Sức xuân trên những vùng quê biển

08:01, 25/01/2021

Về vùng quê biển trong những ngày chuẩn bị đón xuân Tân Sửu, chúng tôi được hòa chung niềm vui của người dân nơi đây trước những thành tựu mới dồn dập đến. Đó là niềm tự hào của người dân xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) khi vùng nuôi liên kết Lenger Farm của địa phương trở thành đơn vị đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới đạt chứng nhận ASC cho ngao Meretrix Lyrata. KCN Dệt may Rạng Đông đã bước đầu thu hút được 2 nhà đầu tư nước ngoài về xây dựng nhà xưởng sản xuất, hứa hẹn thêm cơ hội việc làm mới cho hàng nghìn lao động địa phương. Cầu Thịnh Long nhịp cầu nối đôi bờ yêu thương, nối những miền trù phú bên dòng Ninh Cơ với các vùng kinh tế trọng điểm quốc gia. Sau 5 năm thực hiện chủ trương phát triển các địa phương ven biển thành vùng kinh tế động lực, là cực tăng trưởng phía nam của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2015-2020), những làng, xã, ven biển của tỉnh ngày càng khởi sắc.

Tàu thuyền khai thác hải sản cập bến cá Giao Hải, huyện Giao Thủy

Tàu thuyền khai thác hải sản cập bến cá Giao Hải, huyện Giao Thủy.

Ảnh: Thúy Vy

Thành tựu đã đạt được 

Nhờ có sự định hướng, hỗ trợ của các cấp chính quyền, ngành chức năng từ đầu tháng 8-2019 anh Phạm Nhất Thống cùng các hộ nuôi ngao ở xã Nam Ðiền (Nghĩa Hưng) chính thức phối hợp với Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam xây dựng chuỗi liên kết đạt chuẩn ASC. Sau quá trình nghiêm túc thực hiện chặt chẽ các tiêu chuẩn đòi hỏi, tháng 12-2020 vùng nuôi ngao liên kết Lenger Farm đủ điều kiện trở thành vùng nuôi đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới đạt chứng nhận ASC cho ngao Meretrix Lyrata. ASC là tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt nhất áp dụng cho nuôi trồng thủy sản, là Bộ tiêu chuẩn của Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản xây dựng trên 4 nền tảng chính là Môi trường, Xã hội, An sinh động vật và An toàn thực phẩm. Vì vậy, thành tựu đạt được không chỉ mở ra cơ hội mới về tăng hiệu suất lao động, nâng tầm thương hiệu cho vùng nuôi ngao liên kết Lenger Farm 500ha của anh Thống và các hộ nuôi xã Nam Ðiền mà còn giúp Nam Ðịnh nói riêng và Việt Nam nói chung định vị được thương hiệu con ngao trên thế giới. Bên cạnh con ngao, tỉnh ta còn chú trọng khuyến khích, hỗ trợ các hộ nuôi thủy sản hướng đến phát triển nuôi trồng bền vững, có trách nhiệm xã hội và đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Ngoài vùng nuôi ngao liên kết Lenger Farm đạt chứng nhận ASC, tỉnh còn nhiều sản phẩm đã định vị được thương hiệu trên thị trường như cá bống bớp Nghĩa Hưng, chả cá Hùng Vương, nước mắm Ninh Cơ, nước mắm Giao Châu, tôm tươi sống, ngao sạch Giao Thủy, muối biển nhạt Royal, ngao sạch Lenger... Trong lĩnh vực khai thác thủy sản, đã tập trung nâng cao năng lực khai thác xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đội tàu đánh bắt xa bờ phát triển cả số lượng và năng lực vươn khơi, đánh bắt tại các ngư trường rộng khắp từ Quảng Ninh đến Bà Rịa - Vũng Tàu với gần 2.200 tàu, thuyền công suất từ 800CV trở lên. Ngoài ra, các địa phương có biển cũng nỗ lực phát triển kinh tế du lịch biển. Ðã chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ các tour du lịch theo hướng kết hợp với các loại hình vui chơi giải trí, thi đấu thể thao, du lịch hội nghị, hội thảo công vụ, nghiên cứu khoa học tại các khu du lịch biển Quất Lâm, Thịnh Long, thắng cảnh nhà thờ đổ xã Hải Lý; chú trọng phát huy giá trị Khu dự trữ sinh quyển thế giới đất ngập nước ven biển (Ramsar) liên tỉnh châu thổ sông Hồng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng tại Vườn quốc gia Xuân Thủy. 

