Nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường làng nghề (kỳ 2)

06:01, 11/01/2021

(Tiếp theo và hết)

Nguyên nhân bất cập trong bảo vệ môi trường (BVMT) làng nghề được các ngành chức năng, các địa phương của tỉnh nhận diện thẳng thắn, chỉ rõ: Người dân làm nghề chưa tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT tại các làng nghề. Tổ chức bộ máy cán bộ, năng lực quản lý Nhà nước về BVMT làng nghề (nhất là cấp huyện, xã) chưa đáp ứng được yêu cầu; chính quyền nhiều địa phương chưa quan tâm thực hiện hết trách nhiệm trong công tác BVMT làng nghề. Trên cơ sở đó đề ra các giải pháp thiết thực nâng cao hiệu quả quản lý, BVMT làng nghề.

Xây dựng hạ tầng CCN Thịnh Lâm (Giao Thủy), góp phần tạo mặt bằng sạch thu hút các doanh nghiệp trong làng nghề di dời vào sản xuất tập trung.
Xây dựng hạ tầng CCN Thịnh Lâm (Giao Thủy), góp phần tạo mặt bằng sạch thu hút các doanh nghiệp trong làng nghề di dời vào sản xuất tập trung.

II. Giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường làng nghề

Theo Giám đốc Sở TN và MT Phạm Văn Sơn, có nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến kết quả quản lý, BVMT làng nghề trên địa bàn tỉnh đạt kết quả chưa cao. Cụ thể: Các hộ sản xuất trong làng nghề có quy mô sản xuất nhỏ lẻ hoạt động theo thời vụ, thiết bị, công nghệ sản xuất lạc hậu dẫn đến lượng chất thải phát sinh lớn và địa điểm phát sinh chất thải lớn, gây khó khăn cho việc bố trí xử lý chất thải tập trung. Nguồn chi sự nghiệp môi trường chưa đáp ứng yêu cầu BVMT chung, trong đó nguồn vốn thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề còn hạn chế. Nhiều làng nghề còn nằm xen kẽ trong khu dân cư nhưng việc chuyển đổi di dời của các cơ sở sản xuất trong làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vào các CCN làng nghề còn gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn lực, kinh phí, quỹ đất quy hoạch CCN, khó thay đổi thói quen, tập quán sản xuất của người dân. Bên cạnh đó, ý thức, nhận thức BVMT của các hộ sản xuất còn hạn chế; nhiều hộ mặc dù đã nhận thức đầy đủ nhưng vì lợi ích cá nhân, còn hạn chế về tiềm lực kinh tế nên vẫn chưa tự giác thực hiện các quy định pháp luật trong các khâu thu gom, xử lý, quản lý chất thải, BVMT tại các làng nghề. Trong khi đó, bộ máy quản lý Nhà nước các cấp về BVMT còn chồng chéo. Vai trò, trách nhiệm trong công tác BVMT làng nghề giữa các ngành và giữa các ngành với địa phương còn chưa rõ ràng. Theo phân cấp, hiện nay làng nghề đang phải chịu sự quản lý của nhiều ngành: Sở NN và PTNT quản lý về ngành nghề, lao động; Sở Công Thương quản lý về CCN, điểm công nghiệp làng nghề và tiêu thụ sản phẩm; Xây dựng quản lý về xây dựng hạ tầng xử lý chất thải; Sở TN và MT quản lý về môi trường; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý về du lịch; Sở Thông tin và Truyền thông quản lý về văn hóa. Ðáng bàn, tổ chức bộ máy, năng lực quản lý Nhà nước về BVMT làng nghề hiện chưa được quan tâm, chưa đáp ứng được yêu cầu (nhất là cấp huyện, cấp xã). Một số địa phương vẫn coi nhẹ môi trường, còn đưa nhiệm vụ BVMT xuống hàng thứ yếu so với mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội dẫn đến tình trạng chưa quản lý chặt chẽ công tác BVMT, chưa kịp thời xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường làng nghề.

