Vượt lên tật nguyền

08:06, 12/06/2020

Từ lâu, người dân xã Vĩnh Hào (Vụ Bản) đã quen với hình ảnh anh Nguyễn Ngọc Sơn, bị khuyết tật đôi chân phải di chuyển bằng đôi nạng gỗ hoặc trên chiếc xe mô tô ba bánh trên khắp các nẻo đường.

Anh Nguyễn Ngọc Sơn đại diện cho các nhóm thiện nguyện trao tiền và gạo cho hai học sinh mồ côi ở xã Minh Thuận (Vụ Bản).
Anh Nguyễn Ngọc Sơn đại diện cho các nhóm thiện nguyện trao tiền và gạo cho hai học sinh mồ côi ở xã Minh Thuận (Vụ Bản).

Sinh ra vốn lành lặn, khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác nhưng khi được 8 tháng tuổi, sau một cơn sốt, đôi bàn chân của Sơn không còn cử động và cứ teo dần. Bỏ qua mặc cảm của bản thân, Sơn đã cố gắng vươn lên trong cuộc sống và học tập. Sau khi tốt nghiệp THPT, dù đỗ vào đại học, nhưng do sức khỏe yếu, việc đi lại khó khăn nên anh quyết định ở nhà và xin vào làm cán bộ phụ trách phòng thông tin, thư viện của xã Vĩnh Hào. Hạnh phúc tưởng chừng như viên mãn với người tật nguyền khi anh lập gia đình với cô thợ may cùng xã. Nhưng bất hạnh ập xuống khi đứa con thứ 2 chưa đầy 22 tháng tuổi, vợ anh đột ngột qua đời. Một mình nuôi con, anh thấu hiểu, trải qua bao khó khăn, vất vả, mày mò học hỏi được nghề làm ảnh, sửa chữa đồng hồ và điện dân dụng để nuôi các con khôn lớn. Mặc dù bản thân còn nhiều khó khăn song anh luôn nghĩ đến những hoàn cảnh khó khăn khác bởi anh cho rằng nếu không có bản lĩnh, không có quyết tâm và sự động viên kịp thời, rất có thể sẽ lái cuộc đời của họ sang một hướng xấu hơn. Bắt đầu từ năm 2010, anh nhen nhóm đến việc làm từ thiện, giúp những mảnh đời bất hạnh bớt đi những khó khăn và kéo mọi người đến gần hơn với những phận đời không may mắn. Thông qua mạng xã hội, anh theo dõi, giao lưu với nhóm sinh viên làm từ thiện tại Hà Nội. Thấy các bạn trẻ có nhiều chương trình hay, nhất là chương trình tặng quần áo cho người dân miền núi, anh bắt đầu đi xin quần áo về soạn, gấp cẩn thận để gửi lên Hà Nội. Ban đầu chỉ 1-2 bao, dần dần nhiều người trong và ngoài xã biết đến đã chở quần áo đến tận nhà và phụ giúp anh phân loại quần áo. Nhiều lúc, chỉ cần nhận cuộc điện thoại báo ở đâu có quần áo đã gom, anh lại vội đến tận nơi chở về. Bằng chiếc xe ba bánh, hàng tuần anh đều đặn chở những bao quần áo gửi xe khách lên Hà Nội cho nhóm và duy trì đến nay đã tròn 10 năm. Biết anh làm từ thiện, các nhà xe đều ủng hộ anh, không thu phí trong quá trình vận chuyển. Bên cạnh đó, anh còn tích cực tham gia thiện nguyện cùng nhóm: Thiện Tâm Nam Định, Công Bao Nam Định, Thanh niên tình nguyện huyện Vụ Bản, Thanh niên tình nguyện huyện Trực Ninh, nhóm Bỉm Sơn (Ninh Bình) và kết nối với nhiều nhóm thiện nguyện ở các tỉnh để thực hiện các chương trình từ thiện. Chứng kiến anh Sơn kéo đôi nạng gỗ đi lại tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhiều người nhà bệnh nhân tưởng anh là người cần hỗ trợ đã không ngần ngại giúp đỡ di chuyển và đăng ký nhận cơm cho anh. Nhưng khi thấy anh hăng hái chia cơm và bố trí người nhận sao cho trật tự, ngăn nắp, mọi người mới biết, anh chính là một trong những thành viên tích cực của nhóm từ thiện Công Bao. Bên cạnh phát cơm miễn phí vào thứ 6 hàng tuần, anh Sơn cùng với các thành viên của nhóm từ thiện này còn tổ chức cấp gạo, mì tôm, nước mắm hàng tháng cho hàng chục gia đình khó khăn, người già neo đơn không nơi nương tựa. Trong số đó, có nhiều hoàn cảnh anh trực tiếp đi tìm hiểu và đề nghị nhóm hỗ trợ. Bà Phạm Tư ở xã Vĩnh Hào (Vụ Bản) bị liệt, không nơi nương tựa, anh đề nghị với nhóm và hàng tháng trực tiếp đến trao cho bà 10kg gạo, 1 thùng mì tôm, muối, mì chính, dầu ăn và 100 nghìn đồng. Tham gia nhóm Thiện Tâm Nam Định, anh luôn đồng hành cùng các thành viên trong việc kêu gọi và cấp học bổng cho những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những người già không nơi nương tựa. Thông qua mạng xã hội, cứ có trường hợp khó khăn nào, bất kể ngày mưa hay nắng anh Sơn đều trực tiếp đến tận nơi tìm hiểu, lấy thông tin và đăng bài kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng. Đến nay, anh và nhóm đã giúp hàng chục trường hợp hoàn cảnh khó khăn, giúp họ có động lực vươn lên trong cuộc sống và các em học sinh tiếp tục được học tập. Năm 2017, được tin ở xã Minh Thuận (Vụ Bản) có hai anh em Trần Văn Toản và Trần Văn Quang, bố mất trong cơn bạo bệnh, 3 mẹ con em từ Thái Nguyên về quê ngoại tá túc nhưng không may trong một lần đi phụ xây, mẹ của hai em ngã dàn giáo và mất. Hai em ở với bà ngoại chưa kịp ổn định lại cuộc sống, bà em lại mất trong một tai nạn giao thông. Đang tuổi ăn tuổi học, các em bơ vơ khi gia đình bên ngoại, chú dì đều đi làm ăn xa và có cuộc sống rất khó khăn. Từ năm 2018, anh đã kêu gọi được nhóm thiện nguyện tại Hà Nội và nhóm Thiện Tâm Nam Định quyên góp cho hai em hàng tháng gạo, tiền và xây dựng quỹ tiết kiệm 70 triệu đồng để giúp các em sinh sống và đi học. 

