dân cư Nam Định có trình độ học vấn (tỷ lệ biết chữ cao, chỉ số giáo dục phát triển...) cao hơn một số địa phương khác. Trình độ văn hoá của dân số theo các cấp học và nhóm tuổi đều có ưu thế so với các tỉnh trong vùng và trong cả nước. Người dân Nam Định có truyền thống hiếu học. Trong cơ chế thị trường hiện nay, giáo dục Nam Định vẫn không ngừng phát triển và luôn là tỉnh dẫn đầu trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Số sinh viên nhập học đại học, cao đẳng chiếm tỷ lệ cao so với tỷ lệ dân số trong cả nước.

Việc sử dụng lao động còn một khoảng cách khá lớn so với tiềm năng sẵn có, đặc biệt là nguồn lực lao động ở nông thôn. Tính chung trong toàn tỉnh còn dư thừa khoảng trên 30% năng lực sản xuất. Chính vì vậy sự di chuyển lao động có tính chất thời vụ ra ngoài tỉnh khá lớn, mà chủ yếu ở khu vực nông thôn, những người đang sung sức và đã tốt nghiệp phổ thông trung học hoặc phổ thông cơ sở.

Về thực trạng lao động hiện nay cho thấy tuy số lượng dồi dào, nhưng chất lượng còn hạn chế, lao động phổ thông chiếm tỷ lệ lớn, lao động kỹ thuật, lao động chuyên môn quá thiếu. Cơ cấu lao động chuyển đổi chậm, thị trường lao động chưa phát triển, sự tăng trưởng chất lượng lao động chậm, cầu của thị trường lao đông hạn chế và do đó lao động có tay nghề sẽ phát triển theo xu hướng vượt ra ngoài địa phương.  

Mặc dù là địa phương có GDP bình quân ở mức trung bình so với mức bình quân trong cả nước, nhưng Nam Định lại có chỉ số phát triển con người cao. Các kết quả điều tra cho thấy, Nam Định là địa phương đã có đầu tư ngân sách cao so với GDP trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng và là một trong những tỉnh có an ninh lương thực cao ở đồng bằng Bắc Bộ, luôn có mức tăng trưởng mạnh từ 447 kg/người năm 1995 lên 506 kg /người năm 1999.  Về cơ bản nhu cầu lương thực được thoả mãn, mức sống của cư dân được cải thiện không ngừng. Số hộ có nhà ở  chiếm tỷ lệ cao và nhu cầu về nhà ở của người dân Nam Định về cơ bản đã được đáp ứng. Năm 1999 có trên 99,6% số hộ gia đình ở khu vực nông thôn có nhà ở riêng bao gồm nhà kiên cố và nhà bán kiên cố, nhà khung gỗ và nhà đơn sơ, trong đó, nhà kiên cố và bán kiên cố chiếm 89,2% tổng số nhà ở. Nhà cao tầng đã xuất hiện nhiều ở nhiều vùng nông thôn. Tỷ lệ dân số được tiếp cận nước sạch là 91,6% cao hơn nhiều tỉnh trong khu vực; điện thắp sáng  đã về tới tất cả các thôn xã; hệ thống giao thông nông thôn được củng cố và phát triển góp phần tích cực cho phát triển sản xuất và nhu cầu đi lại của nhân dân; hệ thống y tế có ở tất cả các xã, các huyện đều có trung tâm y tế và bệnh viện đa khoa. Số bác sĩ trên 100.000 người dân là 41 người (1998) và số y tá trên 100.000 người dân là 65 người (1995) và 53 người (1998); số trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng là 99,4% (BCG-1998) và 96,4% (sởi 1998). Hệ thống giáo dục phát triển mạnh đáp ứng yêu cầu học tập của các tầng lớp nhân dân.

Nam Định được xếp vào nhóm các tỉnh, thành phố có chỉ số phát triển con người cao (0,7) so với bình quân trong toàn quốc là 0,682, trong khi chênh lệch giữa chỉ số GDP và HDI ở Nam Định là 24. Đó là những thành tựu rất to lớn trong chiến lược phát triển con người của Nam Định.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com