Trầm lắng thị trường sách và đồ dùng học tập trước năm học mới

08:08, 31/08/2020

Năm học mới 2020-2021 đã cận kề nhưng không giống như mọi năm, thời điểm này, thị trường sách và đồ dùng học tập trên địa bàn thành phố Nam Định khá trầm lắng.

Cán bộ Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị giáo dục Nam Định chuẩn bị sách giáo khoa cung ứng đến các đại lý trong tỉnh.  Bài và ảnh: Hồng Minh
Cán bộ Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị giáo dục Nam Định chuẩn bị sách giáo khoa cung ứng đến các đại lý trong tỉnh.

Qua khảo sát tại một số hiệu sách, cửa hàng đồ dùng học tập cho thấy, từ tháng 7, hầu hết các đơn vị kinh doanh đều có chương trình khuyến mại, giảm giá kèm quà tặng cho người mua. Các đầu sách năm nay phần lớn đều là sách tái bản, không có thay đổi nhiều về giá cả và nội dung. Chỉ có sách giáo khoa lớp 1 thay đổi theo 5 bộ đề gồm: Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Vì sự bình đẳng dân chủ trong giáo dục, Cùng học đều năng lực. Hiện nay, giá một bộ sách giáo khoa từ lớp 2 đến lớp 12 dao động từ gần 200 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng/bộ. Đối với vở viết, các nhà cung ứng đã cho ra thị trường các loại vở có giấy đẹp, chống lóa, chống nhòe mực…; các mặt hàng khác như dụng cụ học tập, cặp sách, đèn học… cũng khá đa dạng, phù hợp với lứa tuổi của các em. Ngoài các mẫu mã thông thường, cặp sách, ba lô còn có các kiểu dáng phong phú, nhiều mẫu mã cải tiến phù hợp với học sinh như: ba lô, cặp sách có tay kéo để học sinh nhỏ tuổi tránh bị đau lưng, gù lưng; cặp không thấm nước, không mùi, có quai đeo trợ lực, hình ảnh ngộ nghĩnh, phù hợp với mọi lứa tuổi học sinh, có giá trung bình từ 150 nghìn đến 450 nghìn đồng/chiếc. Các loại bút, thước kẻ, tẩy, gọt bút chì, hộp bút, giấy bọc vở với nhãn hiệu hàng Việt Nam chất lượng như Hồng Hà, Thiên Long, Bến Nghé được bày bán với các mẫu đa dạng. Tuy nhiên, số lượng người đến mua ở các cửa hàng khá ít, chủ yếu là tìm mua các đồ dùng học tập thiết yếu, sách bổ trợ. Chị Lan, nhân viên một cửa hàng sách và đồ dùng học tập trên đường Trần Huy Liệu (thành phố Nam Định) cho biết: “Năm nay, lượng khách đến mua giảm nhiều so với năm ngoái. Có thể, ngoài việc kinh tế của nhiều gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì nhiều người ngại đến chỗ đông người”. Tại Nhà sách Nhân dân thành phố Nam Định (đường Lê Hồng Phong), dù có đủ các loại sách giáo khoa, sách tham khảo và các loại đồ dùng học tập “hot” nhất trên thị trường được xếp đầy trên kệ nhưng cũng khá vắng khách. Chị Hoa nhà ở phố Phan Đình Phùng dẫn con gái năm nay lên lớp 4 đi một vòng nhà sách, cuối cùng chị cũng chọn được một xấp nhãn vở và ít bút mực cho con. Chị chia sẻ: “Vợ chồng tôi đều làm công nhân, tuy chưa phải nghỉ việc do dịch bệnh COVID-19 nhưng ngày công cũng bị cắt giảm đi nhiều. Tôi lo sợ nếu chẳng may dịch bệnh diễn biến khó lường, công ty không còn duy trì được sản xuất thì kinh tế sẽ rất khó khăn. Vì thế, tôi luôn nhắc nhở các con tiết kiệm triệt để, đồ dùng nào còn sử dụng được sẽ không mua. Về sách giáo khoa và áo đồng phục thì con lớp bé sẽ tận dụng lại sách của chị. Tôi chỉ phải mua bộ sách giáo khoa lớp 6 cho con gái lớn nên cũng giảm chi phí đi nhiều”. Với đồng lương công nhân, người lao động trong thời buổi khó khăn này, để lo cho 2 con đang tuổi ăn, tuổi học là điều không dễ. Anh Lê Văn Thành, ở xã Nam Phong đưa con trai năm nay lên lớp 12 đi mua sách cũ ở đường Lê Hồng Phong cho biết: “Năm nay cháu ôn thi tốt nghiệp và đại học, việc học rất quan trọng nhưng con nói không cần thiết phải mua sách mới, tiền để dành mua thuốc cho mẹ đang bị bệnh. Theo cháu tìm hiểu, ngoài sách giáo khoa, ở hiệu sách cũ còn có rất nhiều sách tham khảo, bổ trợ, có những quyển “độc” nữa nên tôi đưa con lên đây tìm. Cả một tập sách gần 30 cuốn tôi mua hết có hơn 100 nghìn đồng”. 

Năm học mới chính là thời điểm lo toan nhất của các bậc phụ huynh, từ học phí, đồng phục, sách vở, quần áo cho đến các khoản phụ phí. Chính vì thế, nhiều phụ huynh như anh Thành vì buộc phải cân đối thu chi, đã chọn giải pháp tìm đến các tiệm sách cũ để mua sách cho con. “Tôi thấy sách cũ hay mới không quan trọng, quan trọng là ý thức học của các cháu như thế nào. Việc sử dụng sách cũ cũng là một cách giáo dục trẻ phải biết gìn giữ đồ dùng học tập của mình và dạy trẻ tiết kiệm hơn. Mấy cháu nhà tôi cũng hiểu hoàn cảnh gia đình, khó khăn của bố mẹ nên không cháu nào phàn nàn hay đòi hỏi bất cứ thứ gì, dù phải mặc quần áo cũ hay học sách giáo khoa cũ” - chị Lam, phụ huynh đi mua sách cũ cho biết. Không chỉ sách, việc mua sắm đồ dùng học tập cũng được hạn chế tối đa. Ở các cửa hàng, những loại cặp sách, ba lô cao cấp năm nay đều bán rất chậm. 

Thị trường sách và đồ dùng học tập “đìu hiu” một phần do nhiều gia đình cắt giảm chi tiêu. Bên cạnh đó nhiều Công ty, đại lý đã cung ứng sách giáo khoa, vở viết đến tận trường học. Riêng Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Nam Định đã cung ứng hơn 2 triệu bản sách giáo khoa, sách bổ trợ các loại cùng với các loại sách và các thiết bị văn phòng… cho các đơn vị giáo dục trên địa bàn tỉnh. Đối với sách giáo khoa lớp 1, học sinh sẽ được nhận ngay trong ngày đầu năm học mới tại trường. Vì vậy, tại các cửa hàng nhu cầu mua sách giáo khoa của phụ huynh, học sinh không nhiều. Phần lớn phụ huynh đều cho rằng, việc đảm bảo đầy đủ sách, vở và dụng cụ học tập tối thiểu cho con ở thời điểm này là cần thiết. Những vật dụng khác có thể sắm dần trong năm học, bởi dịch bệnh đang còn diễn biến khó lường, cần tiết kiệm chi tiêu và phòng trường hợp con phải học trực tuyến, nhiều vật dụng cũng sẽ không cần dùng đến./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com