Địa lý tự nhiên tỉnh Nam Định

09:10, 14/10/2011

Nam Định là bộ phận phía đông nam giáp biển của châu thổ Sông Hồng, nằm giữa hai đứt gãy sâu là đứt gãy sông Hồng chạy theo sông Đáy và đứt gãy sông Chảy đi xuống theo dòng sông Hồng ra cửa Ba Lạt, dọc theo đó châu thổ bị sụt lún, khiến cho bề dày trầm tích Đệ tam và Đệ tứ  bên trong nền móng Nguyên Sinh có chỗ dày đến 300m. Tuy nhiên, mức độ sụt võng và tuổi sụt võng cũng khác nhau giữa phần phía tây và phần phía đông núi Gôi. 

Vị trí đông nam giáp biển và nằm giữa sông Hồng và sông Đáy cũng khiến cho Nam Định là bộ phận châu thổ trẻ của đồng bằng sông Hồng. Nơi đây còn chịu tác động của biển do ảnh hưởng của thủy triều, nước mặn vẫn lan vào qua các cửa sông, nhất là cửa sông Ninh Cơ - nơi mà biên giới mặn 4%0 cực đại vào sâu tới 42km, biên giới mặn 1%0 cực đại vào tới 47,5km.

Đặc điểm khí hậu Nam Định mang tính chất chung của khí hậu đồng bằng Bắc Bộ, là khí hậu chí tuyến gió mùa ẩm, có mùa đông lạnh khô do đồng bằng chịu tác động mạnh nhất của gió mùa đông bắc, so với dải đồng bằng miền Trung và đồng bằng Nam Bộ. Mặt khác, khí hậu Nam Định cũng có những sắc thái riêng do vị trí đông nam giáp biển. Nhiệt độ trung bình trong năm là 23-240C, độ ẩm trung bình năm 83-84%. Nam Định có lượng mưa trung bình trong năm từ 1.750 đến 1.800mm, chia làm 2 mùa rõ rệt, số giờ nắng trong năm khoảng 1.650-1700 giờ.

Địa hình Tỉnh Nam Định nằm tại phần tiến nhanh ra biển của châu thổ sông Hồng, nhất là từ sau khi sông Hồng phân ra các chi lưu như sông Trà Lý, sông Nam Định và sông Ninh Cơ. Nhìn trên bản đồ, rõ ràng là khu vực tiến nhanh nhất đi từ cửa Trà Lý đến cửa Hà Lạn, tập trung hai bên tả hữu ngạn cửa Ba Lạt. Khu vực tiến nhanh thứ hai là ở cửa Đáy, mà nước cũng như phù sa chủ yếu vẫn từ sông Hồng đổ vào sông Đáy qua sông Nam Định. Khu vực Giao Thủy hàng năm được bồi khoảng 90ha và khu vực Nghĩa Hưng khoảng 32ha, như vậy, toàn tỉnh Nam Định được tăng khoảng 120ha/năm.

Trong tỉnh có khoảng 530,1km sông ngòi, trong đó có 16 sông ngòi dài trên 10km với tổng chiều dài là 430,4km, riêng bốn sông lớn (Sông Hồng, sông Đáy, sông Nam Định và sông Ninh Cơ) dài 251km. Như thế, mật độ mới đạt 0,33km/km2. Vì vậy hệ thống kênh mương trong tỉnh phải bù vào, đặc biệt là vùng giáp biển vì còn thêm nhu cầu rửa mặn. Với địa hình bãi bỗi châu thổ, mà sự bồi đắp là do sông chuyển dòng liên tục, thì hệ thống hồ móng ngựa - di tích của những khúc uốn cũ đã bị cắt qua và bồi lấp một phần, phải dầy đặc. Nguồn nước ngầm trong tỉnh khá phong phú và phân bố làm hai tầng. Do lịch sử địa chất kiến tạo, có sự phân bố nước ngầm khác nhau giữa phần phía tây đứt gãy kiến tạo qua vùng núi Gôi sụt nông và phần phía đông sụt sâu. Ảnh hưởng của thủy triều, tác động đến hướng dòng chảy của sông ngòi và đến độ cao thấp của mực nước sông vào lúc triều cường và triều ròng thì quanh năm vào hết địa phận Nam Định và còn sâu hơn nữa.

Đất đai Nam Định có độ tuổi tương đối trẻ, non một nửa diện tích có độ tuổi hơn 1000 năm và một nửa diện tích có độ tuổi dưới 1000 năm. Tại châu thổ trẻ này, các hợp phần địa chất - nham thạch, địa hình và thổ nhưỡng có quan hệ phát sinh rất chặt chẽ, trong đó vai trò quyết định thuộc về các quá trình sông - biển hình thành châu thổ lấn biển. Các vật liệu tích tụ sông - biển là nham tướng của các kiểu địa hình và của thổ nhưỡng. Các quá trình tạo thành địa hình lại phân phối các vật liệu ấy, đồng thời cũng xác định vị trí của các loại đất. Do vậy, lớp phủ thổ nhưỡng ở đây gồm hai nhóm đất chính là đất phù sa sông, đất mặn và đất cát vùng ven biển. Do đó, thổ nhưỡng Nam Định chia ra làm hai vùng lớn: vùng không còn chịu ảnh hưởng của biển và vùng còn chịu ảnh hưởng của biển.

Được canh tác thâm canh, thảm thực vật tự nhiên coi như không còn, thay vào đó là một tổng thể những loại cây trồng vô cùng phong phú, nhiều nhất là lúa, ngô, đỗ, lạc, vừng, các loại rau và hoa quả... Đặc biệt, khu vực cửa Ba Lạt đã hình thành nên rừng ngập mặn duy nhất ở Việt Nam, được quốc tế công nhận là rừng ngập mặn thứ 50 của Công ước Ramsar về các vùng đất ngập nước trên thế giới. Khu vực rừng ngập mặn ven cửa Ba Lạt này có diện tích hơn 7.100 ha, là điểm dừng chân của các loài chim di trú quốc tế. Ước tính có tới 215 loài chim nước hiện đang sinh sống tại đây, trong đó có những loài gần như tuyệt chủng nằm trong sách đỏ quốc tế như: cò thìa, bồ nông, mòng biển, choi choi, mỏ thìa, diệc đầu đỏ… Với những ưu đãi mà thiên nhiên đã ban tặng, Vườn quốc gia Xuân Thuỷ là rừng ngập mặn độc đáo, là tài nguyên thiên nhiên quý báu của quốc gia, nơi đây đang chứa đựng những tiềm năng biển vô cùng quý giá về sinh thái biển, du lịch biển.

Không những tự nhiên trong tỉnh giàu có về tài nguyên tự nhiên như khí thiên nhiên, nước khoáng, vật liệu xây dựng, đất đai phì nhiêu, nông sản và hải sản phong phú, mà còn do vị trí đặc biệt về phía đông nam giáp biển của đồng bằng sông Hồng nên rất thuận lợi cho kinh tế biển phát triển. Hiện nay năng suất lúa bình quân ở Nam Định vào loại cao nhất đồng bằng sông Hồng và vùng muối Văn Lý cũng lớn nhất đồng bằng.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com