Đường về "nẻo thiện"

07:07, 31/07/2020

Họ là những lao động “đặc biệt” bởi phần lớn đều dính án tù. Người ít từng nhập trại giam một lần, người nhiều thì “đi lại” cũng 3-4 lần với quãng thời gian ở tù bằng 1/3 tuổi đời với đủ các tội: tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, trộm cắp tài sản… Cánh cửa tương lai tưởng chừng như đóng sập với họ. Nhưng bằng ý chí, quyết tâm, họ đã đứng dậy, bảo ban nhau làm lại cuộc đời.

Anh Trần Mạnh Hà ở Khu đô thị Thống Nhất (thành phố Nam Định) học nghề sửa chữa ô tô.
Anh Trần Mạnh Hà ở Khu đô thị Thống Nhất (thành phố Nam Định) học nghề sửa chữa ô tô.

Tình cờ tôi gặp nhóm thợ khi đang thi công công trình mái tôn chống nóng cho người bạn ở thành phố Nam Định. Trái với sự suy nghĩ của nhiều người khi nhìn thấy những hình xăm của dân xã hội, họ làm việc rất cần mẫn, chăm chỉ giữa thời tiết nắng nóng. Không những thế, họ nhiệt tình tư vấn cho gia chủ phương án thi công tối ưu, đẹp về thẩm mỹ, sử dụng vật liệu hiệu quả, không tốn kém. Tranh thủ phút giải lao, tôi gặp anh Vũ Xuân Hải ở đường Cao Bá Quát, phường Trường Thi (thành phố Nam Định) là người đứng đầu nhóm lao động. Anh Hải năm nay 40 tuổi thì có tới 14 năm ngồi tù với 4 tiền án tội mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy. Anh cho biết: “Tôi không ngờ chỉ một lần chạm vào ma túy để thử những ảo giác mà cuộc đời đi xa đến vậy. Những cơn vật đói thuốc xảy ra hàng ngày khiến hoa mắt, run rẩy tay chân, mồ hôi vã như tắm. Những lần bị “sốc thuốc”, bạn đạp thẳng chân vào ngực để tỉnh lại. Không có tiền mua thuốc, tôi luôn nghĩ cách “xoay”, sau đó tìm đến trộm cắp tài sản. Án tích đầu tiên 9 tháng không làm thay đổi con người đã trót sa vào nghiện ngập. Cứ ra tù được mấy tháng, tôi lại vào tù, trong đó án nặng nhất 7 năm rưỡi. Cán bộ công an trại giam Ba Sao (Hà Nam) cứ nhìn thấy tôi nhập trại lại ngán ngẩm lắc đầu vì án tích chồng án tích(!)”. “Anh cai nghiện có lâu không?”, tôi hỏi. “Nhiều chứ, số lần cai của tôi phải trên 10 lần. Lần nào cũng quyết tâm lắm nhưng sau một thời gian lại “ngựa quen đường cũ”, kể cả sau năm 2013 khi tôi học nghề thiết kế quảng cáo và lấy vợ, sinh con ở Đắk Lắk. Gia đình nội ngoại 2 bên, vợ động viên cũng về Nam Định quyết tâm cai, đi làm. Nhưng được mấy tháng, một hôm tôi với người bạn từng nghiện sau giờ làm đi về, gặp tay bán ma túy hất hàm bảo “mua không, 100 nghìn đồng/tép?”. Lúc ấy, chả hiểu sao tôi gật đầu mua, thế là nghiện lại. Vì nghiện ngập, ngày tôi hút 3 tép thuốc, mỗi tép 100 nghìn đồng, sức khỏe yếu dần nên nghỉ việc. Khi không có tiền mua thuốc nên xoay trộm cắp vặt nên dính án 30 tháng tù. Thời gian ngồi chịu phạt tù lần này, tôi suy nghĩ rất nhiều. Buồn, thất vọng bởi mình không có bản lĩnh. Con cái còn nhỏ, sinh ra thiếu bàn tay chăm sóc của cha. Kinh tế gia đình khó khăn, gia đình vẫn thuộc hộ cận nghèo của địa phương”. Sau khi ra trại năm 2017, anh Hải quyết tâm phải làm lại cuộc đời. Anh lên Hà Nội làm và học nghề cơ khí, nhưng xa nhà, cuộc sống không ổn định nên anh về nhà tìm việc. Lúc đầu, anh nhận làm thợ các công trình nhỏ do người quen giới thiệu. Mỗi công trình, anh đều tự tay thiết kế đồ họa trên máy tính rồi tư vấn cho gia chủ mua nguyên vật liệu. Các công trình đều đẹp, chắc chắn, thợ thi công cẩn thận nên được người thuê đánh giá cao. Sau khi có uy tín, khách hàng đến với anh ngày càng đông. Ngoài những công trình dân dụng nhỏ, với việc thi công cẩn thận, chắc chắn, thẩm mĩ cao, nhóm của anh Vũ Xuân Hải được nhiều người giới thiệu tới các doanh nghiệp xây dựng các công trình lớn như lợp toàn bộ mái tôn Phòng khám đa khoa 108 Nam Định (thành phố Nam Định) diện tích trên 1.200m2, làm hệ thống nhà trồng lan của Trang trại lan hoàng vũ Thành Công, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) diện tích 80m2; lợp mái tôn xưởng sản xuất Công ty Gạch Granit Nam Định, KCN Hòa Xá (thành phố Nam Định); lợp mái Công ty Xây dựng ABD ở KCN Đồng Văn (Hà Nam)... Hiện tại, anh đang triển khai thực hiện việc lắp đặt 1.000 tấm pin điện mặt trời cho một doanh nghiệp ở thành phố Nam Định…

