Trong miền ký ức

07:09, 02/09/2020

Trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, ông Lê Sỹ Lai, đường Hàn Thuyên, phường Vị Xuyên (thành phố Nam Định) nguyên Giám đốc Bệnh viện Lao (nay là Bệnh viện Phổi Nam Định) kể cho chúng tôi nghe nhiều kỷ niệm. Với 87 năm tuổi đời, 52 năm tuổi Đảng, ông Lai hiện đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm”. Bước chân không còn nhanh nhẹn, giọng nói và tay có dấu hiệu run nhưng đầu óc ông vẫn minh mẫn. Trong trí nhớ của ông vẫn hãy còn đầy ắp ký ức hào hùng về những ngày cùng đơn vị hành quân xuyên đêm lên Chiến khu Việt Bắc đánh trận Điện Biên Phủ. Rồi cả những tháng ngày thanh xuân nhiệt huyết cùng đồng chí, đồng nghiệp đạp xe đi vận động, xây dựng mạng lưới chống lao cho các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam.

Ông Lê Sỹ Lai, đường Hàn Thuyên, phường Vị Xuyên, thành phố Nam Định với những phần thưởng cao quý được Đảng, Nhà nước phong tặng.
Ông Lê Sỹ Lai, đường Hàn Thuyên, phường Vị Xuyên, thành phố Nam Định với những phần thưởng cao quý được Đảng, Nhà nước phong tặng.

Sinh ra tại xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), sau một thời gian vào quân ngũ, năm 1952, ông Lai chuyển công tác về Trung đoàn chủ lực của Quân khu Việt Bắc. Những năm tháng này ấn tượng đọng lại sâu sắc trong ông là ký ức về những ngày hành quân gian khổ, tinh thần chiến đấu quả cảm của bộ đội và nghĩa tình đồng bào thắm thiết. Ông Lai kể: “Đơn vị tôi hồi đó đóng quân ở Thái Nguyên, vào mùa khô có nhiệm vụ “quấy rối” trật tự trị an vùng địch hậu của các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc nhằm thu hút, phân tán lực lượng địch… tạo điều kiện để quân chủ lực chiến đấu ở chiến trường”. Hoạt động ở vùng địch hậu trong điều kiện thiếu thốn trăm bề, theo ông Lai đó đúng nghĩa là những ngày “nằm gai, nếm mật”, bởi đa phần thời gian ông cùng với đơn vị sống, sinh hoạt dưới hầm. Ông nhớ mãi lần cùng đồng đội đi chống càn ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Khi đó địch điều động số lượng quân lớn đánh vào khu tranh chấp của huyện Thuận Thành. Bộ đội, dân quân du kích địa phương chiến đấu dũng cảm, nhiều người trong số đó hy sinh hoặc bị thương. Ông Lai cùng các y, bác sĩ lao ra giữa trận địa sơ cấp cứu, vận chuyển thương binh về tuyến sau điều trị. Đạn bắn rát trên đầu, sau lưng nhưng những y, bác sĩ vẫn liều mình che chắn cho bộ đội, thương binh. “Trong trận chiến này, nếu không nhanh chân chạy xuống hầm thì tôi rất có thể đã hi sinh”, ông Lai cho biết. Ký ức khốc liệt về những năm tháng chiến tranh còn là những lần ông gạt nước mắt chứng kiến đồng chí, đồng đội bị thương rồi hy sinh ngay trong vòng tay ông, trên bàn phẫu thuật… Kháng chiến chống Pháp kết thúc bằng thắng lợi vang dội của trận Điện Biên Phủ chấn động năm châu, buộc người Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán. Hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông Lai chuyển ngành đi học y sĩ tại Trường Cán bộ y tế ở Hà Nội. Học xong, những năm 1958-1959, ông được điều về làm việc tại Bệnh viện Hà Giang. Năm 1960, ông tiếp tục được điều động về công tác ở Viện Điều dưỡng Nam Định. Năm 1962, ông Lai được cử đi học bác sĩ ở Hà Nội. Năm 1966, ông về công tác tại Trạm chống lao của tỉnh Nam Định (nay là Bệnh viện Phổi Nam Định). 

