Địa hình đê điều và bờ biển tỉnh Nam Định

04:10, 27/10/2011

Các kiểu địa hình tại vùng vẫn còn chịu ảnh hưởng của biển là vùng châu thổ hiện đại với động lực là tương tác giữa sông và biển, nơi sông mạnh hơn biển thì đất liền lấn ra, nơi biển mạnh hơn sông thì biển lấn vào, nơi hai lực cân bằng thì bờ biển giữ nguyên vị trí. Địa hình thấp, độ cao tuyệt đối là 0 đến 1m, trong khi đó thủy triều biển Đông tại đây có thể lên tới 3 đến 4m, không kể lúc bão to còn lên cao hơn nữa. Để sớm sử dụng vùng đất này, xây dựng xóm làng vườn tược trên cồn - đụn cát và thau chua rửa mặn các đầm lầy mặn để biến chúng thành ruộng lúa, nhân dân ta đã nỗ lực đắp đê biển ngăn không cho thủy triều lấn vào đất liền, có chăng thủy triều chỉ lên theo các cửa sông, mà có chỗ vào sâu tới 40 đến 50km. Đê biển hiện nay có chỗ ra sát bờ biển, như từ cửa Hà Lạn đến cửa Lạch Giang là nơi biển mài mòn và lấn vào, còn tại hai cửa Ba Lạt và cửa Đáy thì có vài hàng đê biển, tiến dần theo khả năng bồi đắp của sông. Như vậy tại vùng này cũng tồn tại hai khu vực địa hình khác nhau, mỗi khu vực cũng có những động lực riêng và kiểu địa hình riêng, đó là khu vực ngoài đê biển và khu vực trong đê biển.

Bãi biển do sóng
Bãi biển do sóng

Khu vực ngoài đê biển chính là khu vực bờ biển, hàng ngày còn chịu ảnh hưởng của sóng biển, thủy triều và dòng biển, cho nên các kiểu địa hình chủ yếu là bãi cát biển với cồn cát, có nơi cồn cát được gió vun cao thành đụn cát, bãi triều bùn lỏng lầy lội, có nơi đã có thực vật nước mặn chiếm lĩnh tạo thành rừng sú vẹt. Các địa hình âm là các lạch triều, theo đó thủy triều đi vào và phủ kín các bãi triều và bãi cát vào lúc triều cường, thực hiện chức năng phân bố lại các vật chất vụn bở do sông ngòi đưa ra, qua chu trình tiến vào và rút ra. Tại nơi luôn luôn ngập nước biển, do tác động của sóng và hải lưu ven bờ, cũng có những dải cát ngầm và các lạch trũng. Khi các dải cát ngầm do được tích tụ mạnh mà nổi được lên mặt nước, ta có các doi cát chắn, có nơi chạy song song với bờ biển trên một khoảng khá dài.

Bãi cát và cồn cát biển là một dạng địa hình lồi được tạo thành do sóng và có hai sườn không đối xứng. Sườn hướng ra biển thoải và rộng, có thủy triều lên xuống một phần và thường dùng làm bãi tắm, còn sườn hướng vào lục địa ngắn và dốc. Trừ trường hợp gió vun cao thêm nhiều trở thành đụn cát, thủy triều và sóng biển khi bão to vẫn có khả năng vượt qua đỉnh bãi biển mà thực chất là một cồn cát. Tại biển sâu, sóng nhấp nhô nhưng nước biển không di động, chỉ vào biển nông, khi độ sâu của đáy biển nhỏ hơn một nửa chiều dài của sóng, thì sóng mới chịu tác động của đáy biển và biến dạng. Do ma sát với đáy biển mà sóng cao dần lên, đồng thời độ dài càng rút ngắn, vì thế mà sóng trở nên dốc hơn. Độ dốc phía trước đạt giá trị tới hạn khi độ sâu đáy biển bằng chiều cao của sóng, lúc đó sóng trở nên dốc đứng, thậm chí dốc ngược lại, cho nên sóng đổ nhào và tan. Vận động sóng chuyển thành vận động của nước biển xô lên bờ. Nói cách khác dòng nước vỗ bờ hình thành từ khối lượng nước được giải phóng do sóng đổ nhào. Việc nước xô lên đã kéo theo cát, sỏi, vỏ sò ốc ở đáy biển dồn lên bờ. Sau đó một phần nước bị ngấm xuống, phần còn lại chảy rút ra xa, cũng kéo vật liệu ra. Nhưng do năng lượng dòng đi vào lớn hơn dòng đi ra, nên cuối cùng bãi cát biển cao dần lên.

