Đổi thay ở Hồng Thuận

08:01, 06/01/2020

Xã Hồng Thuận (Giao Thủy) có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 1.435ha, dân số gần 14.700 người chia làm 18 xóm. Theo các tư liệu lịch sử, vào thế kỷ XVII, cụ tổ các dòng họ: Lê, Đặng, Phạm, Hoàng, Trần, Vũ, Bùi, Hà, Nguyễn từ Thiên Bản (nay là huyện Vụ Bản) đã về vùng đất này khai hoang, lấn biển, lập làng. Trải qua các thời kỳ lịch sử, các thế hệ người dân Hồng Thuận đã chung sức, đồng lòng vừa chống chọi với thiên tai, giặc giã vừa xây dựng quê hương trở thành một vùng quê trù phú. 

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, xã Hồng Thuận là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện - chi bộ Hà Cát. Những năm 1941-1942, đồng chí Hoàng Quốc Việt được Trung ương cử về Hồng Thuận hoạt động xây dựng, chỉ đạo phong trào cách mạng. Trong những năm tháng ấy, nhiều tổ chức hội yêu nước, cách mạng được thành lập từ phong trào đấu tranh của nhân dân được nhen nhóm và lan tỏa khắp vùng. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều phong trào thi đua “Sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi”, chi viện sức người, sức của cho đồng bào miền Nam được dấy lên mạnh mẽ; hàng trăm người con quê hương Hồng Thuận đã xung phong lên đường nhập ngũ chiến đấu trên các chiến trường để bảo vệ Tổ quốc. Bước vào thời kỳ đổi mới, tinh thần cách mạng tiếp tục được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hồng Thuận phát huy trong công cuộc xây dựng quê hương. Với những đóng góp cho cách mạng, năm 2015, Đảng bộ và nhân dân xã Hồng Thuận vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp”.

Trường Trung học cơ sở Hồng Thuận được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục. (Trong ảnh: Cô và trò Trường Trung học cơ sở Hồng Thuận trong một giờ học).
Trường Trung học cơ sở Hồng Thuận được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục. (Trong ảnh: Cô và trò Trường Trung học cơ sở Hồng Thuận trong một giờ học).

Về Hồng Thuận hôm nay, ai cũng nhận thấy rõ sự chuyển mình vững chắc của làng quê trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Những tuyến đường giao thông trong xã được trải nhựa, bê tông hóa phẳng lỳ, phong quang sạch đẹp, được lắp điện chiếu sáng. Những ngôi nhà mái bằng, cao tầng khang trang san sát vẽ nên bức tranh nông thôn Hồng Thuận thực sự đổi mới. Chia sẻ về sự phát triển của quê hương, đồng chí Đặng Thế Yên, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thuận cho biết: Để đạt được những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội như hôm nay, địa phương đã vượt qua nhiều khó khăn. Hơn 10 năm trước, tình trạng vi phạm, tranh chấp đất đai ở Hồng Thuận diễn biến phức tạp ở nhiều xóm gây mất đoàn kết giữa các hộ gia đình, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Trước thực trạng trên, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ mâu thuẫn. Xã đã thành lập tổ công tác do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện phong trào “Xây dựng thôn, xóm bình yên, gia đình hạnh phúc”. Từ chỗ là một trong những “trọng điểm” về an ninh nông thôn do có nhiều hộ dân vi phạm đất đai, khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, sự vào cuộc tích cực của Ban Công tác Mặt trận, các tổ chức đoàn thể, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong các phong trào xây dựng “xóm văn hóa”, “gia đình văn hóa”, đến nay, tình trạng này đã được cơ bản khắc phục, nhiều xóm được công nhận là xóm văn hóa. Trong đó, từ năm 2010 đến năm 2019, xóm 7 liên tục được UBND huyện công nhận là xóm văn hóa, trên địa bàn xóm không có người tham gia khiếu kiện trái pháp luật.

Trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ xã Hồng Thuận xác định: Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng, phải tập trung cao sự lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền và huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện. Nhờ các giải pháp đồng bộ, xã Hồng Thuận đã về đích xây dựng nông thôn mới năm 2017. Năm 2019 là năm cuối địa phương đẩy mạnh thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ xã lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015-2020) đã đề ra, tiếp tục thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới bền vững giai đoạn 2018-2025. Đảng uỷ, UBND xã đã đề ra các giải pháp trọng tâm nhằm phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, tập trung đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất như điện, trạm bơm, bê tông hóa hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng và củng cố, nâng cấp hệ thống bờ vùng, bờ thửa để chống ngập úng. Trong sản xuất nông nghiệp, xã chú trọng chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, nhiều hộ dân đã đầu tư phát triển kinh tế theo hướng gia trại. Bên cạnh đó, xã tập trung chỉ đạo phát triển ngành nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ dân. Trên địa bàn xã hiện có gần 50 hộ sản xuất, kinh doanh các ngành nghề như: cơ khí, may, mộc, vận tải… Thu nhập bình quân toàn xã đạt 37 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên đạt trên 91%; tỷ lệ hộ nghèo ở xã giảm còn 1,4%. Trong 5 năm qua, từ nguồn ngân sách Nhà nước và đóng góp của nhân dân, xã đã khởi công xây dựng 5 cụm công trình lớn gồm trụ sở UBND xã, đường giao thông, khu sinh hoạt văn hóa, thể thao trung tâm, trạm y tế và các trường học. Hệ thống đường trục xã, liên xã dài 13,4km được nhựa hóa, bê tông hóa 100%, mặt đường rộng trên 3,5m, nền đường dày trên 6,5m; hệ thống đường trục thôn, xóm dài 11,2km được cứng hóa, mặt đường rộng 3m, nền đường dày 4m. Hệ thống giao thông nội đồng cũng được các thôn, xóm tập trung cải tạo, nâng cấp; trong đó có 7,7/14,4km đã được cứng hóa, đạt 51,2%. Các thiết chế văn hóa, thể thao ở xã được xây dựng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Đến nay, xã đã xây dựng được khu sinh hoạt văn hóa, thể thao trung tâm rộng rãi, bề thế; trong đó nhà văn hóa rộng 1.000m2, sân thể thao đa năng diện tích trên 6.000m2; cả 18 xóm trong xã đều có nhà văn hóa đạt chuẩn nông thôn mới. Phong trào xây dựng “xóm văn hóa”, “gia đình văn hóa” được triển khai sâu rộng. Đến nay, 16/18 xóm trong xã đạt danh hiệu “Xóm văn hoá”; 3.609/4.187 hộ được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đạt 86,2%; 3 trường học, 1 trạm y tế đều đạt chuẩn nếp sống văn hóa, đạt chuẩn quốc gia, các trường học đều đạt chuẩn “Xanh - sạch - đẹp - an toàn”.

Thời gian tới, xã Hồng Thuận tiếp tục tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức và sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, đảm bảo tính bền vững của các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được, nhất là các tiêu chí về: môi trường, giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế... Phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; đặc biệt là sự tham gia của người dân để thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ, mục tiêu xây dựng nông thôn mới bền vững, góp phần tạo bước khởi sắc diện mạo nông thôn trên quê hương giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com