Người "thổi hồn" vào cây cảnh

05:02, 18/02/2022

Đầu Xuân Nhâm Dần, chúng tôi có dịp ghé thăm vườn cây cảnh nghệ thuật của ông Trần Duy Chất ở xóm 2, xã Hải An (Hải Hậu) có cảm giác như lạc vào một thế giới thiên nhiên thu nhỏ, mướt mát màu xanh và đậm nét hoài cổ. Vừa nhâm nhi chén trà, ông Chất vừa kể về cuộc đời và mối “duyên cây” của mình.

Ông Trần Duy Chất ở xóm 2, xã Hải An (Hải Hậu) chăm sóc vườn cây cảnh của gia đình.
Ông Trần Duy Chất ở xóm 2, xã Hải An (Hải Hậu) chăm sóc vườn cây cảnh của gia đình.

Ngay từ rất nhỏ, ông Chất đã rất thích cây cảnh. Năm 1988, ông Chất nghỉ hưu do mất sức tranh thủ lúc nông nhàn đã đi lên những vùng trồng cây cảnh ở xã Điền Xá (Nam Trực) mua cây rồi bán giống để cải thiện cuộc sống. Số cây ông tạo dáng bán được giá ngày càng nhiều. Cứ thế, tình yêu cây ngày càng lớn, hễ gặp người cùng đam mê thì có thể cùng luận bàn thâu đêm suốt sáng. Nhiều khi ăn, ngủ cũng nghĩ đến cây, cũng mơ thấy cây... Quan sát hơn 500 cây si, sanh được uốn, tạo dáng thành những kiệt tác của ông Chất, chúng tôi cảm phục ý chí, tinh thần và sự khéo léo của ông. Đối với những người trồng cây cảnh như ông, ban đầu không phải cây nào lấy về cũng có dáng, đôi khi chỉ là gốc cây trần trụi. Sau đó, tự ông chăm sóc cho cây phát triển bình thường, khi cây có cành, ra lá thì mới bắt đầu hình thành ý tưởng, tạo dáng cho cây. Để có được một cây tạo dáng hoàn chỉnh phải mất hai đến vài ba năm chăm sóc, cắt tỉa, có cây mất cả hơn chục năm. Ngắm kỹ hàng loạt cây cảnh của vườn nhà ông với những đường cắt, tỉa, đục, trang trí cầu kỳ mới thấy được sự sáng tạo, khéo léo và nét tài hoa của “nghệ nhân” này. Để hình thành ý tưởng, tạo dáng cho cây, nhiều đêm liền ông Chất luôn thao thức, trằn trọc với tác phẩm của mình. Ông cho biết: “Tạo dáng cho cây ở tư thế nào để khi hình thành phù hợp luật phong thủy cũng như thẩm mỹ cần phải tính toán chính xác độ cao từng xăng-ti-mét. Mỗi sản phẩm làm ra sẽ là dấu ấn để lại cho đời nên khi làm phải tập trung, phát huy hết khả năng để tạo ra sản phẩm hoàn mỹ nhất”. Để tạo thế, dáng cho cây đòi hỏi người chơi phải có sự tinh tế và những kiến thức nhất định. Từ những thế, dáng cơ bản và quan sát các yếu tố về rễ, thân, cành, lá... người chơi phải tư duy để biến nó thành một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Trong quá trình uốn sửa, tạo dáng cho cây không những đòi hỏi người chơi có bàn tay khéo léo, có tư duy nghệ thuật mà còn phải có kỹ thuật cắt tỉa, uốn cành... Có thể nói 500 cây trong vườn là 500 thế khác nhau, không cây nào giống với cây nào. Nhiều cây cảnh có thế mang nét nghệ thuật cổ kính, dành cho lớp người của thế hệ trước thưởng thức, bình phẩm bên tách trà; có những cây được tạo hình bắt nguồn từ một sự tích hay, đưa người ngắm cây đến với nhiều câu chuyện về nguồn cội; về hạnh phúc, tài lộc cho gia chủ… Mỗi thế cây mang theo thông điệp, gửi gắm mong muốn của nghệ nhân hướng con người ta đến cuộc sống tốt đẹp, sống thiện lương, có tình nghĩa. Cũng như nhiều người làm cây cảnh khác, đối với mỗi cây cần tạo tác, ông Chất đều cố gắng thổi hồn vào thế cây, dốc hết tâm huyết, sự tỉ mỉ, kiên trì, hoa tay. Vì thế, không hiếm những cây cảnh phải mất tới gần chục năm mới hoàn thiện, cho ra một thế cây đẹp. Ổn định thế, dáng, ông đưa cây phôi lên chậu.

Sau khi lên chậu, cách khoảng 20-25 ngày ông lại cắt tỉa bông tay cho cây một lần. Theo ông Chất, giá trị của mỗi cây cảnh nằm ở phần tạo hình, thế của cây. Với những dáng, thế cơ bản như: trực, huyền, hoành… từ luật cơ bản, ông sáng tạo thêm những điểm nhấn ấn tượng mang đậm phong cách của bản thân.

Với sự năng động, nhạy bén với thị hiếu của khách hàng…, cây cảnh của ông được khách hàng trong và ngoài tỉnh tiêu thụ. Đến nay, ông Chất đã sở hữu vườn cây cảnh diện tích rộng hơn 3 mẫu với 500 tác phẩm khác nhau, trị giá hàng tỷ đồng, sau khi đã trừ chi phí, thu nhập bình quân của ông đạt hàng trăm triệu đồng/năm. Những năm gần đây, trước sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, ông khai thác lợi thế công nghệ thông tin quảng bá các sản phẩm của nhà vườn đến người tiêu dùng. Đồng thời tích cực giao lưu, chia sẻ cùng những người bạn chung niềm đam mê, từ đó nhận được những góp ý, phản hồi, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm. Với bản tính cần cù, chịu khó cùng những kiến thức có được, vườn cây cảnh của gia đình ông ngày càng phong phú về kiểu dáng, nhiều cây có dáng đẹp và giá trị kinh tế cao. Ông Chất thường xuyên giao lưu, trao đổi với các chủ vườn khác trong địa phương, mua cây phôi, ươm giống để trồng. Nhiều cây có giá trị lớn và tâm đắc, ông giữ lại để chơi và thưởng thức. Ngoài việc trồng cây cảnh trong khu vườn nhà mình, ông Trần Duy Chất còn giúp đỡ nhiều người có chung niềm đam mê với mình. Khi có người đến hỏi han kiến thức về nghệ thuật trồng cây cảnh, ông đều nhiệt tình chia sẻ kiến thức, hướng dẫn kỹ thuật cắt, tỉa, chăm sóc; nhiều khi gặp tri kỷ, ông không ngần ngại tặng một chậu cây cảnh có giá trị cao cho họ về nghiên cứu, để tạo ra nhiều thế cây có giá trị nghệ thuật. Bởi với ông, nghệ thuật cần được chia sẻ, nhân rộng./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh

 


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com