Ðặc biệt, tỉnh đã chủ động bổ sung quy hoạch vùng kinh tế biển bao gồm quy hoạch Khu kinh tế Ninh Cơ có quy mô 13.950ha trên địa bàn hai huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng; quy hoạch 21 CCN địa phương với tổng diện tích hơn 500ha ở các huyện ven biển. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung Khu Kinh tế Ninh Cơ vào Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam đến năm 2020 với kỳ vọng trở thành một trung tâm lớn trong giao thương quốc tế về công nghiệp, thương mại, du lịch và cảng biển của vùng nam đồng bằng sông Hồng; được tập trung xây dựng theo các tiêu chí về KCN, khu chế xuất và khu kinh tế với các KCN thành phần, gồm: Thịnh Long (Hải Hậu), Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng), Dệt may Rạng Ðông (Nghĩa Hưng). Trong nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh tập trung triển khai thực hiện và đã hoàn thành, đưa vào sử dụng một số dự án, công trình lớn, có ý nghĩa chiến lược, lâu dài, tạo động lực cho phát triển vùng kinh tế biển như: cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ; 47,2km tỉnh lộ 488 (từ cầu Vòi đến thị trấn Thịnh Long); xử lý khẩn cấp một số đoạn đê kè xung yếu thuộc tuyến đê biển tỉnh… Hiện nay tỉnh đã và đang tập trung thực hiện một số dự án trọng điểm có tính chiến lược đối với phát triển vùng kinh tế biển nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh nói chung như: Giai đoạn 2 tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; tuyến đường bộ ven biển; Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Ðịnh I; dự án Tổng kho và cảng xuất nhập xăng dầu... Khi hoàn thành, đưa vào khai thác, các dự án này sẽ tạo sức hút lớn cho các huyện ven biển trong thu hút đầu tư, tạo đà phát triển lâu dài, làm thay đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, thu ngân sách, tăng thu nhập cho người dân. Dự án KCN Dệt may Rạng Ðông giai đoạn một (gần 600ha) đã cơ bản hoàn tất hạ tầng và đã cung ứng mặt bằng cho 2 nhà đầu tư thứ cấp nước ngoài xây dựng nhà máy dệt vải với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 200 triệu USD. Một số doanh nghiệp lớn cũng đã triển khai dự án đầu tư tại các CCN của huyện Giao Thủy; đã có một số tập đoàn kinh tế lớn, tiêu biểu quan tâm nghiên cứu cơ hội đầu tư vào các huyện vùng biển Hải Hậu, Nghĩa Hưng của tỉnh.

Công ty TNHH Đóng tàu Thịnh Long, huyện Hải Hậu tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương (ảnh 2).

Công ty TNHH Đóng tàu Thịnh Long, huyện Hải Hậu tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Ảnh: PV

Ðịnh hướng phát triển

Thực hiện Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 12-10-2020 thực hiện Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020-2025 của Tỉnh ủy, Nghị quyết chuyên đề về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh Nam Ðịnh giai đoạn 2021-2025 đang được gấp rút hoàn thiện để Tỉnh ủy sớm ban hành nhằm tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp thiết thực. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình hành động số 28-CTr/TU ngày 5-12-2018 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa XII) về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Từng bước xây dựng không gian kinh tế liên kết khu vực biển huyện Nghĩa Hưng gồm đô thị Rạng Ðông, Thịnh Long - KCN Dệt may Rạng Ðông - Khu chức năng phía nam đô thị Rạng Ðông theo hướng phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó chuyên sâu về: Phát triển công nghiệp, thương mại hỗn hợp, các khu vui chơi giải trí, công viên chuyên đề, khách sạn cao cấp, resort ven biển, sân golf để hướng tới du lịch sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch thể thao, văn hóa, giải trí gắn với khám phá, trải nghiệm, ẩm thực, tổ chức sự kiện. Tập trung triển khai Khu kinh tế Ninh Cơ theo Quyết định số 1453/QÐ-TTg ngày 24-9-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng và phát triển các đô thị ven biển (Thịnh Long, Quất Lâm, Rạng Ðông), trong đó xây dựng đô thị Thịnh Long - Rạng Ðông trở thành thành phố trung tâm phía tây nam của tỉnh với chức năng phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch. Trong năm 2021, tập trung xây dựng, hoàn thành quy hoạch phân khu chức năng phía nam đô thị Rạng Ðông đến năm 2040 để kêu gọi đầu tư. Rà soát, bổ sung quy hoạch các khu, CCN, khu đô thị, thương mại dịch vụ để thúc đẩy thu hút doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài, đầu tư phát triển kinh tế tại các KCN ven biển. Trong đó, tăng cường thu hút đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ KCN Dệt may Rạng Ðông, từng bước hình thành khu đô thị thương mại, dịch vụ dệt may - thời trang hiện đại. Ưu tiên thu hút các dự án quy mô lớn, hiện đại; tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu với các ngành công nghiệp công nghệ cao như thiết bị điện, điện tử, công nghiệp phần mềm, dược phẩm; tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung nghiên cứu xây dựng quy hoạch các vùng nuôi trồng thủy sản, để từng bước quản lý chặt chẽ và phát triển bền vững hoạt động nuôi trồng thủy sản. Ưu tiên đầu tư nuôi thủy sản hàng hóa, công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích ký kết hợp tác khai thác hải sản vùng biển nước ngoài, ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp, tham gia hiệp định nghề cá khu vực và trên thế giới. Chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch phục vụ đa dạng du khách, nhất là khách quốc tế; đa dạng hóa các chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch, nhất là các sản phẩm hàng hóa du lịch từ tài nguyên biển, các sản phẩm đặc trưng của địa phương trên cơ sở bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học biển; phát huy giá trị du lịch Khu dự trữ sinh quyển thế giới đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng./.

Thanh Thúy


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com