Từ quá trình khởi nghiệp đến phát triển như hiện nay, anh Hải đã mời những người bạn của mình cùng tham gia. Các bạn làm cùng anh phần lớn đều là những người đã từng lầm lỡ vì nghiện ma túy, có án tích. Người ít thì đi trại một lần, người nhiều thì 2-3 lần. Có người đã cai nghiện xong, nhưng có người vẫn còn đang trong quá trình uống methadone để cai dần.  Họ có chung quyết tâm làm lại cuộc đời, sống lương thiện để chăm lo gia đình, vợ con. Anh Hải đầu tư mua máy móc, dạy các bạn học nghề từ cách sử dụng máy hàn, máy cắt… Những cánh tay xăm trổ lúc đầu lóng ngóng với công việc cơ khí dần dần cũng quen thành thạo từng việc. Có chứng kiến họ thi công các công trình giữa trời nắng nóng mồ hôi đổ ra như tắm mới biết quyết tâm làm lại cuộc đời lớn như thế nào. Anh Hải chỉ vào anh Trần Mạnh Hà, nhà ở Khu đô thị Thống Nhất cho biết: “Đây là bạn thân của anh, gia đình có điều kiện nhưng vì trót dính ma túy cũng lang thang khắp mọi miền đất nước, vào tù nhiều lần. Gia đình chán lắm, tưởng bỏ đi rồi. Vậy mà sau khi lấy vợ, có con nhỏ thì thay đổi. Gần 2 năm nay làm với anh em, nó cũng chịu khó lắm. Sáng nào, nó cũng đi muộn 30 phút so với anh em vì còn qua Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để uống methadone điều trị cai nghiện ma túy. Đến nay, cơ bản đã bỏ được ma túy”. Để duy trì công việc thường xuyên cho anh em, anh Hải cũng liên hệ với một số xưởng sửa chữa ô tô, cơ sở xăm nghệ thuật để anh em phụ giúp vừa học thêm nghề, đảm bảo thu nhập. Nhiều người ngoài tưởng anh Hải làm chủ nhóm, trả công cho người lao động nhưng thực sự lại không phải vậy. Anh Hải bảo, cùng các bạn làm chung, cùng bỏ công sức, cùng hưởng thành quả. Mỗi người một việc, không có sự phân biệt. Trong quá trình làm chung, họ còn “giám sát” nhau không mắc nghiện lại. Bởi họ đều hiểu, với ma túy “mắc thì dễ, bỏ thì khó” cần có sự động viên, giám sát để không mắc lại. Anh Hải hạn chế ứng tiền lương trước cho từng người, chỉ trường hợp đặc biệt, biết nguyên nhân anh mới ứng. Hàng tháng, anh Hải gửi tiền lương cho các bạn nhưng khéo léo để gia đình, vợ con họ đều biết để giám sát. Trung bình hàng tháng mỗi người được nhận tiền công từ 7-8 triệu đồng. Các gia đình trong nhóm cũng tích cực thường xuyên trao đổi thông tin, gặp gỡ, cùng nhau chia sẻ cách quản lý, chăm sóc con cái, động viên chồng không giao lưu, gặp gỡ những bạn xã hội tránh mắc lại.

Từ bóng tối để bước ra ánh sáng thật sự rất khó khăn đối với những người đã từng lầm lỗi, nhất là những người từng nghiện ma túy. Để vượt lên số phận, ngoài sự quyết tâm của bản thân, sự động viên của gia đình, bạn bè, thì sự bao dung, tạo điều kiện của xã hội đã giúp cho họ có điều kiện lao động, không mắc lại sai lầm. Hai năm qua, anh Vũ Xuân Hải và các bạn của mình đã đi đúng con đường mình đã chọn, trở thành những người dân lương thiện./.

Bài và ảnh: Đức Thiện

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com