Giữ lấy nghề xưa

04:02, 25/02/2022

Theo thời gian, Thành Nam xưa đã phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn giữ được nhiều nét đẹp riêng về văn hóa, đặc biệt giữ được những nghề truyền thống có tuổi đời vài trăm năm. Nghề xưa được gìn giữ, nối tiếp cũng là cách để người dân thành phố Nam Định bảo vệ, trân trọng gìn giữ các giá trị văn hóa.

Các cửa hàng thêu trên phố Hai Bà Trưng, thành phố Nam Định.
Các cửa hàng thêu trên phố Hai Bà Trưng, thành phố Nam Định.

Nằm giữa hạ lưu 2 con sông lớn của đồng bằng Bắc Bộ là sông Hồng và sông Đáy, Thành Nam xưa vốn là một trung tâm thương nghiệp, có nền thủ công mỹ nghệ đa dạng, các phố phường nổi tiếng với nghề tiểu thủ công nghiệp, buôn bán sôi động chẳng kém kinh thành Thăng Long. Xưa kia, cộng đồng dân cư sinh sống, lập nghiệp ở Thành Nam đã hình thành nên hai loại phố cơ bản là những phố chuyên buôn bán, hoạt động thương mại và những phố có nghề thủ công truyền thống với những sản phẩm mang đậm bản sắc văn hoá bản địa độc đáo, đa dạng, phong phú. Với lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm, nghề làm hương trầm với các thương hiệu “hương Hàng Giấy”, hương trầm Thuận Xương ở các phố nghề thuộc Thành Nam xưa như: Hàng Giấy (nay là phố Hoàng Văn Thụ), Hàng Nâu (nay là phố Minh Khai) đã nức tiếng gần xa. Ở vào thời kỳ cực thịnh, thành phố Nam Định đã từng hình thành HTX làm hương quy tụ vài chục hộ và hàng trăm thợ làm hương theo phương pháp thủ công truyền thống. Qua thời gian, HTX làm hương và nghề hương trầm ở phố Hàng Giấy không còn, để giữ nghề, thợ làm hương tản mát đi khắp nơi và mở các cơ sở làm hương mới. Riêng ở phố Minh Khai hiện vẫn có khoảng chục hộ gia đình duy trì được nghề làm hương trầm, trong đó chủ yếu là con cái, cháu chắt thuộc dòng họ Lê. Bên cạnh đó còn là nghề làm thuốc Bắc chị Trần Thị Hải Kiều lấy anh Vũ Hồng Quân, chủ hiệu thuốc bắc Hồng Quân, phố Hoàng Văn Thụ đến nay cũng đã vài chục năm. Vốn học Y học cổ truyền lại kết hợp với gia đình chồng có nghề bốc thuốc Bắc gia truyền, vợ chồng anh chị bàn với nhau mở hiệu thuốc. Hiệu thuốc Bắc của anh chị Kiều Quân chỉ là một trong hàng chục hiệu thuốc Bắc lớn nhỏ nằm rải rác khắp các phố Hoàng Văn Thụ, Bắc Ninh. Ở đây có những nhà thuốc lâu đời, vang tiếng mà chỉ cần đọc tên lên nghe như đã cảm thấy được dư vị... của thời gian như: Phú Minh Đường, Hưng Thịnh… Phố Hoàng Văn Thụ giờ cũng chính là điểm tập trung kinh doanh, buôn bán thuốc Bắc của dân “tứ xứ” về đất Thành Nam. Qua hàng trăm năm, nhận thấy nơi đây có thể phát triển nghề, những người làm thuốc, kinh doanh thuốc Bắc tập trung tại phố nghề hình thành nên các hiệu thuốc, điểm buôn bán sầm uất. Các hộ làm thuốc Bắc ở đây chia thành 2 loại: hộ buôn bán dược liệu và hộ gia đình mở nhà thuốc có thể khám, kê đơn, bốc thuốc. Đối với các nhà thuốc, mỗi gia đình đều ý thức xây dựng “thương hiệu” riêng, từ biển tên đến cách bốc thuốc, có bài thuốc “gia truyền” trị bệnh khác nhau. Đây cũng là điều kiện “sống còn” để các cửa hiệu duy trì hoạt động cũng như “cạnh tranh” với nhau. Phát triển nghề, hiện các nhà thuốc còn “đa dạng hóa” nhiều dịch vụ phục vụ nhu cầu khách hàng. Họ có thể nhận thái, sắc thuốc do khách mang đến, bốc theo đơn của khách hàng mang đi hoặc sắc sẵn thuốc thành dạng lỏng đóng vào các túi bóng hút chân không bán cho những ai bận rộn không có điều kiện thời gian đun sắc thuốc. Không chỉ kê đơn, bốc thuốc, tại các nhà thuốc trong phố, khách hàng còn có thể tìm mua nhiều dược liệu quý hiếm như: bạch sâm, nấm thượng hoàng, sừng tê giác, nhung hươu, tâm tâm thất, đông trùng hạ thảo… Đối với các hộ buôn bán dược liệu cũng được chia thành 2 loại. Có các hộ bán dược liệu chưa qua bào chế, còn được gọi là dược liệu “sống” và dược liệu “chín” đã qua sơ chế, chế biến, sao tẩm. Còn ở phố Hai Bà Trưng ngày nay còn nhiều hộ vẫn duy trì nghề cũ như thêu, làm gò hàn tôn của cha ông. Hộ gia đình ông Trần Văn Hào, số 58 Hai Bà Trưng vẫn giữ biển hiệu Nghi Sơn từ hàng trăm năm nay. Tiếp nối nghề xưa, gia đình ông hàng ngày vẫn thêu cờ, phướn phục vụ lễ hội. Thêu cờ lễ, đòi hỏi người thêu phải am hiểu chữ Nôm và có kỹ thuật thêu đủ tứ linh như long, ly, quy, phượng… mới cho ra sản phẩm tốt. Nếu không biết, không hiểu chữ Hán, chữ Nôm mà “thêu bừa” nét chữ nào đó trên cờ, phướn dâng lễ sẽ dẫn đến những nhầm lần về ngữ nghĩa tối kỵ. Qua hàng thế kỷ làm nghề, giữ nghề xưa, đến nay, sản phẩm phan, phướn, cờ lễ phục vụ các nghi lễ Phật giáo do gia đình ông Hào sản xuất vẫn luôn tấp nập khách hàng. Không chỉ có khách ở trong tỉnh, gia đình ông còn có nhiều bạn hàng khắp trong cả nước. Đây đều là những bạn hàng thân tín đã nhiều năm vì tin tưởng, yêu thích người thêu mà đặt hàng. Giữa nhịp sống ồn ã, cuối phố Hai Bà Trưng hàng ngày vẫn luôn vang vang tiếng búa gõ tôn đều đều. Người qua đường còn dễ dàng bắt gặp hình ảnh các thợ tôn “gò lưng” ngồi hàn, chỉnh sản phẩm. Gia đình ông Vũ Thanh Hải đã có 4 đời nối nghiệp làm hàng tôn. Theo thời gian, nhu cầu sử dụng mặt hàng tôn cũng ít dần so với trước nên công việc của ông không có quá nhiều. Để duy trì nghề, đòi hỏi những thợ nghề như ông phải nghĩa ra nhiều mẫu mã mới với chất lượng, giá thành phải chăng. Ngoài các sản phẩm truyền thống như: rương, hòm, xô, chậu… hiện nay những người thợ làm tôn ở phố Hai Bà Trưng còn sáng tạo ra những sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu đời sống hiện tại như: lò đốt vàng mã, kệ hàng, bếp nướng…