Với nguyên tắc không nhận tiền trực tiếp từ nhà tài trợ, chỉ là cầu nối đối với những hoàn cảnh khó khăn nên anh Sơn luôn được các nhóm thiện nguyện và cộng đồng tin tưởng. Bên cạnh những hoạt động từ thiện, anh Sơn luôn là người bạn tâm giao, tư vấn, động viên cho nhiều người khuyết tật. Bằng tấm lòng sẻ chia, cảm thông và kinh nghiệm từ chính bản thân mình, anh đã giúp nhiều người khuyết tật đang rơi vào hoàn cảnh bế tắc vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống. Hiện tại, với nghề sửa chữa đồng hồ, điện dân dụng, anh Sơn còn quản lý một cơ sở chế tác xe lăn điện dành cho người khuyết tật tại Trường Yên, Hoa Lư (Ninh Bình), tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 3-5 lao động. Với số tiền kiếm được, anh lại dành một phần để làm từ thiện. Hiện tại, dù vẫn sinh sống trong căn nhà nhỏ đơn sơ, đôi chỗ còn dột mỗi khi trời mưa, nhưng bản thân anh và các con luôn cảm thấy ấm lòng với công việc thiện nguyện, giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, bởi anh tâm niệm “yêu thương cho đi là yêu thương còn mãi”./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com