Bãi triều và lạch triều.
Bãi triều và lạch triều.

 Tại Nam Định do lượng phù sa sông Hồng qua các chi lưu đổ ra biển rất lớn, cho nên tuy thủy triều có tác dụng phân bố lại, nhưng bãi triều cao lên rất nhanh thành bãi sa bồi, thôi không bị ngập triều, không như tại các nơi sông ít phù sa (thí dụ cửa Bạch Đằng), do dòng triều rút ra mạnh hơn dòng triều đi vào (khi vào bị dòng ra của sông cản, còn khi ra lại được dòng sông tiếp sức) mà khối lượng phù sa ít ỏi ấy bị thủy triều cuốn khỏi vùng cửa sông, nên bãi triều thấp mãi, luôn luôn bị ngập triều, châu thổ không thể tiến ra biển được. Vật liệu bãi triều rất mịn, chủ yếu gồm bột, sét, rất hiếm thành phần hạt thô như tại các bãi biển do sóng. Sự tích tụ bùn sét tại vùng cửa sông diễn ra rất nhanh do hiện tượng nước ngọt cửa sông trộn với nước mặn của biển sinh quá trình ngưng keo mạnh đối với các phù sa lơ lửng trong nước sông. Vì thế châu thổ sông Hồng ở cửa Đáy tiến ra biển với tốc độ 80 đến 100m/ năm. Khi bãi triều có cây nước mặn chiếm lĩnh, thành rừng ngập mặn, "rừng sú vẹt", thì bãi triều thành đầm lầy biển, đất cao và chắc dần, có than bùn hình thành, khi đó rừng ngập mặn sẽ trở thành rừng "sau rừng ngập mặn" với tràm, cao thấp tùy vùng (rừng chàm châu thổ sông Cửu Long rất cao to).

Khu vực trong đê biển hiện nay chính là khu vực ngoài đê biển xưa kia, càng lùi sâu vào bên trong thì càng cổ, thí dụ khu vực giữa các đường bờ biển thế kỷ XV và thế kỷ XIX cổ hơn khu vực giữa các đường bờ biển thế kỷ XIX và hiện nay. Khu vực càng cổ thì các kiểu địa hình do sóng và thủy triều càng bị thay đổi, hoặc do sông bồi đắp thêm phù sa lên trên, biến thành địa hình tích tụ do sông, hoặc do con người cải tạo, san lấp, rửa mặn, trồng trọt và làm nhà. Các cồn cát biến thành làng mạc, vườn tược. Đất bãi cát mặn và đất bùn bãi triều mặn trở thành đồng ruộng đất mặn trung bình và ít, các lạch triều thành các nhánh sông nội đồng hay các hồ ao. Ta có một loạt các địa hình nhân sinh cao thấp khác nhau, được sử dụng một cách khác nhau, nguồn gốc tự nhiên phần nào được phát hiện qua nham tướng cát của bãi biển, cồn cát và nham tướng bột sét của bãi triều, cùng với các di tích sinh vật biển nằm trong các tầng lớp đất, như rễ cây nước mặn thấu kính than bùn cây nước mặn và các vỏ sò ốc khá nguyên vẹn hay đã vỡ vụn.

Nếu khu vực trong đê biển là bờ biển xưa kia, thì khu dưới biển ven bờ lại là bờ biển tương lai, cho nên tìm hiểu độ sâu đáy biển ven bờ, tính chất vật liệu cấu tạo đáy biển, các con trạch ngầm, các luồng lạch cũng cho phép ta dự đoán được quá trình lấn biển của châu thổ sau này.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com