Nghề trồng hoa ở xã Nam Phong (thành phố Nam Định) luôn thu hút đông chị em phụ nữ tham gia.
Nghề trồng hoa ở xã Nam Phong (thành phố Nam Định) luôn thu hút đông chị em phụ nữ tham gia.

Ở bên làng hoa Phù Long, thuộc xã Nam Phong nằm bên kia sông Đào được hình thành từ thời nhà Trần. Hiện, làng có tới 95% số hộ trồng hoa với đa dạng các loại như: cúc, hồng, đồng tiền, hoàng anh... Tuy nhiên, nhiều nhất vẫn là cúc với đầy đủ các chủng loại, màu sắc: cúc vàng, cúc trắng, cúc đỏ, cúc mini (xanh, đỏ, tím, vàng)... Cũng từ hàng trăm năm nay, làng hoa là nguồn cung cấp hoa chính cho thành phố Nam Định. Tranh thủ vừa cắt nốt mấy bông cúc còn sót lại trên ruộng để mai đi chợ sớm, chị Trịnh Thị Huệ, thôn Tiền Phong 1, cho biết: “Cũng như đa phần các hộ gia đình khác trong xã, gia đình tôi nhiều đời nay đều chuyên nghề trồng hoa. Làm nghề trồng hoa bận không khác gì nuôi “con mọn” vì suốt ngày phải ở ngoài đồng làm cỏ, chăm bẵm, tưới nước, kiểm tra sâu bệnh… cho cây. Tuy vậy, theo quan niệm của riêng tôi, đây cũng là nghề “làm đẹp cho đời”, bởi nhìn thấy một ruộng hoa đẹp, tươi thắm thì ai cũng thích, tâm hồn như được thư thái, tươi mới, cởi mở hơn”.

Hòa cùng sự phát triển của thành phố Nam Định, những thợ nghề trên các phố hàng xưa cũng đang chuyển mình, đa dạng hóa sản phẩm để thích nghi, giữ gìn và phát triển nghề cũ. Để ngày nay, mỗi khi nhắc đến một tên phố nào đó, người ta vẫn nhớ đến nghề cũ phố xưa với bao giá trị văn hóa đặc sắc của Thành Nam./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com