Thuộc những thế hệ đầu tiên đặt nền móng xây dựng bệnh viện, khoảng thời gian công tác ở Bệnh viện Lao cũng để lại trong ông rất nhiều kỷ niệm khó quên. “Những năm miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, khi đó cơ sở vật chất của bệnh viện vẫn còn nghèo nàn, lạc hậu. Khó khăn nhất là thời kỳ giặc Mỹ bắn phá miền Bắc, cả bệnh viện trong đêm phải đi sơ tán lên các vùng Nhân Hậu, Duy Tiên (Hà Nam). Do đối tượng điều trị đặc thù nên chúng tôi không thể dựng lán trại trong khu vực dân cư. Cả bệnh nhân, y, bác sĩ đi xin, nhặt nhạnh nào gỗ, tranh, nứa… để dựng lán trại ngoài triền đê sát bờ sông. Khi đó cái gì cũng thiếu, thiếu điện, thiếu nước sạch, thuốc men rồi lương thực, thực phẩm. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, cái “đủ” nhất của chúng tôi vẫn là bệnh nhân được điều trị, ăn uống đầy đủ. Khắc phục mọi khó khăn, đội ngũ y, bác sĩ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, ông Lai chia sẻ. Ông Lai còn nhớ cả những ngày rong ruổi đạp xe khắp các huyện, thành phố của tỉnh Hà Nam Ninh cũ đi xây dựng các cơ sở điều trị ngoại trú lao ở nông thôn. Theo đó, đoàn công tác có nhiệm vụ xây dựng đội ngũ y, bác sĩ phòng chống lao; cung cấp phác đồ điều trị; cung cấp thuốc cho tuyến cơ sở để mọi bệnh nhân lao ở các vùng nông thôn đều có thể được điều trị. “Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, cơ sở vật chất thiếu thốn, việc xây dựng được mạng lưới chống lao là cố gắng rất lớn của ngành Y tế tỉnh nói chung, Bệnh viện Lao nói riêng. Chúng tôi vô cùng tự hào khi được Trung ương đánh giá là một trong những tỉnh có phong trào phòng chống lao tốt nhất trong cả nước lúc bấy giờ”, ông Lai chia sẻ thêm. Chiến thắng lịch sử ngày 30-4-1975 mở ra kỷ nguyên độc lập, thống nhất cho dân tộc ta. Hòa bình lập lại, năm 1977, ông Lai được Đảng, Nhà nước cử đi học tập, nghiên cứu tại Cộng hoà Séc. Sau thời gian nghiên cứu sinh ở nước ngoài, năm 1982, ông về lại bệnh viện công tác và được cử làm Phó trạm trưởng kiêm Phó giám đốc Bệnh viện Lao Nam Định. Từ năm 1985 cho đến khi về hưu, ông đảm nhiệm vị trí giám đốc bệnh viện. Về nghỉ chế độ, mặc dù sức khỏe không được tốt song ông vẫn tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương. Ông là Bí thư chi bộ tổ dân phố số 7, phường Vị Xuyên trong suốt 5 khóa. Ghi nhận những đóng góp của ông Lai, Đảng, Nhà nước tặng ông nhiều danh hiệu cao quý như: Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên; Huy hiệu Vì sự nghiệp phòng chống lao; Vì sự nghiệp Chữ thập đỏ….

Mùa thu này, ông Lai có nhiều niềm vui, đơn giản nhất là sáng sáng vẫn có đủ sức khỏe để đi gặp gỡ, trò chuyện cùng những người bạn trong hội hưu trí, những đồng nghiệp công tác tại bệnh viện, trong ngành Y với ông ngày xưa. Ông càng vui hơn khi chứng kiến sự đổi thay, phát triển mạnh mẽ của đất nước, quê hương. Đã từng kinh qua chiến trường, từng chứng kiến những trận pháo địch nã rầm rập trên đầu, từng ở vào giây phút mong manh giữa sự sống và cái chết, điều mà ông cũng như những cựu chiến binh tha thiết muốn nhắn nhủ hơn cả, là mỗi người được sống trong hòa bình hôm nay hãy biết trân quý thêm cuộc sống này. Tổ quốc độc lập, thống nhất được đắp đổi bằng xương máu của những người lính, những giọt nước mắt xé tâm can của bao bà mẹ, người vợ… Do đó, mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, ngoài lòng biết ơn, sự tri ân tốt nhất là hãy đem tất cả tinh thần, trí tuệ, lòng nhiệt huyết viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc, làm nên những chiến thắng mới trong hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com