Địa hình sông, hồ tỉnh Nam Định

04:10, 26/10/2011

Từ khi có hệ thống đê cao to ven các dòng sông lớn như sông Hồng, sông Đáy, sông Nam Định, sông Ninh Cơ, cũng như các đê thấp ven các sông nhỏ, gọi là "sông nội đồng", thì sự bồi đắp tự nhiên đã bị chấm dứt và địa hình bãi bồi tập trung thành hai khu vực chính là khu vực trong đê và khu vực ngoài đê, tại mỗi khu vực lại có những kiểu địa hình riêng.

Bãi bồi cao trong đê
Bãi bồi cao trong đê

Khu vực ngoài đê sông là khu vực mà các quá trình tích tụ và xâm thực tự nhiên còn được tiến hành tuy vẫn bị khống chế trong hai hàng đê. Tại vùng châu thổ thấp, đê không chỉ giữ vai trò thủy lợi mà còn giữ vai trò giao thông vận tải, do đó củng cố đê, kè đê và xây dựng đường ô tô vững chắc trên đê là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của tỉnh.

Sông Hồng ở Nam Định có tới 5 khúc uốn trước khi đổ ra biển tại cửa Ba Lạt. Các khúc uốn lượn không giống nhau, nơi ít, nơi nhiều, khúc uốn lớn nhất là khúc thứ 3 (độ cong là 1,6), khúc gần đổ ra biển ít cong hơn (độ cong là 0,8). Sông Đáy tại địa phận Nam Định cũng có nhiều khúc uốn lớn, nhưng từ đoạn khúc uốn sát về phía sông Ninh Cơ cho đến khi đổ ra biển, thì dòng sông ít uốn hơn nhiều. Các khúc uốn của sông Nam Định, cũng không đồng đều, đồng thời lòng sông về phía hạ lưu rất rộng. Sông Ninh Cơ có các khúc uốn ít gấp khúc, nhiều đoạn chạy thẳng dài. Nguyên nhân hình thành khúc uốn là do đường trục động lực của dòng sông luôn luôn bị lệch về phía bờ lõm và dòng sông vừa chảy tiến, vừa thực hiện vòng hoàn lưu ngang, nên thực chất nó là một dòng chảy phức tạp, có dạng bện thừng.

Nằm ngay sát lòng sông con là các dải bãi cát ven sông. Khi dòng hoàn lưu ngang gây tác dụng xâm thực bờ lõm, thì nó đi xuống và đem vật liệu xâm thực sang bồi đắp bên bờ lồi đối diện, tạo ra một bề mặt tích tụ phù sa, thoải hơi nghiêng về phía lòng sông. Lúc đầu, các bãi cát ven lòng sông nằm gọn trong phạm vi từng khúc uốn thành những đoạn riêng biệt, nhưng lâu dần có thể nối liền với nhau và tạo thành dải bãi bồi thống nhất. Trên sông Hồng và sông Nam Định bãi bồi ngoài đê thường dài rộng, còn trên sông Đáy thì hẹp hơn.

Tại các đoạn sông thẳng và rộng ta gặp các bãi giữa lòng sông, còn gọi là bãi nổi. Nguyên nhân là lòng sông có thể có vài đường trục là nơi tốc độ chảy mạnh. Tại đường trục có dòng nước đi xuống, khoét sâu lòng sông. Dòng chảy ngang từ đó khi về phía nông hơn sẽ đi lên. Thí dụ nếu có hai đường trục gần hai bờ sông, thì chỗ có dòng đi lên sẽ tập trung vào phần giữa lòng sông. Khi hai dòng đi lên gặp nhau sẽ xảy ra hiện tượng triệt tiêu một phần tốc độ dòng chảy, dẫn đến quá trình tích tụ phù sa. Khi lượng tích tụ lớn, chúng dần dần nhô lên khỏi mực nước sông mùa kiệt, tạo thành bãi nổi, mà thấy khá nhiều giữa lòng sông Hồng.

Những bãi nổi lại bị ngay chính dòng nước vừa tạo ra nó bào mòn, xâm thực từ phía thượng nguồn, đồng thời lại tiếp tục bồi đắp phía quay về cửa sông. Tuỳ thuộc vào tương quan giữa hai quá trình này (bào mòn phần đầu, bồi đắp phần cuối) mà xảy ra 2 trường hợp. Khi quá trình xâm thực phần đầu thắng thế, bãi giữa có thể biến mất. Trường hợp ngược lại, bãi giữa bị "trôi" dần về phía cửa sông. Nếu quá trình tích tụ xảy ra rất mạnh, bãi giữa có thể đạt chiều dài rất lớn và nổi cả trong mùa lũ làm sông phân nhánh. Các bãi giữa kiểu này là những điểm quần cư, nhiều khi khá lớn.

Hồ móng ngựa cũng rất phổ biến tại các châu thổ, như vùng hồ móng ngựa nằm ở thành phố Nam Định. Đây là phần còn lại của khúc uốn khi sông cắt qua để tạo thành một khúc dòng thẳng mới. Trong quá trình sông mở rộng khúc uốn và chuyển dịch khúc uốn về hạ lưu, khúc uốn ngày càng cong, đến khi phần cổ khúc uốn thắt lại, khoảng cách giữa hai đoạn sông ở phần cổ rất gần nhau, khiến cho trong một mùa lũ rất lớn nào đó, dòng sông cắt qua cổ khúc uốn, sông chảy thẳng và nhanh hơn vì tại nơi đó đáy sông bị xâm thực mạnh. Dần dần dòng mới trở thành dòng chính, hai đầu dòng sông cũ bị bồi lấp dần, dòng sông cong cong bị bỏ lại trở thành hồ, mà do hình dáng được gọi là "hồ móng ngựa". Hồ móng ngựa cũng có thể được lấp dần trong các giai đoạn hình thành bãi bồi liên tiếp, nhưng vẫn có thể nhận ra do địa hình thường trũng, dài và hẹp, có chỗ bị đầm lầy hóa. Khi đào xuống sâu có nham tướng lòng sông, cát thô xen cuội, sỏi. Những hồ tồn tại lâu dài, trở thành nơi tiêu nước tốt cho vùng trong đê, còn tại các thành phố xây dựng trên bãi bồi, hồ móng ngựa là những công viên nước tô đẹp cho cảnh quan đô thị.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com