Đặc điểm địa chất tỉnh Nam Định

09:10, 21/10/2011

[links()]

Đặc điểm và hoạt động của tự nhiên tỉnh Nam Định là kết quả tác động tương tác của sự trao đổi vật chất và năng lượng giữa các hợp phần địa chất, địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, thủy văn và sinh vật trong một thời gian lịch sử địa chất- kiến tạo lâu dài. Lịch sử hình thành và phát triển để lại những dấu ấn sâu sắc nhất trên các hợp phần vật chất rắn như nham thạch, địa hình, thổ nhưỡng.

Ba hợp phần cấu trúc địa chất - địa hình - thổ nhưỡng gắn bó mật thiết với nhau, nham thạch là vật chất tạo nên địa hình và thổ nhưỡng, địa hình là hình dáng của nham thạch, còn thổ nhưỡng là bộ phận mỏng, vụn bở trên cùng, có tính chất phì nhiêu giúp cho cây cối phát triển. Sự bền vững của địa hình và sự phì nhiêu của thổ nhưỡng là do tính chất hóa- lý của nham thạch cùng với lớp phong hóa của nó quyết định. Tỉnh Nam Định được hình thành trong một thời gian lịch sử địa chất- kiến tạo lâu dài, trước hết là từ sau tác động của tạo sơn Himalaya cho đến ngày nay.

 Các hệ tầng địa chất đáng chú ý trên địa bàn tỉnh Nam Định.

 Vị trí các mỏ khoáng sản
Vị trí các mỏ khoáng sản

Hệ tầng Thái Ninh có tuổi trên 2 tỷ năm và gồm các đá biến chất như đá phiến thạch anh - mica, đá phiến mica, đá gơnai biotít, đá phiến granit hoá. Khi chưa bị sụt võng, vào đầu Plioxen, cách đây khoảng 5 triệu năm, địa hình lộ ra tương tự như bán bình nguyên bóc mòn đá biến chất phức hệ sông Hồng mà ta thấy hiện nay ở vùng Phong Châu, nơi đất tổ Hùng Vương. Các mảnh sót lại của hệ tầng Thái Ninh là các đồi thấp dưới 100 m nằm rải rác tại huyện Ý Yên. Các đá biến chất giầu alumin, cho nên quanh vùng đá lộ ra hoặc nằm không sâu, có tiềm năng vật liệu chịu lửa và gốm sứ.

Hệ tầng Vĩnh Bảo chỉ gặp ở phía đông núi Gôi, gồm các đá gắn kết yếu. Cát kết có màu xám xanh, phớt tím, hạt vừa đến mịn, độ chọn lọc tốt, thành phần đơn khoáng đến ít khoáng, cấu tạo phân lớp song song, nằm ngang. Bột và sét kết màu xám phớt lục phân lớp mỏng và song song nằm ngang, xen kẽ với các lớp bột và sét xám nhạt và với cát kết. Bề dày trung bình đạt 200- 300 m.

Hệ tầng Thái Thụy cũng chỉ gặp ở phía đông núi Gôi, cấu tạo từ trầm tích sông - biển và biển cát lẫn cuội, sạn, phần trên là bột sét.

Hệ tầng Hà vẫn chỉ gặp ở phía đông núi Gôi, cấu tạo từ trầm tích sông, cuội, sỏi, cát lẫn bột, sét màu xám sẫm, chứa di tích thực vật, nham tướng sông và sông - lũ, chứng tỏ lúc này đồng bằng sông Hồng nằm cao trên mực nước biển. Đặc điểm chung của hệ tầng qua các tài liệu lỗ khoan có thể thấy là chiều dày trầm tích tăng dần theo hướng đông nam: về mặt thạch học, hệ tầng chủ yếu gồm các đá hạt thô có kích thước và thành phần thạch học, độ mài mòn rất khác nhau theo diện phân bố. Theo hướng tây bắc- đông nam, thành phần độ hạt và tính chất đa khoáng giảm dần, trong khi độ mài tròn tăng lên theo chiều đứng của mặt cắt. Càng đi về phía rìa đồng bằng, cuội sạn- sỏi có độ mài mòn càng kém.

Hệ tầng Vĩnh Phúc cấu tạo từ trầm tích sông - biển, bột sét lẫn cát màu loang lổ. Chứng tỏ ở vào giai đoạn này tính chất cửa sông- ven biển của châu thổ sông Hồng lại rõ, nói cách khác, biển lại tiến vào. Các trầm tích Pleixtoxen muộn được đặc trưng bởi một tầng trầm tích hạt mịn (chủ yếu bột sét) bị phong hoá mạnh mẽ có màu sắt loang lổ chứa các di tích sinh vật môi trường biển.

Hệ tầng Hải Hưng cấu tạo từ trầm tích sông - biển và biển, bột sét lẫn cát xám vàng. Các trầm tích Holoxen sớm - giữa tầng Hải Hưng có chiều dày thay đổi từ 4 đến 52 m.  Mặt cắt đặc trưng cho phần dưới được cấu tạo bởi các lớp than bùn, xen ít cát sét với nhiều di tích thân cây gỗ lớn và các lớp tàn tích thực vật lẫn nhiều sét cát hơn.