Ðể nâng cao hiệu quả quản lý, BVMT làng nghề, tỉnh xác định biện pháp tiên quyết phải thực hiện trong giai đoạn hiện nay là nâng cao trách nhiệm thực thi các quy định pháp luật về BVMT làng nghề cho các cơ sở, doanh nghiệp làm nghề và đội ngũ cán bộ, lãnh đạo các cấp chính quyền, ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở, nhất là đội ngũ cán bộ thực hiện công tác BVMT cấp huyện, cấp xã. Cụ thể, phải tăng cường và duy trì thường xuyên, liên tục công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của ngành chức năng, chính quyền cơ sở, mỗi người dân về BVMT nói chung và BVMT làng nghề. Tăng cường năng lực về vật chất và nhân lực cho bộ máy quản lý về bảo vệ môi trường ở các cấp. Ðối với cán bộ chuyên môn cấp xã cần bố trí chuyên trách về môi trường, không để cán bộ cấp xã kiêm nhiệm quá nhiều nhiệm vụ như hiện nay. Bên cạnh đó, cần bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật; tăng nguồn chi sự nghiệp môi trường hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải cho các làng nghề có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao; đẩy mạnh thu hút xã hội hóa trong đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải làng nghề. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về BVMT của cấp xã; nếu địa phương nào để xảy ra ô nhiễm môi trường trên địa bàn mà không có biện pháp xử lý kịp thời, để kéo dài thì phải xử lý trách nhiệm của chủ tịch UBND xã và cán bộ chuyên môn có liên quan. Hiện nay, các huyện, thành phố đã lồng ghép trong chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, đẩy mạnh yêu cầu các xã, thị trấn lập phương án BVMT làng nghề trình duyệt theo quy định và tổ chức thực hiện đúng phương án BVMT làng nghề đã được phê duyệt. Yêu cầu các xã phải xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm nhằm phát hiện, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT tại các cơ sở sản xuất trong làng nghề. Nhiều xã, thị trấn cũng tạo cơ chế khuyến khích cộng đồng làng nghề tham gia giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý và khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường; đồng thời tranh thủ tối đa các nguồn lực để đầu tư các công trình BVMT làng nghề. Tại làng nghề Bình Yên xã Nam Thanh (Nam Trực) hiện đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung bằng nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề (nay là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới). Làng nghề Vân Chàng, xã Nam Giang (Nam Trực) đã được đầu tư hệ thống thu gom nước thải công nghiệp dẫn qua 2 hồ điều hòa để lắng cặn trước khi xả ra ngoài môi trường. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã đầu tư cải tạo, khơi thông hệ thống cống rãnh, mương thoát nước trong làng nghề đảm bảo không xảy ra tình trạng ngập úng, ứ đọng nước mưa, nước thải; cảnh quan môi trường làng nghề có sự thay đổi, chuyển biến rõ rệt.

Thời gian tới, các cấp chính quyền, ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch, thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ xây dựng, mở rộng hạ tầng các khu, CCN để các cơ sở, doanh nghiệp trong làng nghề di dời vào khu sản xuất tập trung, đã trang bị đồng bộ công trình BVMT theo quy định. Tăng cường kiểm soát công nghệ cũ, công nghệ lạc hậu tại các làng nghề; tích cực nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ sạch, công nghệ xử lý chất thải cho các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ theo hướng vận hành đơn giản, ổn định, tiết kiệm chi phí và xử lý môi trường hiệu quả. Ðẩy mạnh công tác hướng dẫn, kiểm tra, rà soát việc tuân thủ các quy định về BVMT đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề. Ðối với các ngành nghề không được khuyến khích phát triển tại làng nghề nếu không tuân thủ các quy định về xử lý chất thải thu gom, vận chuyển đảm bảo quy định phải di dời vào khu, CCN, khu sản xuất tập trung bên ngoài khu dân cư; chuyển đổi ngành nghề sản xuất; chấm dứt hoạt động sản xuất, không cho phép thành lập mới các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com