Trầm tích sông, chiếm phần lớn diện tích của tỉnh, nằm giữa hai sông Hồng và Đáy, phía nam sông Nam Định. Trầm tích sông có các nham tướng lòng sông và nham tướng bãi bồi. Các trầm tích tướng lòng sông gồm cuội sỏi cát có thành phần và kích thước rất khác nhau, phân bố theo xu hướng hạt trầm tích mịn dần về phía hạ lưu. Các trầm tích tướng bãi bồi bao gồm các thành tạo phù sa (cát, bột, sét), phân thành tầng lớp dày vài mét đến chục mét. Dọc các sông có 2 kiểu bãi bồi: trong đê và ngoài đê. Các thành tạo bãi bồi trong đê, chiếm diện tích lớn, còn nhiều dấu vết lòng sông cổ, các hồ móng ngựa và các đầm lầy. Các trầm tích bãi bồi ở ngoài đê chủ yếu cấu tạo bởi tầng cát bột dày lẫn sét, có chiều dày thay đổi tuỳ thuộc vào hoạt động dòng chảy của từng sông. Các trầm tích sông hiện nay là đối tượng nghiên cứu vật liệu xây dựng rất có triển vọng.

Trầm tích sông - đầm lầy: Có một vùng chạy theo hướng bắc nam, nằm ở phía tây sông Nam Định với diện tích khoảng 90 km2. Trầm tích sông- đầm lầy gồm sét đen xen sét nâu, chứa nhiều di tích thực vật đầm lầy, đôi chỗ tạo nên các tầng than bùn hiện đại.

Trầm tích sông - biển, các trầm tích này tạo nên một kiểu tam giác châu mới. Tỉnh Nam Định có 2 vùng: vùng thứ nhất (diện tích khoảng 35 km2) ở phía nam huyện Nghĩa Hưng; vùng thứ hai (diện tích khoảng 50 km2) ở huyện Hải Hậu. Ở đồng bằng Bắc Bộ nói chung và ở Nam Định nói riêng, hệ tầng được đặc trưng bởi các lớp bột sét lẫn cát màu xám, có nhiều mảnh vỏ thân mềm và các lớp sét bột, phần trên có sét đen tướng đầm lầy ven biển trong đó gặp nhiều vỏ Trùng lỗ gồm Ammonia beccari, Elphidium advenum, Elphidium kispidulum, Cibicides; Quinqueloculina horrida...

Trầm tích biển, có 1 dải ở phía sông Nam Định và 2 dải ven biển: dải ven biển thứ nhất nằm phía nam huyện Nghĩa Hưng và huyện Hải Hậu, về hai phía của cửa Lạch Giang; dải ven biển thứ hai nằm ở phía đông cửa Hà Lạn. Trầm tích biển được đặc trưng bởi các lớp cát hạt vừa và nhỏ thành phần đa khoáng, do tác động chọn lọc của sóng.

Trầm tích đầm lầy - biển: Chiếm phần nửa (52%) diện tích phía bắc sông Nam Định, gồm hai vùng phía tây (133,3 km2) và phía đông sông Sắt (132,3 km2); ngoài ra còn thấy ở cửa sông Hồng (42,5 km2) và sông Đáy (42,6 km2). Trầm tích đầm lầy- biển gồm chủ yếu sét- bột- cát (bột 55%, sét 20%, cát 17%), chứa nhiều tàn tích thực vật hiện đại và sinh vật biển.

Trầm tích biển - gió: Có 4 vùng nhỏ nằm ở phía nam huyện Giao Thuỷ (Giao Lâm, Giao Phong, Giao Xuân và Cồn Lu). Bao gồm các cồn cát, đụn cát. Các cồn cát cấu tạo bởi cát thành phần đơn khoáng (chủ yếu thạch anh) có độ lựa chọn và mài tròn cao. Trong cát chứa nhiều sa khoáng ilmenit đạt hàm lượng công nghiệp.

Hệ tầng Thái Bình phủ trùm lên toàn bộ bề mặt tỉnh Nam Định, nên có tác động quyết định đến địa hình và thổ nhưỡng toàn bộ tỉnh hiện nay. Các hệ tầng bên dưới chỉ có ý nghĩa địa chất - thủy văn, thí dụ như hệ tầng Vĩnh Phúc là một tầng cách nước, phân chia hai tầng chứa nước bên trên (QIV1 -2hh và QIV3tb) và bên dưới (QII -III hn và QItt), hoặc có ý nghĩa chứa đựng khoáng sản. Do có đứt gãy sâu, trong tỉnh có mạch nước khoáng (mỏ quy mô lớn chưa khai thác ở Hồng Thuận- Giao Thuỷ), đặc biệt nằm dưới sâu có nơi nhiệt độ nước khoáng tới trên 1000C (tiềm năng địa nhiệt). Các khoáng sản khác chủ yếu là phi kim loại như cao lanh (mỏ có quy mô nhỏ ở Yên Lợi- Ý Yên); felspat (mỏ có quy mô lớn đang được khai thác ở Yên Minh- Ý Yên); sét gạch ngói (có 5 mỏ quy mô nhỏ đang được khai thác ở xã Hiển Khánh- Vụ Bản, Nam Giang- Nam Trực, Nghĩa Thịnh- Nghĩa Hưng, thị trấn Cồn- Hải Hậu, Xuân Châu - Xuân Trường và 1 mỏ chưa khai thác ở thị trấn Ngô Đồng - Giao Thuỷ); cát kết (mỏ có quy mô lớn đang khai thác ở Giao Lâm - Giao Thuỷ). Còn khoáng sản kim loại chỉ có sa khoáng như titan (có 2 mỏ quy mô nhỏ ở xã Hải Thịnh và Hải Chính thuộc huyện Hải Hậu). Đáng chú ý là ở Giao Thuỷ đã tìm thấy khí đốt thiên nhiên.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com